ThS. Trần Hương Giang

ThS. Trần Hương Giang
Thạc sỹ Chính sách công (MPP) Đại học Fulbright Việt Nam

Những kệ hàng trống trơn

27/03/2020 10:35 AM
ThS. Trần Hương Giang ThS. Trần Hương Giang
CafeLand - Mấy bữa nay anh trai tôi liên tục nhắn tin kể về tình hình dịch bệnh Châu Âu. Hầu hết các quốc gia khu vực này đã phải ban hành lệnh hạn chế người dân ra đường để ngăn nguy cơ bùng dịch.

Nhìn tấm hình dòng người đứng xếp hàng dài để được vào khu chợ thương mại mua đồ trước khi lệnh người dân tự cách li tại nhà có hiệu lực, tôi cảm nhận rõ rệt nỗi sợ hãi mà nhân loại đang phải đối diện là một vấn đề hoàn toàn xa lạ, dường như con người chưa có kinh nghiệm đối mặt với tình huống này trước đây.

Trong lịch sử thế giới, nỗi sợ hãi luôn đồng hành với sự phát triển của loài người qua từng giai đoạn từ thuở hồng hoang khi xã hội công xã nguyên thủy phải đối diện với thú dữ, thiên tai cho đến khi con người hiện đại phải vượt qua nghịch cảnh của chiến tranh, dịch bệnh. Tất cả nỗi sợ ấy giúp cho cộng đồng loài người thích nghi và tồn tại trong thế giới mà họ đang sống và ngày càng phát triển.

Mỗi khi con người phải đối mặt với khủng hoảng, rủi ro mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc và cụ thể hơn là mỗi cá nhân lại thể hiện rõ tính cách và văn hóa của mình khi phản ứng với khủng hoảng. Trong đó, bảo vệ bản thân và gia đình là một nhu cầu chính đáng của mỗi cá thể trong xã hội. Tuy nhiên, để cho quyền lợi của mỗi cá nhân hòa hợp với quyền lợi của cả cộng đồng, nhất là trong những thời điểm khó khăn như hiện tại đòi hỏi ý thức tập thể và khả năng phối hợp cao giữa các đối tượng trong xã hội.

Trong đợt đại dịch này rất nhiều quốc gia trên thế giới đã có hiện tượng người dân đổ xô nhau đi mua hàng tại các siêu thị, trung tâm thương mại và chợ dân sinh. Hình ảnh những kệ hàng hóa trống rỗng, cảnh tượng người dân khuân vác hàng hóa ra khỏi siêu thị xuất hiện khắp mọi nơi trên thế giới. Tại Việt Nam dù số người nhiễm bệnh mới chỉ hơn 150 người, một con số rất nhỏ so với nhiều quốc gia khác. Tuy nhiên, Chính phủ và người dân cũng rất quyết liệt phòng chống dịch bệnh. Và cũng giống như nhiều quốc gia khác một số người dân ở các thành phố lớn cũng tích trữ hàng hóa đề phòng rủi ro. Vậy tại sao người dân khắp nơi lại tích trữ hàng hóa?

Bản thân tôi là người người luôn cho rằng việc tích trữ hàng hóa quá nhiều trong lúc xảy ra dịch bệnh là điều không tốt. Tuy nhiên, mỗi lần nghĩ đến khả năng gia đình của mình có thể bị cách li bất kỳ lúc nào cũng chợt giật mình. Do đó đợt đi siêu thị cuối tuần rồi tôi như có một điều gì đó thúc giục tôi đã mua nhiều thứ cần thiết hơn và số lượng nhiều hơn so với ngày thường. Ngó sang những người xung quanh tôi cũng cảm nhận ai cũng có một tâm trạng lo lắng tương tự và họ đều mua hàng hóa nhiều hơn bình thường.

Việc tích trữ hàng hóa của người dân bên cạnh lo bị “cách li” họ còn lo sợ những hóa thiết yếu có thể trở nên khan hiếm, giá cao và không thể mua được khi dịch bệnh lan ra trên diện rộng. Việc khan hiếm khẩu trang và giá lên rất cao trong thời gian qua là một ví dụ điển hình. Vì những lý do đó việc tích trữ hàng hóa sẽ giúp họ đối phó với tình trạng khủng hoảng khan hiếm hàng hóa.

Tuy nhiên, bên cạnh những người ý thức được những rủi ro đó thì cũng có không ít người mua hành xử theo tâm lý đám đông. Hiệu ứng trào lưu là một thuật ngữ được sử dụng trong kinh tế học hành vi và thường là phản ứng của người tiêu dùng không duy lý. Hiện tượng này chúng ta có thể quan sát thấy nhiều người đã tích trữ mì tôm, gạo, giấy vệ sinh với khối lượng rất lớn trong khi trên thực tế mức độ nguy hiểm của dịch bệnh hiện nay và nguồn cung hàng hóa này trên thị trường vô cùng dồi dào.

Như vậy, việc tích trữ hàng phần lớn là hành động duy lí hợp lý đối với mỗi cá nhân. Tuy nhiên, tôi vẫn luôn băn khoăn tự hỏi nếu tất cả các hộ gia đình đều ra sức tích trữ hàng hóa thì điều gì xảy ra và đâu là mức tích trữ phù hợp? Chắc chắn một điều nếu mỗi người đều tích trữ quá mức thì tình trạng khan hiếm hàng hóa nhất thời chắc chắn sẽ xảy ra khi các nhà sản xuất vẫn chưa kịp phản ứng tăng lượng cung ứng.

Hệ quả là việc phân phối các nguồn lực xã hội như hàng hóa cơ bản sẽ kém hiệu quả. Ở một số nơi nào đó như những người dân ở các khu vực bị cách li hay những người chưa kịp “tích trữ” sẽ không có hàng hóa tiêu dùng trong khi đó hàng lại nằm trong kho của các hộ gia đình mà vẫn chưa đưa vào sử dụng. Trong nhiều trường hợp hàng hóa này sẽ bị hư hỏng. Điều này khiến cho cuộc chiến đấu chống dịch bệnh càng thêm cam go và hệ quả tiêu cực đối với toàn xã hội sẽ trầm trọng hơn.

Nhân việc này tôi chợt nhớ đến việc nước Nhật đối với với thảm họa cách đây gần 10 năm. Người ta thường nhắc đến Nhật Bản như một dân tộc đã để lại nhiều bài học quý giá trong việc đối phó với khủng hoảng. Có lẽ do là một quốc gia với vị trí địa lý kém thuận lợi, thường phải hứng chịu nhiều thiên tai nên người Nhật có tinh thần kỷ luật và ý thức vì cộng đồng rất cao.

Năm 2011, nước Nhật lại phải đối diện với thảm họa trận động đất mạnh, sóng thần và rò rỉ hạt nhân tại nhà máy điện. Trong hoàn cảnh ngặt nghèo đó thế giới đã chứng kiến người Nhật đối phó khủng hoảng với một tâm thế bình tĩnh và trật tự chưa từng có. Hình ảnh những người dân Nhật xếp hàng trật tư để nhận nước, lương thực mà không có bất cứ một sự tranh giành hay chen lấn nào được đăng tải trên các video ở khắp nơi như một bằng chứng cho tinh thần đoàn kết dân tộc ở xứ sở mặt trời mọc. Nhờ tinh thần kỷ luật và ý thức cộng đồng đó, khả năng xử lý khủng hoảng của chính quyền nước Nhật đã vượt qua khó khăn.

Đại dịch Covid – 19 giờ đây đã trở thành thảm họa toàn cầu và là phép thử cho mỗi đất nước, dân tộc và cá nhân thể hiện bản lĩnh. Việc phân phối hợp lý hàng hóa thiết yếu cho nhu cầu người dân trong cơn dịch bệnh trở thành một vấn đề quan trọng hơn bao giờ hết. Bên cạnh vai trò của Nhà nước hay các tổ chức xã hội thì hơn bao giờ hết ý thức vì cộng đồng của mỗi cá nhân cần nâng cao để chúng ta có thể vượt qua thời khắc khó khăn. Việc tích trữ hàng hóa thiết yếu để phòng ngừa rủi ro là nhu cầu chính đáng. Tuy nhiên, ở mức độ nào thì mỗi cá nhân, tập thể cần có những sự duy lý và tinh thần vì cộng đồng.

Trần Hương Giang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.