Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33 vào ngày 11/03/2023 giúp giảm bớt việc thiếu thanh khoản cho ngành bất động sản (BĐS) trong ngắn hạn. Ngay sau đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phát hành hai Quyết định số 313 và 314 điều chỉnh giảm một số lãi suất điều hành vào ngày 14/03/2023. Các chuyên gia cho rằng cho rằng cần nhiều chính sách hỗ trợ quyết liệt hơn để mở cửa lại thị trường vốn cho các chủ đầu tư BĐS để giải quyết gốc rễ của vấn đề.

Ảnh minh hoạ.

Nghị quyết số 33 có thể là tiền đề cho nhiều chính sách hỗ trợ khác

Các điểm chính của Nghị quyết số 33 bao gồm: (1) Chỉ đạo NHNN Việt Nam hướng dẫn các tổ chức tín dụng (TCTD) để xem xét và áp dụng các biện pháp xử lý phù hợp cho các khoản nợ thuộc lĩnh vực BĐS (gia hạn trả nợ gốc/lãi hoặc duy trì nhóm nợ); (2) Khuyến khích các NHTM cho vay với các chủ đầu tư đủ điều kiện qua gói hỗ trợ tín dụng quy mô 120.000 tỷ đồng; (3) Giao nhiệm vụ cho NHNN xem xét điều chỉnh hệ số rủi ro, từ đó có thể làm giảm các giới hạn cho vay với nhóm doanh nghiệp BĐS; (4) Khuyến khích các NHTM hạ lãi suất cho thị trường BĐS và gia hạn các khoản vay ngắn hạn cho các chủ đầu tư với vấn đề thanh khoản.

Các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán VnDirect đánh giá Nghị quyết số 33 cùng với Nghị định 08 cho phép chủ đầu tư gia hạn nghĩa vụ trả nợ, sẽ làm giảm áp lực thanh khoản lên các chủ đầu tư trong ngắn hạn đáng kể và cho phép họ có thêm thời gian để xử lý các khoản nợ của mình.

NHNN thực hiện cắt giảm một số lãi suất điều hành, hỗ trợ phục hồi kinh tế

Sau các văn bản của Chính phủ, NHNN cũng ngay lập tức ban hành hai Quyết định trong ngày 14/03/2023, điều chỉnh các lãi suất điều hành từ 0,5% - 1%.

Cụ thể, Quyết định số 313/QĐ-NHNN giữ nguyên lãi suất tái cấp vốn, nhưng điều chỉnh lãi suất tái chiết khấu 1% về 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm của NHNN đối với các TCTD cũng giảm về mức 6% từ 7%.

Quyết định số 314/QD-NHNN cũng quy định giảm lãi suất 0,5% các khoản cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD với nhóm khách hàng thuộc lĩnh vực ưu tiên bao gồm: nông nghiệp, xuất khẩu, kinh doanh ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp vừa và nhỏ về mức 5%/năm.

Đây là lần đầu tiên NHNN điều chỉnh thực hiện giảm lãi suất điều hành trong 2 năm gần đây, đánh dấu những nỗ lực của Chính phủ trong việc ổn định mặt bằng của lãi suất, VnDirect đánh giá.

VnDirect dự báo rằng NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát sao biến động của thị trường và môi trường kinh tế trong nước để đưa ra các chính sách tiền tệ phù hợp.

Về ảnh hưởng đến lãi suất tiền gửi của các NHTM, VnDirect cho rằng điều này còn phụ thuộc rất nhiều vào chính sách điều chỉnh lãi suất sắp tới của FED khi mà áp lực tỷ giá vẫn còn cao (sau sự kiện Silicon Valley Bank, tỷ giá USD/VND giảm 0,2% sv đầu năm về mức 23.590).

Tuy nhiên, VnDirect kỳ vọng việc hạ lãi suất điều hành lần này sẽ hỗ trợ tăng trưởng tín dụng trong quý tới khi trong 2 tháng đầu năm tín dụng chỉ đạt mức tăng trưởng 0,77%.

Nghị quyết 33 cũng thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, tái cân bằng cung cầu

Thị trường BĐS hiện đang đối mặt tình trạng lệch pha cung cầu với căn hộ bình dân, trung cấp chiếm chưa tới 2% tổng nguồn cung căn hộ mới tại TP.HCM và Hà Nội trong 2022.

Các cơ quan quản lý đang nỗ lực cân đối cơ cấu sản phẩm nhà ở thông qua Nghị quyết 33 bằng việc: 1) trình Quốc hội xem xét, ban hành “Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội” vào kỳ họp tháng 5/2023, trong lúc chờ Luật Nhà ở sửa đổi thông qua; 2) đề xuất triển khai Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng đối với nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; 3) cam kết xây dựng hơn 1 triệu căn nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân tới năm 2030.

VnDirect đánh giá Nghị định 08 và Nghị quyết 33 có thể giúp xoa dịu áp lực thanh khoản trong ngắn hạn, tuy nhiên các vấn đề cốt lõi của thị trường BĐS như tháo gỡ pháp lý, khơi thông dòng vốn, khôi phục niềm tin người mua nhà vẫn còn đang bỏ ngỏ về chính sách.

Do đó, VnDirect kỳ vọng sẽ có thêm chính sách hỗ trợ, khơi thông dòng vốn cho thị trường BĐS trong 3-6 tháng tới, đặc biệt đảm bảo ưu tiên những dự án đang xây dựng dở dang để có thể bàn giao kịp thời đến khách hàng.

Ngoài ra, Luật Đất đai sửa đổi 2023 nếu được ban hành và có hiệu lực kịp thời như kế hoạch vào nửa cuối 2024 sẽ là bước ngoặt lớn cho ngành BĐS, khi tháo gỡ được các nút thắt pháp lý trong việc phê duyệt dự án nhà ở mới, từ đó giúp nguồn cung nhà ở dần phục hồi từ 2024-2025.

Anh Mai
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.