Kinh tế khởi sắc - Nhập siêu tăng vọt - Tỷ giá tăng theo
Kinh tế khởi sắc
GDP quý 1 bất ngờ tăng 6,03%, mức cao nhất trong vòng 4 năm qua. Điều này đã gây ngạc nhiên cho không ít người. Thậm chí rất nhiều người còn nghi ngờ về tính trung thực của những con số trong báo cáo này. Thực tế “bằng mắt thường” mọi người cũng cảm nhận được sự nóng lên của nền kinh tế thông qua những diễn biến của những hoạt động kinh tế hàng ngày. Thị trường bất động sản ấm lên, chi tiêu cho tiêu dùng cũng gia tăng và nền kinh tế cũng sôi động hơn.
Việc khởi sắc của nền kinh tế cũng được thể hiện qua các số liệu thống kê khá đáng tin cậy. Số liệu đầu tiên phải nói đến là sản xuất công nghiệp. Theo đó, sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm tăng 9,4%, cao hơn nhiều mức tăng 5,5% của cùng kỳ năm 2014. Trong đó ngành có mức tăng cao nhất là ngành chế biến, chế tạo tăng cao ở mức 10,1%. Hai ngành khác cũng có chỉ số bất ngờ tăng mạnh là sản xuất phân phối điện tăng 10,6% và khai khoáng tăng 6,7%.
Đáng chú ý là một số sản phẩm công nghiệp có chỉ số sản xuất tăng cao so với cùng kỳ năm trước như điện thoại di động tăng 89%; ô tô tăng 58,4%; ti vi tăng 41,8%. Một số địa phương có mức tăng trưởng ấn tượng như Thái Nguyên tăng cao ở mức 353,5%; Quảng Nam tăng 21,8%; Hải Phòng tăng 15,2%. Sở dĩ một số sản phẩm và một số địa phương tăng mạnh do các dự án FDI ở khu vực này đi vào hoạt động. Chẳng hạn dự án sản xuất điện thoại của nhà máy Samsung tại Thái Nguyên đi vào hoạt động khi chỉ số sản xuất công nghiệp khu vực này tăng vọt.
Một số liệu khác cho thấy nền kinh tế có nhiều điểm tích cực là chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thời điểm 01/4/2015 tăng 11,3% so với cùng thời điểm năm 2014, thấp hơn mức tăng 13,9% của cùng kỳ năm trước. Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/4/2015 tăng 5,5% so với cùng thời điểm năm trước. Một số địa phương có nhà máy FDI vào hoạt động khiến nhu cầu lao động tăng như Thái Nguyên tăng 65%; Hải Dương tăng 15,1%; Bắc Ninh tăng 11,4%; Bà Rịa-Vũng Tàu tăng 9,7%.
Sự khởi sắc của nền kinh tế còn được thể hiện qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 4 tháng tăng 8% (loại trừ yếu tố giá). Đây là mức tăng cao hơn nhiều so với cùng kỳ những năm gần đây. Tuy nhiên, có một chấm đen cũng đáng lo ngại là những ngành liên quan đến du lịch lại không thực sự khả quan như: dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 116,5 nghìn tỷ đồng, tăng 2,5%; du lịch lữ hành đạt 8,3 nghìn tỷ đồng, giảm 13,1%.
Nhập siêu tăng vọt
Cùng với sự khởi sắc của nền kinh tế thì điều tất yếu là nhập siêu của Việt Nam cũng đang ngày càng lớn. Đây được xem là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những biến động khá mạnh về tỷ giá trong thời gian qua. Như vậy, sau 3 năm Việt Nam cán cân thương mại khá cân bằng thì nhập siêu đã tăng trở lại.
Cụ thể theo số liệu của Tổng cục Thống kê trong 4 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 50,1 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2014. Trong khi đó kim ngạch hàng hoá nhập khẩu 4 tháng đầu năm ước tính đạt 53,1 tỷ USD, tăng 19,9% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, nhập siêu trong trong 4 tháng lên tới 3 tỷ USD.
Trong hoạt động thương mại khu vực kinh tế nước ngoài tăng mạnh và chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Chẳng hạn, trong 4 tháng xuất khẩu của vực kinh tế trong nước đạt 15 tỷ USD, giảm 1%; còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 35,1 tỷ USD, tăng 12,6%. Đối với nhập khẩu khu vực kinh tế trong nước đạt 20,7 tỷ USD, tăng 9,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 32,4 tỷ USD, tăng 27,8%. Điều đáng chú ý là nhập khẩu một số mặt hàng tăng rất mạnh như ô tô đạt 1,8 tỷ USD, tăng 96,4% (ô tô nguyên chiếc tăng 188,8%); máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 9,5 tỷ USD, tăng 44,4%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 7,5 tỷ USD, tăng 36,4%.
Như vậy, mặt hàng ô tô đã đóng góp một phần khá lớn trong việc nhập siêu 4 tháng qua. Việc nhập khẩu ô tô tăng cho thấy nhu cầu tiêu thụ mặt hàng xa cao cấp đang tăng mạnh. Tuy nhiên, cũng có điểm tích cực là nhu cầu nhập khẩu máy móc thiết bị cũng tăng điều này cho thấy việc đầu tư cho sản xuất đang rất tích cực.
Việc nhập siêu tăng mạnh trong 4 tháng đầu năm còn được giải thích do liên quan đến vấn đề tỷ giá. Thời gian qua đồng đô la mỹ lên giá rất mạnh so với nhiều đồng tiền khác. Trong khi đó tiền đồng vẫn được neo theo đồng USD dẫn đến tiền đồng cũng lên giá so với các đồng tiền khác. Điều này đã khiến việc nhập khẩu tăng mạnh còn xuất khẩu thì bị ảnh hưởng không nhỏ.
Nhập siêu lớn đã ảnh hưởng đến sự ổn định tỷ giá. Từ đầu năm đến nay tỷ giá trên thị trường đã liên tục có những biến động. Tuy vậy, mức biến động vẫn được xem trong tầm kiểm soát. Hiện tỷ giá đô la trên thị trường tự do đang được giao dịch quanh mức 21.600 VND/USD, tăng khoảng hơn 1% so với đầu năm. Thống đốc NHNN từng cam kết không để tỷ giá biến động quá 2% trong năm nay. Cho đến nay mục tiêu này vẫn còn nằm trong tầm kiểm soát của NHNN. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại với việc nhập siêu quá lớn như hiện nay và sự mạnh lên của đồng USD trên thế giới thì NHNN chịu thách thức không nhỏ trong thực hiện cam kết này.