CafeLand – Sau khi gây chấn động dư luận bởi đề xuất nghiêm cấm không được sử dụng nhà ở vào kinh doanh nhà nghỉ, dịch vụ karaoke (Luật nhà ở) Bộ Xây dựng lại tiếp tục tạo nên cơn địa chấn khi đề xuất khi đề xuất điều kiện để được cấp chứng chỉ môi giới phải có bằng đại học trở lên (Luật kinh doanh Bất động sản).

Việc quy định “bằng đại học trở lên” của Bộ Xây dựng dường như thiếu tính thực tế và cơ sở lý luận. Ảnh minh họa: KL

Những đề xuất này của Bộ Xây dựng dường như chẳng liên quan gì đến thực tế và cũng thiếu cả cơ sở lí luận. Qua sự việc đó khiến cho không ít người nghĩ Bộ Xây dựng đang “đi trên mây” làm chính sách.

Theo Dự thảo Luật kinh doanh bất động sản sửa đổi, Điều 61 quy định Cá nhân trong nước và nước ngoài hành nghề môi giới bất động sản tại Việt Nam phải có thẻ hành nghề môi giới bất động sản. Và cá nhân được cấp Thẻ hành nghề môi giới bất động sản khi có đủ các điều kiện sau đây: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; Có trình độ từ đại học trở lên; Đã qua sát hạch về môi giới bất động sản; Có hồ sơ đề nghị cấp Thẻ hành nghề môi giới bất động sản.

Như vậy, khác với quy định trước đây điều kiện để được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản có thêm điều kiện là “có trình độ đại học trở lên”. Điều khiến nhiều người băn khoăn là tại sao Bộ Xây dựng lại đưa ra quy định này. Một số người lí giải rằng quy định này để nâng cao mặt bằng trình độ văn hóa của đội ngũ môi giới. Ngoài ra, còn một số khác thì giải thích là đưa ra điều kiện khắt khe này để nhằm mục đích sàng lọc bớt đội ngũ môi giới vốn quá nhiều và phức tạp như hiện nay để thị trường phát triển lành mạnh.

Cho đến nay Bộ Xây dựng vẫn chưa đưa ra một lời giải thích chính thức nào cho đề xuất gây tranh cải này trong dự thảo. Đối với 2 cách giải thích được đề cập nhiều bởi người ở trên đều không mấy hợp lý.

Thực vậy, những người có trình độ đại học trở lên chẳng có liên quan gì đến văn hóa hay đạo đức của họ. Văn hóa thuộc về bản chất của mỗi người nó không được xem là cao hay thấp như người ta vẫn thường gọi. Đối với đạo đức cũng vậy, không có gì để đảm bảo một người có bằng đại học trở lên lại có đạo đức hơn, tốt hơn một người chưa có hoặc không có bằng đại học.

Còn lý do cho rằng người có bằng đại học sẽ có trình độ cao hơn và làm môi giới tốt hơn để tránh rủi ro cho khách hàng thì cũng không thuyết phục. Bằng đại học nếu ở một lĩnh vực chuyên môn nào đó chẳng liên quan đến bất động sản, luật thì việc có nó cũng vô nghĩa đối với nghề nghiệp của một nhân viên môi giới. Ngoài ra, việc có bằng đại học cũng không đồng nghĩa với trình độ của người đó là cao hơn một người không có bằng. Thực tế chúng ta thấy việc “mua” một bằng đại học thậm chí cả bằng tiến sỹ cũng quá dễ dàng. Ở Mỹ và rất nhiều quốc gia khác việc “mua” một tấm bằng sau không khó và hoàn toàn hợp pháp. Trình độ của một người không phải được nhà nước quy định mà do xã hội công nhận dựa trên việc người đó tốt nghiệp trường nào hay có đóng góp gì cho xã hội chưa chứ không phải là anh có bằng đại học hay cao đẳng…

Như vậy, “thể chế hóa” bằng cấp ở một ngành nghề kinh doanh không đòi hỏi quá khắt khe cho thấy tư duy “bằng cấp” ở Bộ Xây dựng còn quá nặng nề. Đây là một bước đi thụt lùi trong xu hướng phát triển và hội nhập hiện nay. Nếu muốn nâng cao trình độ đội ngũ làm môi giới thì Bộ Xây dựng chỉ cần nâng chuẩn của việc cấp chứng chỉ đạo tạo môi giới bằng chương trình học và thi ngặt nghèo hơn là được chứ chẳng cần quy định “có trình độ đại học trở lên”.

Đối với lý do tạo ra rào cản để loại bớt “cò” nhà đất để lập lại trật tự cho thị trường cũng không mấy thuyết phục. Thực vậy, theo quy định của Điều 8 dự thảo Luật kinh doanh bất động sản sửa đổi quy định “Tổ chức khi kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản phải có ít nhất 2 người có thẻ hành nghề môi giới bất động sản; Cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản độc lập phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật và có thẻ hành nghề môi giới bất động sản.

Như vậy, đối với một tổ chức thì chỉ cần 2 cá nhân có bằng đại học trở lên và có thẻ môi giới bất động sản là đủ. Có thể hàng trăm nhân viên của họ dù có thẻ hay không thì vẫn có thể làm môi giới bất động sản bình thường (nhân danh công ty). Rõ ràng quy định đó cũng không phải là rào cản lớn đối với doanh nghiệp. Đối với cá nhân thì những “cò” nhà đất gặp rắc rối hơn vì chắc chắn nhiều “cò” hiện nay chưa có bằng đại học. Tuy nhiên, điều đáng nói là họ cũng hoàn toàn có thể lách bằng cách thuê “thẻ hành nghề” tương tự như thuê bằng dược sỹ để mở nhà thuộc hiện nay.

Tóm lại, việc quy định “bằng đại học trở lên” của Bộ Xây dựng dường như thiếu tính thực tế và cơ sở lý luận. Ngoài ra, quy định này cũng khó mang lại hiệu quả. Đây cũng không phải là lời giải để giải quyết những vấn đề bất cập trong môi giới nhà đất hiện nay. Như vậy, phải chăng Bộ Xây dựng đang “đi trên mây” làm chính sách?

Hồ Xung
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.