Năm 2016, về cơ bản, các thể chế quản lý chính sách nhà nước đã hoàn thành, tuy nhiên chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát những vấn đề còn tồn tại, bất cập để sửa đổi, bổ sung. Trong đó, đẩy mạnh phân cấp triệt để cho các địa phương, các cơ quan chuyên môn về xây dựng và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng.
Nếu năm 2016 trở về trước tập trung ban hành thể chế, thì năm 2017, Bộ Xây dựng xác định, kết hợp nhiệm vụ ban hành, rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách với việc hướng dẫn kiểm tra, thanh tra quá trình triển khai và đánh giá tác động của chính sách để có sửa đổi, bổ sung cho kịp thời.
Năm nay, chúng tôi tập trung nhiều cho công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý kiểm soát phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch. Những vấn đề bất cập về quản lý đô thị, nhất là ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM sẽ được mổ xẻ, phân tích và có hướng xử lý. Từ khâu quy hoạch cho đến tổ chức thực hiện quy hoạch, vấn đề quá tải về hạ tầng, vấn đề xây dựng nhà cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử… đang là những vấn đề lớn cần phải có sự quyết liệt, đồng bộ vào cuộc của các cơ quan từ trung ương đến địa phương.
Với thị trường bất động sản, mặc dù vẫn giữ đà tăng trưởng, nhưng đang tiềm ẩn một số yếu tố rủi ro. Chính vì vậy, năm 2017, Bộ sẽ tập trung từ việc rà soát, đánh giá toàn diện về thị trường, đến kiểm tra một số dự án bất động sản quy mô lớn chiếm nhiều diện tích đất. Đồng thời, đánh giá về các chính sách liên quan như: tài chính, tín dụng, chính sách thuế, chính sách đất đai để đề xuất với Chính phủ những công cụ quản lý hữu hiệu, đảm bảo kiểm soát thị trường bất động sản phát triển ổn định và lành mạnh.
Ông Đỗ Đức Duy, Thứ trưởng Bộ Xây dựng
Chúng ta phải có định hướng hạ nhiệt khi thị trường chưa đến mức quá nóng như giai đoạn trước đây. Tất nhiên, các động thái kiểm soát cũng cần đảm bảo giữ ổn định để thị trường không xảy ra tình trạng trầm lắng, thậm chí là đóng băng như giai đoạn 2010 - 2011. Hay nói cách khác, Bộ Xây dựng sẽ tiếp cận chủ động hơn và có những giải pháp linh hoạt hơn trong ứng xử với thị trường bất động sản, bởi đây là một trong những thị trường phức tạp, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế và liên quan đến nhiều ngành.
Định hướng quan trọng nhất vẫn là tập trung kiên định các giải pháp tái cấu trúc thị trường bất động sản gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đặc biệt là đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội nhằm giải quyết nhu cầu về nhà ở cho các đối tượng chính sách đang gặp nhiều khó khăn về chỗ ở, góp phần ổn định an sinh xã hội.
Cụ thể là tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý và phát triển đô thị, nhà ở, thị trường bất động sản; chỉ đạo các các địa phương triển khai có hiệu quả Luật Nhà ở 2014, Luật Kinh doanh bất động sản và các giải pháp điều hành của Chính phủ đã đề ra trong Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 và Nghị quyết số 61/NQ-CP ngày 21/8/2014; Phối hợp với các Bộ ngành, địa phương có các công cụ, giải pháp linh hoạt, kịp thời để kiểm soát, điều tiết thị trường, bảo đảm cho thị trường phát triển ổn định, tránh tình trạng phát triển quá nóng hay quá lạnh...