Trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters, 24% các doanh nghiệp Hàn Quốc và Nhật Bản cho biết đang xem xét trì hoãn hoặc giảm đầu tư vào Trung Quốc, 18% cho biết đang xem xét chuyển sản xuất sang các nước khác, đặc biệt là Đông Nam Á. Các công ty này hy vọng sẽ nâng cao chất lượng sản phẩm, cũng như giảm thời gian và chi phí cần thiết cho việc vận chuyển.
Chiến tranh thương mại giữa 2 nước bùng nổ càng làm cho xu hướng các tập đoàn đa quốc gia rời bỏ Trung Quốc trở nên rõ nét hơn. Tuy nhiên, liệu Việt Nam có phải là một trong những nước Đông Nam Á đủ lý tưởng để đón chân các tập đoàn đa quốc gia này?
CafeLand đã có cuộc trao đổi với TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Chiến lược và thương hiệu cạnh tranh về vấn đề này.
Thu hút đầu tư nước ngoài là chiếc lược Việt Nam thực hiện bền bỉ trong 30 năm qua. Có những quan sát cho rằng Việt Nam sẽ là điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư quốc tế khi họ “rời bỏ” Trung Quốc. Ông nghĩ sao về quan sát này?
TS. Võ Trí Thành: Theo tôi là có thể đúng, bởi 3 ý sau. Thứ nhất là chiến lược Trung Quốc + 1 đã có từ lâu. Khi lợi thế so sánh của Trung Quốc thay đổi, chi phí nhân công tăng cao thì việc nhà đầu tư đi tìm một quốc gia khác có lợi thế hơn là tất yếu.
Thứ hai là bản thân Trung Quốc, khi quốc gia này đã phát triển thì họ cũng muốn đầu tư ra nước ngoài. Và thực tế đã chứng minh điều đó, khi họ cho vay rất nhiều các dự án lớn ở nhiều quốc gia, các tập đoàn Trung Quốc mở rộng quy mô ở các nước trên thế giới. Điều này thể hiện rõ sức mạnh, sức ảnh hưởng của Trung Quốc ra thế giới.
Thứ ba là cuộc chiến tranh thương mại giữa 2 nước Mỹ - Trung Quốc, một cuộc chiến giữa 2 cường quốc, chưa thể nói bên nào thua hay bên nào thắng. Nhưng ảnh hưởng bất lợi về kinh tế cho 2 nước là chắc chắn có. Giới đầu tư ở Trung Quốc lo ngại xung đột này ngày càng tăng cao. Vì vậy, có thể họ sẽ phải tìm một địa điểm khác để sản xuất kinh doanh nhằm “né” tác động của cuộc chiến.
Tuy nhiên, liệu cuộc chiến tranh thương mại này có đủ để tạo một “cú hích” để giới đầu tư rời bỏ Trung Quốc và tìm kiếm các thị trường mới nổi trong thời điểm này?
Theo tôi là có tác động nhưng nguyên nhân chính, về lâu dài vẫn là chiến lược Trung Quốc +1 của giới đầu tư nước ngoài. Còn cuộc chiến thương mại có thể là một cú sốc, chưa biết nó có kéo dài hay không và trong bao lâu. Nếu nó không kéo dài thì đây có thể chỉ là một đợt sóng với kinh tế Trung Quốc.
Ông có thể nói rõ hơn về chiến lược Trung Quốc + 1?
Điều này đã được nhắc tới trong vài ba năm trở lại đây. Đó là sự trưởng thành của nền kinh tế Trung Quốc đồng nghĩa với việc nền kinh tế này sẽ dần mất dần đi những lợi thế để thu hút đầu tư của các doanh nghiệp phương Tây. Ví như Trung Quốc sẽ không còn là thị trường lao động rẻ nhất châu Á; các chính sách khuyến khích đầu tư liên quan đến thuế cho các doanh nghiệp phương tây bị xóa bỏ hoặc ưu đãi giảm dần; việc thực thi Luật Sở hữu trí tuệ ở Trung Quốc thiếu đồng bộ…
Trước tình hình này buộc các công ty đa quốc gia hoạt động tại Trung Quốc phải tìm cách chuyển cơ sở sản xuất của mình từ các tỉnh duyên hải về sâu trong nội địa - nơi có chi phí sản xuất thấp hơn. Tuy nhiên, việc di dời khỏi khu vực duyên hải cũng là một vấn đề nan giải, do đó các công ty này tìm cách di chuyển cơ sở sản xuất của mình sang các nước châu Á khác, trong đó có Việt Nam, Indonesia, Thái Lan và Myanmar. Chiến lược “Trung Quốc +1” đã ra đời trong bối cảnh như vậy và nó ngày càng trở nên phổ biến.
Chiến lược “Trung Quốc + 1” là một phương pháp các doanh nghiệp dùng để bảo hiểm rủi ro khi đầu tư vào Trung Quốc, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp Nhật Bản. Nghĩa là, các doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào Trung Quốc sẽ mở rộng, đặt chi nhánh hoặc cơ sở sản xuất sang các nước châu Á khác như Thái Lan, Việt Nam, Indonesia hoặc Myanmar...
Những lợi ích mà Chiến lược “Trung Quốc + 1” đem lại cho doanh nghiệp gồm: giảm chi phí, do chi phí nhân công tại các nước Đông Nam Á rẻ hơn so với chi phí nhân công tại Trung Quốc; hạn chế những rủi ro, sự đa dạng hóa sẽ giúp cho nhà sản xuất ít chịu rủi ro về gián đoạn chuỗi cung ứng, biến động tỷ giá và rủi ro về thuế; tiếp cận thêm nhiều thị trường mới, đang phát triển nhanh và sôi động.
Vậy Việt Nam có phải là một điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư nước ngoài so với các nước Đông Nam Á sau khi rời bỏ Trung Quốc?
Việc này chúng ta cần xem xét trên 2 góc độ, một là từ nước nhận (Việt Nam) hay còn là môi trường đầu tư, hai là từ lựa chọn của nhà đầu tư.
Đối với Việt Nam, chúng ta đã trải qua 30 năm thu hút FDI, mở cửa. Cùng với quá trình đó là những cải cách trong môi trường kinh doanh, pháp lý sao cho phù hợp với yêu cầu các FTA. Tuy nhiên, cũng sau 30 năm ấy, chúng ta đã có những định hình lại về hướng thu hút FDI trong thời gian tới. Câu hỏi đặt ra là chúng ta có phân biệt dòng đầu tư không khi bản thân chiến lược thời gian tới hướng đến dòng vốn chất lượng, bền vững và có tính lan toả hơn. Vì thế mà quan điểm thu hút đầu tư của Việt Nam là rất quan trọng.
Thiết nghĩ, với cuộc chiến thương mại lần này, chúng ta đừng quá mong chờ theo nghĩa sẽ có những “đột biến” trong thu hút đầu tư nước ngoài, bởi cuộc chiến có kéo dài hay không còn chưa thể đoán định, chưa kể có những nơi khác có thể hấp dẫn hơn.
Còn Việt Nam có thực sự hấp dẫn hơn các nước Đông Nam Á không? Tôi nghĩ Việt Nam có niềm tiềm năng để thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhưng chúng ta chưa nỗ lực để phát huy tiềm năng ấy.
Đi cùng với tiềm năng luôn là những thách thức, thách thức thay đổi. Chúng ta còn nhiều bất cập trong cải thiện môi trường vĩ mô, môi trường kinh doanh và mở cửa hội nhập. Chúng ta đang tiến bộ, đang có biến chuyển, nhưng biến chuyển ấy chưa thực sự được như kỳ vọng.
Xin cảm ơn ông!
-
TS. Phan Hữu Thắng: Chúng ta đang bỏ ngỏ quản lý chuyển giá với doanh nghiệp FDI
CafeLand - Đã được 30 năm kể từ ngày Luật Đầu tư nước ngoài ra đời (12/1987 - 2018), công lao của những doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng góp vào kinh tế Việt Nam là không thể phủ nhận. Nhưng đi cùng với đó cũng có rất nhiều vấn đề mà Việt Nam cần rút kinh nghiệm. Đó là những bài học lớn cho định hướng thu hút FDI trong những năm tới nếu Việt Nam còn tiếp tục chiến lược này.