Khí chất cò con của các ông quan lớn
Sự việc này xảy ra ít ngày sau khi báo chí công bố thông tin 12 cựu quan chức thuộc các cơ quan trung ương “quên” trả lại nhà công vụ cho nhà nước sau khi đã về hưu. Nhiều người trong số này đã về hưu 2 - 3 năm, không còn đặc quyền ở nhà công vụ nhưng vẫn "chây ì" không bàn giao lại cho Nhà nước.
Các vị quan quên trả tài sản này gồm 3 cựu phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, 2 cựu phó chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, 1 cựu phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, 1 cựu phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, 1 cựu phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, 1 cựu thứ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, 1 cựu tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp), 1 cựu tổng biên tập báo điện tử và 1 cựu phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương.
Các vị này khi đương chức đã có tiêu chuẩn thuê căn hộ nhà ở công vụ tại đô thị với căn hộ loại 2, diện tích sử dụng 100 - 115m2. Nghỉ hưu xong theo quy định phải trả, xong những người thường điều hành thông qua các quy định và quy trình ấy lại quên.
Trao đổi sau đó, nhiều vị không giấu giếm mong muốn ở vậy để đợi đến khi được mua lại các căn nhà công vụ mình đã ở như một đặc quyền khi nghỉ hưu.
Mong muốn ấy thật cò con.
Hầu hết các cựu quan chức này đều có hệ số phụ cấp chức vụ khi đang công tác từ 1,3 trở lên, đảm nhận chức danh thứ trưởng hoặc chức danh tương đương hàm thứ trưởng. Chắc chắn không ai tin là các vị quan này cùng gia đình lại không có lấy một chỗ ở cơ bản sau nhiều năm đi làm. Nhưng họ vẫn muốn đợi đến khi mua lại để được giá hời.
Họ không dám ra với thị trường để mua ở mức giá do cung cầu quyết định mà muốn chiến thắng bằng cách đứng đợi sẵn ngay ở vạch đích.
Họ muốn níu giữ đặc quyền dù đã được trả về vị trí thường dân. Họ cố chiếm bằng được vị thế lợi hơn người khác, nhằm chắc chắn chiến thắng những người dân thường - người mà họ thường nói là một đời phụng sự, trong cuộc đua mua nhà mua đất.
Đó chắc chắn không phải khí chất người từng làm lãnh đạo.
Dường như, níu kéo tí đất thơm ở phố đã là căn bệnh ăn sâu trong tâm trí những người làm công bộc nhưng lại nghĩ về mình nhiều hơn đối tượng phục vụ là nhân dân.
Nhiều doanh nghiệp quốc doanh lớn cũng có não trạng tương tự. Theo đà đô thị hoá, khi buộc phải di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp trong nội thành Hà Nội, TP.HCM, lãnh đạo các đơn vị vẫn chần chừ, cố tình triển khai chậm.
Vấn đề là họ mong muốn quỹ đất sau khi di dời các nhà máy xí nghiệp ra khỏi khu vực nội thành sẽ vẫn là của mình và xin xỏ xoay xở để được sử dụng để đầu tư xây dựng các dự án nhà ở, trung tâm thương mại, văn phòng. Mong muốn thật cò con, bất chấp định hướng quy hoạch chung, bất chấp áp lực về dân số và quá tải về hạ tầng tại khu vực nội thành.
Nhưng với cộng đồng doanh nghiệp và người dân, nỗi bức xúc lớn hơn, gay gắt hơn rất nhiều chứ không đơn thuần chỉ về vấn đề quy hoạch đô thị. Một nỗi đau lại nhói lên day dứt: các doanh nghiệp quốc doanh ấy, cũng như các ông quan kể trên, vẫn muốn chiến thắng bằng cách đứng đợi sẵn ngay ở vạch đích thay vì ra thị trường bươn trải nắng mưa với khối dân doanh.
Cũng như các ông quan hưu kia họ muốn giữ mãi đặc quyền bất chấp đã kết thúc sứ mệnh được giao phó. Họ đều cố níu kéo để được ở vị thế lợi hơn nhằm chắc chắn thắng những người dân thường - người mà họ thường nói là một đời phụng sự.
Một khí chất quá cò con. À, đúng ra là không có khí chất.