Ông Richard Peiser
Theo ông Richard Peiser, đề xuất này chắc chắn sẽ gặp phải sự phản đối của các nhà đầu tư bất động sản. Tuy nhiên theo vị này, sự phản đối của các nhà đầu tư là rất sai.
"Bởi vì giá trị bất động sản phụ thuộc nhiều vào môi trường sống xung quanh, bao gồm đường sá, tiện ích. Khi những điều này được đáp ứng đầy đủ thì giá trị bất động sản sẽ được nâng cao. Nhưng muốn có đường sá, tiện ích tốt thì phải có nguồn thu để duy trì", vị này cho biết.
Vì vậy “chắc chắn phải có thuế bất động sản vì nó sẽ tạo nguồn thu cho chính quyền và họ sẽ sử dụng nguồn thu này để cung cấp các dịch vụ công”, ông Richard Peiser nói và bổ sung thêm rằng ngoài thuế bất động sản này còn phải sử dụng thêm các công cụ khác để duy trì dịch vụ công này.
Ông Richard cũng nói thêm rằng nhiều nhà đầu tư vẫn quan niệm dành đất cho không gian mở là tốn kém nhưng thực chất khi đầu tư đúng mực cho không gian sống thì giá trị của khu vực đó sẽ tăng lên. Tiện ích và không gian công cộng ngày càng nhiều thì sẽ thu hút càng nhiều nhà đầu tư và giá trị bất động sản ngày càng được nâng cao. Chính nhà phát triển bất động sản sẽ thu lợi từ không gian đó chứ không phải chỉ riêng người tiêu dùng.
Cũng tại diễn đàn, ông Richard Peiser đã chia sẻ kinh nghiệm để có thể tạo ra và môi trường cạnh tranh trong lĩnh vực bất động sản lành mạnh và ổn định. Theo ông hiện nay, Việt Nam nằm trong nhóm đất nước có chỉ số minh bạch trong lĩnh vực bất động sản thấp trên thế giới khi chỉ xếp thứ 68. Điều này đã dẫn đến tình trạng tại một số đô thị lớn xuất hiện nhiều nhà đầu tư chỉ mua nhà đất để đầu cơ thay vì ở thực.
Vị giáo sư này đánh giá tại Việt Nam chưa có trung tâm lưu trữ cơ sở dữ liệu về nguồn gốc đất đai từ đó phát sinh nhiều mâu thuẫn. Trong khi đó tại Mỹ muốn mua nhà người dân chỉ cần tra cứu và biết đất đó có tranh chấp hoặc lịch sử căn nhà. Ngoài ra, còn có bảo hiểm về quyền sở hữu, khi đôi bên giao dịch sẽ có đơn vị đứng ra bảo lãnh.
Ông Richard cũng lưu ý đến việc phát triển thị trường nhà cho thuê và khẳng định đây là việc quan trọng và không thể thiếu của thị trường bất động sản. Thứ nhất nó đáp ứng được nhu cầu của những người có thu nhập thấp không đủ điều kiện mua nhà ở. Thứ hai, nó đáp ứng được nhu cầu của giới trẻ và sẽ làm cho thị trường sôi động hơn.
Tại Mỹ, số người thuê nhà thay vì sở hữu là 40% trong khi con số này ở Đức là hơn 50%. Trong khi đó tại Việt Nam đa phần các chủ sở hữu đứng ra cho thuê mà ít các nhà phát triển bất động sản với những dự án quy mô nhằm cho thuê.
Cũng theo Giáo sư Richard Peiser, Nhà nước phải chủ động trong việc điều tiết, giám sát thị trường này để tránh sự đổ vỡ theo chu kỳ. Cần tránh tạo ra quá nhiều nguồn cung trong thị trường vì thị trường bất động sản luôn có tính chu kỳ, không khi nào bình lặng và có lúc phải lên xuống. Để bảo đảm, cơ quan quản lý nhà cần kiểm soát việc vay nợ quá mức và xây dựng dư thừa. Ngoài ra quy trình cấp phép cần minh bạch và rõ ràng để tránh tốn kém và giá cả bất động sản bị đội lên.