11/11/2020 1:25 PM
CafeLand - Lãi sau thuế của Tập đoàn FLC đã bất ngờ tăng gần gấp đôi kể từ mức đáy trong năm, lên tới gần 300 tỉ đồng trong quý 3-2020, dù hoạt động kinh doanh chính vẫn lỗ hàng nghìn tỉ đồng. Đó là điều hết sức bất ngờ về Công ty CP Tập đoàn FLC của ông Chủ tịch Trịnh Văn Quyết. Một điều nữa cũng bất ngờ không kém là các con số trên báo cáo tài chính của FLC hay hành trình tăng vốn của công ty này.

Biến động giá cổ phiếu FLC từ thời điểm niêm yết

Kết quả kinh doanh không quá tệ

Chỉ sau một khoảng thời gian ngắn được thành lập, FLC trở thành một trong những cái tên “hot” nhất trong giới bất động sản lẫn giới đầu tư chứng khoán. Công ty này cùng với người anh FLC Faros đã có lúc đưa chủ tịch Trịnh Văn Quyết lên nhóm người giàu nhất Việt Nam (tính theo giá trị cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán). FLC được coi là doanh nghiệp đã thổi một luồng gió mới vào thị trường bất động sản nghỉ dưỡng khi đầu tư rất nhiều dự án lớn và trên nhiều tỉnh thành trong nước.

Tuy nhiên, cùng với luồng gió mới đó cũng xuất hiện không ít điều tai tiếng liên quan đến FLC. Nhiều dự án của công ty này đã không hoàn thành tiến độ như dự kiến bị khách hàng, nhà thầu kiện tụng, nhiều dự án dở dang, lãng phí nguồn lực, làm cho không ít người liên quan đến dự án bị thiệt hại.

Dù “nổi tiếng” và liên tục mở rộng nhưng hiệu quả kinh doanh của FLC thì lại không tương xứng. Kể từ khi niêm yết vào năm 2013 đến nay, chưa năm nào FLC cho kết quả lợi nhuận thật sự khả quan. Trung bình giai đoạn từ 2013-2020, lợi nhuận trên vốn đầu tư (ROE) của FLC chỉ đạt 5,72%, EPS của cổ phiếu chỉ đạt 731 đồng/cổ phiếu.

Hiện nay, FLC đã trở thành một tập đoàn đa ngành, kinh doanh trong các lĩnh vực bất động sản, du lịch, hàng không, xây dựng, thương mại… Doanh thu của tập đoàn cũng không ngừng tăng mạnh. Cụ thể, mức tăng trưởng doanh thu trong giai đoạn 2013-2020 đạt mức tăng trung bình lên tới 40%. Năm 2013, FLC mới chỉ có doanh thu là 1.744 tỉ đồng, nhưng tới năm 2019 công ty này đã đạt mức 15.927 tỉ đồng.

Tuy nhiên, trái ngược với sự tăng trưởng mạnh mẽ của doanh thu, kết quả kinh doanh FLC ngày càng đi thụt lùi. Năm 2015 và 2016 là thời kỳ đỉnh cao của công ty khi lợi nhuận đạt 902 và 1.014 tỉ đồng. Kể từ thời điểm này, lợi nhuận của FLC không ngừng đi xuống và chỉ còn đạt 301 tỉ đồng vào năm 2019. Đặc biệt lũy kế 9 tháng đầu năm, FLC thua lỗ đến 1.294 tỉ đồng.

Nguồn: BCTT FLC và tổng hợp CafeLand

Những ẩn số trên báo cáo tài chính

Năm 2020 có thể là một năm “đại hạn” của FLC khi hầu hết các mảng kinh doanh của công ty đều chịu ảnh hưởng nặng nề. Đặc biệt “niềm tự hào” của FLC và tỷ phú Trịnh Văn Quyết là Bamboo Airways cũng đang phải chịu thua lỗ lớn.

Tính đến 30/09/2020, trên báo cáo chính công ty mẹ, riêng khoản trích lập dự phòng thua lỗ tại Bamboo Airways đã làm cho FLC bay mất 849 tỉ đồng, bằng 1/4 số tiền mà FLC đã rót vào công ty này và chiếm hơn 50% trong tổng khoản thua lỗ từ công ty con.

Trong khi đó trên báo cáo tài chính hợp nhất, tổng các khoản lỗ giá vốn từ dịch vụ của Tập đoàn FLC đã lên đến gần 3 tỉ đồng. Cụ thể, theo thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất thì doanh thu từ dịch vụ (chủ yếu là dịch vụ lưu trú và hàng không) chỉ đạt 3.648 tỉ đồng, trong khi đó giá vốn hàng hóa lên đến 6.555 tỉ đồng. Như vậy, nếu tính thêm các khoản chi phí khác như chi phí tài chính, chi phí quản lý và chi phí bán hàng liên quan đến mảng dịch vụ này, thì khoản lỗ của FLC có thể lên đến khoảng 4.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, như phép thần kỳ, quý 3-2020 tình hình kinh doanh của FLC được cải thiện với lợi nhuận sau thuế đạt 287 tỉ đồng. Bí ẩn sau sự đảo chiều bất ngờ này chính là khoản doanh thu tài chính được thuyết minh trong báo cáo tài chính hợp nhất quý 3 là “doanh thu tài chính khác” lên đến 1.572 tỉ đồng. Trong đó, 1.343 tỉ đồng là phát sinh trong quý 3. Cùng kỳ năm trước, FLC cũng ghi nhận “doanh thu tài chính khác” lên đến hơn 1.000 tỉ đồng.

Như vậy, dù hoạt động kinh doanh chính thua lỗ nhưng FLC vẫn có “đũa thần” là các khoản thu nhập tài chính bất ngờ cứu vãn. Tuy nhiên, nguồn gốc thu nhập tài chính khác này thường không được thuyết minh một cách rõ ràng. Về lý thuyết, thông thường thu nhập tài chính này do lợi nhuận từ việc bán các khoản đầu tư vào công ty liên doanh liên kết hoặc đánh giá lại giá trị các khoản đầu tư tài chính, góp vốn…

Lần tìm trong báo cáo tài chính của FLC thấy danh mục công ty con và công ty liên kết của FLC từ đầu năm đến cuối tháng 9 gần như không có sự thay đổi. Như vậy, khoản thu nhập bất thường này không đến từ công ty con mà đến từ công ty “cháu”. Thực vậy, thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất cho thấy, FLC đã thoái toàn bộ vốn khỏi FLC Faros và FLC Travel. Phải chăng đây chính là nguồn gốc lợi nhuận thần kỳ của FLC.

Bí ẩn của FLC chưa dừng lại ở đó khi trên bản báo cáo tài chính còn rất nhiều con số không được thuyết minh một cách rõ ràng. Cụ thể, khoản phải thu do phát sinh việc bán cổ phần trong quý 3 lên tới hơn 1.300 tỉ đồng nhưng không rõ đối tượng nợ. Khoản phải thu khác 2.267 tỉ đồng cũng không được thuyết minh một cách chi tiết.

Đặc biệt, công ty cũng có một khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng lên tới 3.533 tỉ đồng cũng được thuyết mình là “khác”. Như vậy, tổng cộng khoản phải thu ngắn hạn khác của FLC lên đến gần 7.000 tỉ đã không được thuyết minh rõ ràng trong báo cáo tài chính. Bên cạnh đó, các khoản “khác” từ khoản mục “Trả trước cho người bán ngắn hạn, phải thu về cho vay, phải thu khác” cũng lên tới hơn 6.000 tỉ đồng.

Tương tự như vậy, phần nguồn vốn FLC cũng có khoản phải trả khác rất lớn. Cụ thể, trong nợ ngắn hạn khoản phải trả, phải nộp khác lên đến 3.085 tỉ đồng; phải trả, phải nộp dài hạn khác lên tới 943 tỉ đồng. Những khoản “khác” không được thuyết minh rõ ràng chiếm gần 50% nợ của FLC.

(Những con số “KHÁC” rất lớn trong báo cáo tài chính của FLC)

Tương lai FLC ra sao?

Dù kết quả kinh doanh không quá tệ và có rất nhiều dự án bất động sản tiềm năng, nhưng cổ phiếu FLC là một trong những cổ phiếu có giá giao dịch thấp nhất trên sàn. Tại thời điểm thấp nhất vào cuối tháng 3 năm nay, giá cổ phiếu FLC chỉ còn 2.500 đồng/cổ phiếu, bằng 17% so với giá trị sổ sách. Điều này cho thấy nhà đầu tư “chiết khấu” rất cao về rủi ro và tiềm năng phát triển trong tương lai của FLC.

Trước đây đã từng có tổ chức công bố báo cáo định giá FLC có trị giá lên đến 9 tỉ USD, tương đương với 200.000 tỉ đồng. Như vậy, với mức giá 2.500 đồng/cổ phiếu, tương đương vốn hóa công ty đạt 1.774 tỉ đồng, bằng 0,83% so với mức giá mà công ty định giá kia đưa ra. Hay đối với mức giá hiện nay là 5.100 đồng/cổ phiếu thì vốn hóa của FLC cũng đang rất nhỏ so với con số nói trên.

FLC có đáng mức giá thấp như vậy không? Cổ phiếu định giá cao hay thấp thì nhà đầu tư đánh thường đánh giá trên 3 yếu tố là: chất lượng tài sản trên báo cáo tài chính, tiềm năng phát triển và khả năng sinh lời hiện tại.

Với yếu tố thứ nhất là chất lượng tài sản thì hiện nay đang là một dấu hỏi lớn với FLC. Các con số trên báo cáo tài chính không được thuyết minh một cách rõ ràng. Còn số “khác” chiếm tỷ lệ quá cao trong báo tài chính. Như vậy, nhà đầu tư có thể nghi ngại về khả năng tài sản “khác” này một ngày nào đó sẽ hoàn toàn biến mất khỏi báo cáo tài chính và gây thua lỗ lớn cho công ty.

Đối với lợi nhuận đã được công bố của công ty cũng gây ra không ít quan ngại. Lợi nhuận của FLC cũng khá bất thường khi đến từ hoạt động tài chính không được thuyết minh rõ ràng. Hoạt động kinh doanh cốt lõi của công ty không mang đến hiệu quả. Nhà đầu tư có lý do để cho rằng đây rất có thể là khoản “rang lạc” danh mục đầu tư để ghi nhận lợi nhuận tạm thời.

Đối với yếu tố tiềm năng tăng trưởng thì với một loạt dự án bất động sản “khủng” mà doanh nghiệp này đang sở hữu hay liên kết là một tài sản không nhỏ. Về lý thuyết, dự án này có thể mang lại cho FLC lợi nhuận lớn trong tương lai. Tuy nhiên, trên thực tế rất nhiều dự án FLC đang làm không nhận được nhiều sự tin tưởng khách hàng, các dự án khách sạn, resort đang lại là gánh nặng lớn.

Đặc biệt, nhiều dự án đang ở trên giấy chứ chưa được triển khai trên thực tế. Do đó, tiềm năng từ các dự án mà FLC công bố cũng là một điều rất khó xác thực. Bên cạnh đó, gánh nặng từ Bamboo Airways, công ty mà FLC đã đổ vào 3.586 tỷ đồng trong bối cảnh hiện nay cũng không hề nhỏ.

Vậy khi nào FLC sẽ trở lại? Nhìn vào những cổ phiếu liên quan đến FLC hiện tại hay trước đây như ROS, AMD, KLF, HAI và ART – những cổ phiếu từng nổi lên một thời nhưng nay đều ở mức dưới 3.000 đồng - đã phần nào cho chúng ta thấy câu trả lời.

  • “Cục nợ” khổng lồ từ Phương Nam vẫn còn giá cổ phiếu Sacombank 13.500 đồng là quá cao

    “Cục nợ” khổng lồ từ Phương Nam vẫn còn giá cổ phiếu Sacombank 13.500 đồng là quá cao

    CafeLand - Sau 5 năm, Phương Nam sáp nhập vào Sacombank nhưng những “dấu ấn” của ngân hàng này sau khi sáp nhập vẫn còn rất lớn. Các chuyên gia ước tính còn phải mất hàng chục năm nữa thì Sacombank mới có thể “tiêu hóa” hết số tài sản xấu mà Phương Nam để lại. Mức giá cổ phiếu STB của Sacombank đang được giao dịch quanh mức 13.500 đồng/cổ phiếu được xem là quá cao.

Hoàng Nam
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.