ThS. Vũ Ngọc Bảo

ThS. Vũ Ngọc Bảo
Thạc sỹ Chính sách công (MPP) Đại học Fulbright Việt Nam

Để của công không biến thành của ông

06/03/2020 11:30 AM
ThS. Vũ Ngọc Bảo ThS. Vũ Ngọc Bảo
CafeLand - Những buổi chiều đi làm về, tôi thường leo núi lớn dọc theo con đường Vi ba. Còn những buổi sáng cuối tuần tôi cùng đám bạn hay tụ tập ngồi uống cà phê khu vực bãi Trước ngắm biển.

Phối cảnh công trình xây dựng Thủy cung, khách sạn tại Bãi Trước – Vũng Tàu, đang được thi công.

Thời gian gần đây do yêu cầu công việc, tôi phải đi xa Vũng Tàu một thời gian nhưng khi quay về nhà tôi vẫn giữ thói quen của mình. Tôi vẫn leo núi nhưng cảm giác bình yên, thư thái ngày nào dường như không còn. Dưới chân núi một công trình đồ sộ đang được thi công nhộn nhịp.

Qua tìm hiểu tôi được biết đây là công trình thuộc dự án Cụm dịch vụ ga cáp treo và Thủy cung Hòn Ngưu. Dự án này có tổng đầu tư khoảng 1.400 tỷ đồng, tổng diện tích khoảng 69.268m2; phục vụ khoảng 3.000 – 5.000 người/ngày; tính chất là khu du lịch, văn hóa, vui chơi, nghỉ dưỡng.

Tôi cảm thấy khá vui mừng khi biết được dự án này đã được thi công sau hơn 10 năm được cấp phép. Công trình này có thể góp phần giúp cho ngành du lịch nơi tôi đang sống phát triển, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Dù vậy, tôi có một cảm giác lo âu.

Vũng Tàu là nơi có ngành công nghiệp dầu khí phát triển rất thịnh vượng. Giờ đây vai trò của dầu khí đang giảm dần khi lượng tài nguyên “trời ban” này ngày càng giảm. Tuy nhiên, rất may Vũng Tàu lại được thiên nhiên ưu đãi với nhiệt độ và lượng mưa bốn mùa không chênh lệch nhiều. Đặc biệt, Vũng Tàu có cảnh quan thiên nhiên đẹp và vị trí chiến lược vô cùng thuận lợi trong việc phát triển du lịch.

Lượng khách đến Vũng Tàu ngày càng nhiều hơn cũng là lúc nhiều công trình xây dựng của tư nhân mọc lên. Các bất động sản đẹp, các bãi tắm lần lượt về tay các doanh nghiệp hay hợp tác xã kinh doanh du lịch. Diện tích bãi tắm công cộng bị dành cho người dân dần bị thu hẹp đáng kể. Hòn Rù Rì vốn đẹp thơ mộng ngày nào được phá đi để xây nhà ga cáp treo. Đã có những resort lấn biển với diện tích lớn được xây dựng ngày càng nhiều.

Trước đây, gia đình tôi thường ra bãi biển hóng mát một cách khá thoải mái bởi không gian rất rộng. Tuy nhiên, giờ đây cảm giác đó không còn khi bãi biển công cộng bị thu hẹp. Tôi cảm nhận được một sự mất mát nào đó xung quanh mình.

Cảm giác đó khiến tôi nhớ lại những kiến thức mình được học về hàng hóa công. Đây là những hàng hóa hay dịch vụ được nhà nước cung cấp cho người dân. Các loại hàng hóa và dịch vụ này tuy không hiệu quả rõ ràng về kinh tế, nhưng nó là cơ hội để những cá nhân yếu thế có cơ hội tiếp cận các dịch vụ công trong xã hội. Những bãi biển và khu vực kè đá, vỉa hè trên con đường ven biển Vũng Tàu trước đây không chỉ là nguồn tài nguyên chung, mà nó thực sự là “hàng hóa công cộng”.

Tuy nhiên, thời gian gần đây nhiều hàng hóa trong lĩnh vực công bằng cách này hay cách khác đã chuyển thành hàng hóa tư, do tư nhân nắm giữ quyền sở hữu và khai thác sử dụng. Nhiều công trình ở Vũng Tàu ở sát ven biển đã chiếm mất nhiều bãi biển đẹp, không gian thơ mộng công cộng của người dân trước đây.

Dự án thủy cung với nhà hàng khách sạn cao đến 22 tầng nếu được xây dựng sẽ án ngữ phần lớn chiều dài Bãi Trước. Do phản đối của dư luận hiện dự án đã dừng thi công nhưng tôi vẫn cảm thấy lo ngại. Rất có thể một thời gian nữa sau khi “dàn xếp” dự án sẽ được tái khởi động. Khi đó diện tích khu bờ kè ngồi hóng mát ít ỏi sẽ bị chắn mất. Tòa nhà 22 tầng sẽ choán gần hết không gian khu vực bãi trước, khu vực bãi tắm cũng sẽ bị rác thải tràn vào… Lại thêm một phần bờ biển trở thành của riêng doanh nghiệp, tầm nhìn ngắm biển của người dân cũng bị che khuất một phần.

Không chỉ ở Vũng Tàu mà tôi nhận thấy rất nhiều địa phương cả nước. Đặc biệt, là tại các thành phố du lịch như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Thuận. Nhiều bãi biển đẹp, nhiều đồi núi thơ mộng trước đây là không gian công cộng giờ đây đã bị án ngữ bởi các resort, khách sạn, nhà hàng. Nhiều lối đi ra biển đã bị bít lại, người dân không thể tiếp cận những bãi tắm xinh đẹp quen thuộc của họ trước đây.

Thủy cung Hòn Ngưu có thể là công trình giúp cho ngành du lịch Vũng Tàu phát triển mạnh hơn trong thời gian tới. Nhưng việc công trình này chắn ngay Bãi trước thủy cung sẽ góp phần biến những cái trước đây là hàng hóa công cộng thành hàng hóa tư. Nếu những diện tích bãi biển ít ỏi còn tại bãi Sau, bãi Dâu có thể tiếp tục bị tư nhân chiếm dụng nên chẳng mấy chốc sẽ không còn bãi biển hay không gian nào giành cho cộng đồng

Tôi cho rằng để phát triển mạnh ngành du lịch thì việc xây dựng các công trình phục vụ du lịch, vui chơi giải trí là điều tất yếu. Việc khai thác những khu vực có cảnh quan thiên nhiên đẹp để phát triển kinh tế cũng điều cần phải làm. Chắc chắn trong quá trình phát triển này không thể tránh khỏi được những “được - mất” của các bên có liên quan.

Do đó, để cân bằng được lợi ích của bên liên quan và vẫn dùy trì sự phát triển kinh tế thì nhà nước cần phải có những chiến lược phù hợp và công tâm. Bên cạnh đó, những doanh nghiệp thực hiện dự án cũng cần quan tâm hơn đến trách nhiệm xã hội và môi trường.

Vũ Ngọc Bảo
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.