29/12/2016 11:14 AM
Năm 2013, có 9 đại án hình sự về ngân hàng được công bố xét xử. Kể từ đó đến nay, không ít đại án ngân hàng nối tiếp phát sinh. Báo Đầu tư Chứng khoán đã có cuộc trao đổi với luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành Công ty Luật BASICO, người hiện đang là luật sư của ông Phạm Công Danh trong phiên tòa phúc thẩm đại án Ngân hàng Xây dựng (VNCB) sẽ diễn ra trong tuần này.
Mỗi đại án là một kho bài học kinh nghiệm quan trọng đối với hệ thống ngân hàng
Là luật sư tham gia hầu hết các đại án hình sự về ngân hàng và sắp tới sẽ bào chữa cho ông Phạm Công Danh trong đại án VNCB, ông nhận thấy đâu là đặc điểm chung của các đại án ngân hàng?
Trước hết, các đại án ngân hàng được mọi người rất quan tâm. Bởi lẽ, ngân hàng là tổ chức kinh tế có tầm ảnh hưởng rộng lớn đến mọi ngóc ngách của nền kinh tế và đời sống xã hội. Với quy mô hoạt động lớn, giá trị giao dịch lớn nên số tiền hậu quả thiệt hại trong những đại án ngân hàng cũng thường đặc biệt lớn.
Mỗi một vụ án có những tình tiết, diễn biến khác nhau về nội dung vụ việc, nhưng hầu hết đều cho thấy tính phức tạp của các vấn đề nghiệp vụ ngân hàng. Đại án ngân hàng nào cũng nổi cộm sự tranh cãi về các vấn đề pháp lý trong cách nhìn nhận về nghiệp vụ của ngân hàng. Và điều quan trọng, mỗi đại án ngân hàng sẽ là một kho bài học kinh nghiệm quan trọng đối với hệ thống ngân hàng.
Luật sư Trần Minh Hải
Người ta thường liên tưởng ngay đến hậu quả thiệt hại với những con số cả trăm tỷ, nghìn tỷ đồng khi nói đến các đại án ngân hàng. Hậu quả thiệt hại của các ngân hàng thường được giải quyết như thế nào trong các vụ án?
Có hai vấn đề liên quan đến hậu quả thiệt hại trong các đại án ngân hàng. Một là cách nhìn nhận, đánh giá về thiệt hại, hai là vấn đề xử lý khắc phục, thu hồi số tiền thiệt hại bị chiếm đoạt.
Trong nhiều đại án ngân hàng, giữa các luật sư, cơ quan công tố và tòa án thường có quan điểm trái chiều khi đánh giá về hậu quả thiệt hại của vụ án. Cơ sở tính toán thiệt hại, việc định giá tài sản, việc phân định trách nhiệm gánh chịu thiệt hại thường là những vấn đề hay phát sinh quan điểm xung đột.
Vụ án Epco Minh Phụng năm xưa đã xác định con số thiệt hại cả nghìn tỷ đồng xuất phát từ định giá thấp giá trị tài sản bảo đảm khi thống kê thiệt hại. Quan điểm xem xét thiệt hại của luật sư trong vụ án này đã không được chú trọng. Đến nay, thiệt hại thực sự đã không còn bởi những hậu quả tín dụng tại các ngân hàng đều được bù đắp bởi giá trị thị trường thực sự của tài sản bảo đảm.
Do vậy, nhìn nhận, đánh giá xác định hậu quả thiệt hại trong các đại án ngân hàng, chúng ta cần hết sức thận trọng.
Đối với vấn đề khắc phục hậu quả thiệt hại trong các vụ án thì thực trạng chung là khó khả thi. Đại án nghìn tỷ Tây Nguyên VDB Đắk Lắk - Đắk Nông là một điểm sáng hiếm hoi trong vấn đề khắc phục hậu quả thiệt hại. Tôi tham gia vụ án này từ năm 2011 và tranh tụng tại các phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm để bảo vệ quyền lợi cho Ngân hàng Phương Đông.
Trải qua 5 năm, 8 tháng, ngân hàng này cuối cùng đã thu hồi được số tiền 530 tỷ đồng bị chiếm đoạt, khắc phục hoàn toàn thiệt hại. Yếu tố dẫn đến thành công chính là việc Ban lãnh đạo Ngân hàng theo sát vụ việc đến từng diễn biến và cơ sở pháp lý.
Từ các đại án ngân hàng, theo ông, bài học lớn nhất dành cho các ngân hàng là gì?
Đó là bài học về quản trị ngân hàng. Các vụ án đều giống nhau ở chỗ bắt nguồn từ những nguyên tắc quản trị ngân hàng bị phá vỡ, hoặc không có điều kiện bảo đảm thực thi. Chỉ cần một vài quy trình bị bẻ gẫy, hàng trăm tỷ đồng có thể bị xâm phạm, chiếm đoạt dễ dàng. Chỉ cần một cá nhân nắm hoàn toàn quyền chi phối và không màng đến rủi ro pháp lý, hàng nghìn tỷ đồng của ngân hàng có thể “bốc hơi”.
Suy cho cùng, những đại án ngân hàng hôm nay chỉ là việc xử lý những hậu quả phát sinh từ yếu tố quản trị ngân hàng của nhiều năm trước đây. Hệ thống ngân hàng hiện nay đã chuyển sang một giai đoạn mới với sự chú trọng hơn của ngân hàng không chỉ về nguyên tắc quản trị, mà còn về ý thức quản trị cũng như các cơ chế pháp lý, công cụ pháp lý để bảo đảm không lặp lại những bài học về quản trị từ các đại án ngân hàng.
Bùi Trang (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.