Trong 2 tháng gần đây, biểu đồ giá dầu thô thế giới liên tục đi xuống, mất hơn 30% từ đầu năm và giảm hơn 70% kể từ mức đỉnh năm 2008. Theo dự đoán, với kịch bản xấu nhất, giá dầu có thể về 30 USD/thùng, khiến ngân sách năm nay hụt thu nặng và tạo áp lực lên tăng trưởng kinh tế. Do đó, Việt Nam cần có những biện pháp để hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực và khai thác tốt nhất các mặt thuận lợi từ việc giá dầu giảm mang lại.
Phóng viên VOV đã phỏng vấn TS. Lương Văn Khôi, Trưởng Ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) về vấn đề này.
PV: Thưa ông, sau khi giá dầu thô thế giới xác lập đáy mới (dưới 40 USD/thùng) vào tháng trước, hiện giá dầu đã tăng trở lại về mức 46-47 USD/thùng. Vậy ông có dự báo gì về giá dầu thô thế giới trong thời gian tới?
Ông Lương Văn Khôi: Giá dầu thời gian qua đã tăng lên một chút. Tôi nghĩ đây cũng là mức dao động trong ngắn hạn phù hợp với dự báo của IMF (Quỹ Tiền tệ quốc tế). Cụ thể, ngày 27/8, IMF đưa ra dự báo giá dầu thế giới trong quý IV/2015 sẽ tăng lên mức 48,1 USD/thùng và quý IV sẽ giảm xuống 46,2 USD/thùng.
Thứ hai, cầu thế giới giảm do triển vọng phục hồi kinh tế thế giới rất mong manh, đặc biệt là Trung Quốc tăng trưởng kinh tế đã giảm rất mạnh, bên cạnh đó là sự quay trở lại của Iran, Iran có thể đưa ra thế giới lượng dầu rất lớn và có thể giá sẽ giảm để dành lại thị phần.
Điểm nữa là khủng hoảng chính trị. Tất cả những yếu tố này đều tác động đến giá dầu, như vậy, trong thời gian tới, giá dầu có thể giảm xuống 30 USD/thùng, thậm chí dưới 30 USD/thùng do điểm hòa vốn khai thác dầu của khối OPEC và những nền kinh tế xuất khẩu dầu mỏ của OPEC dao động khoảng 20-30 USD/thùng. Do vậy, giá dầu có khả năng sẽ xuống thấp hơn một chút.
PV: Như ông vừa phân tích thì giá dầu có thể xuống dưới 30 USD/thùng, vậy với trường hợp này thì Việt Nam cần có kịch bản ứng phó như thế nào?
Ông Lương Văn Khôi: Trong tất cả những kịch bản chúng tôi đưa ra, đặc biệt với kịch bản giá dầu giảm xuống 30 USD/thùng thì lạm phát của Việt Nam giảm rất mạnh và có thể nói là Việt Nam sẽ đi vào giai đoạn giảm phát.
Như vậy, nếu chúng ta không có những giải pháp toàn diện, phù hợp thì giá dầu sẽ tác động rất mạnh đến tăng trưởng kinh tế. Chúng ta phải nghĩ đến việc tung ra các gói nới lỏng tiền tệ để kích thích tăng trưởng kinh tế.
Điểm thứ 2, giá dầu giảm cũng có tác động tích cực đến nền kinh tế thực, tức là nó sẽ làm cho thu thuế từ khu vực doanh nghiệp tăng lên. Theo tôi, Chính phủ cần cải thiện hệ thống thuế một cách toàn diện để có thể tăng nguồn thu từ thuế doanh nghiệp, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Giá dầu giảm sẽ ảnh hưởng rất mạnh đến ngân sách của Trung ương, do vậy, chúng ta phải có một giải pháp toàn diện để có thể cải cách cơ cấu kinh tế và đặc biệt là khu vực doanh nghiệp.
Theo tính toán của chúng tôi, khu vực doanh nghiệp hiện đang rất yếu kém. Đa phần các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay hiệu quả hoạt động chỉ đáp ứng được khoảng dưới 40% hiệu quả tối ưu. Một giải pháp nữa rất quan trọng mà nhiều người quan tâm, đó là hiện nay giá xăng dầu trong nước chưa giảm phù hợp với giá xăng dầu quốc tế.
Theo tôi, Chính phủ cần có những biện pháp can thiệp để làm sao cho giá xăng dầu điều chỉnh giảm xuống để kích thích những ngành nghề sử dụng xăng dầu nhiều để có thể kích thích tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, Chính phủ cũng cần có những chế tài để yêu cầu những ngành sử dụng xăng dầu thành phẩm như dịch vụ vận tải phải giảm giá dịch vụ xuống để giảm chi phí đầu vào cho sản xuất của khu vực doanh nghiệp thì như vậy mới có thể kích thích tăng trưởng kinh tế.
PV: Xin cảm ơn ông./.