Ngày 14/8 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) thông báo công bố kết luận thanh tra với Ngân hàng TMCP Đông Á và quyết định kiểm soát đặc biệt với ngân hàng này trước đó một ngày. Theo báo cáo thì NHNN đã thanh tra toàn diện về Đông Á. Kết quả thanh tra cho thấy từ năm 2012 trở về trước, Đông Á đã có nhiều vi phạm pháp luật về quản lý tài chính, cấp tín dụng và hoạt động kinh doanh khác, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính của Ngân hàng. NHNN sẽ cử những cán bộ có năng lực trình độ chuyên môn từ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đảm nhiệm vị trí lãnh đạo chủ chốt của Đông Á để thực hiện điều hành quản trị và kiểm soát đối với ngân hàng này.
NHNN cũng cho biết sẽ miễn nhiệm, đình chỉ nhiều chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đông Á và phối hợp chặt chẽ với cơ quan bảo vệ pháp luật, xử lý nghiêm minh các tập thể cá nhân vi phạm pháp luật gây thất thoát tài sản của nhà nước và nhân dân ở đây.
Trước đó, trên thị trường tài chính đã có rất nhiều thông tin cho rằng Đông Á sẽ là ngân hàng tiếp theo sẽ bị NHNN mua lại với giá không đồng. Ngay sau đó, trao đổi với báo chí, Lãnh đạo ngân hàng này bác bỏ điều đó, thậm chí ông Trần Phương Bình, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á nhấn mạnh nếu Đông Á bị mua 0 đồng, tôi sẽ tuyên bố phá sản.
Trước những vấn đề về Đông Á gây sốt dư luận với việc có thông tin cho rằng Đông Á sẽ sáp nhập với An Bình. Sau đó lại có thông tin cho rằng Kinh Đô (tên mới Kido) sẽ rót 1.000 tỷ đồng để nâng vốn điều lệ của ngân hàng này lên 6.000 tỷ đồng. Mới đây nhất lại có tin là nhà đầu tư nước ngoài sẽ mua 49% cổ phần tại Đông Á. Trong ĐHCĐ gần đây vấn đề nợ xấu của ngân hàng này cũng làm nóng lên trong Đại hội.
Nhìn vào tình hình tài chính của Đông Á thì mọi chuyện cũng không quá tệ. Tổng tài sản và tiền gửi của ngân hàng liên tục tăng trong các năm qua. Tín dụng thì năm 2014 có giảm nhưng không quá nghiêm trọng. Theo báo cáo tài chính mới nhất công bố năm 2014 tổng tài sản của Đông Á đạt 87.108 tỷ đồng, tổng tiền gửi khách hàng là 77.417 tỷ đồng, cho vay khách hàng là 50.896 tỷ đồng. Mọi con số đều tăng trưởng khá nhưng lợi nhuận năm 2014 chỉ đạt chưa đến 30 tỷ đồng, giảm hơn 90% so với năm 2013. Hiện tại, Đông Á vẫn chưa công bố báo cáo tài chính Quý 1 và 2 năm 2015.
Các cổ đông hiện tại của Đông Á là Văn phòng Thành ủy có hơn 34,3 triệu cổ phiếu, tương đương 6,87% cổ phần. Hai công ty con của Văn phòng cũng nắm giữ tổng cộng gần 5% cổ phần ngân hàng, trong đó Công ty TNHH MTV Xây dựng và Kinh doanh nhà Phú Nhuận giữ tỷ lệ 2,14%; công ty TNHH MTV Du lịch thương mại Kỳ Hòa giữ 3,78%. Như vậy, cổ đông Nhà nước đang năm giữ 12% cổ phần tại Đông Á.
Cổ đông lớn và là “tâm điểm” của Đông Á là gia đình ông Trần Phương Bình, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc và những người có liên quan. Theo báo cáo, ông Trần Phương Bình hiện có hơn 35 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 3%. Bà Cao Thị Ngọc Dung, vợ ông Bình, có 1,55% cổ phần. Ba người con của ông Bình là Trần Ngọc Phương Thảo, Trần Phương Ngọc Giao và Trần Phương Ngọc Hà nắm giữ tỷ lệ lần lượt 0,68%; 2% và 2,06% cổ phần ngân hàng. Tổng cộng ông Trần Phương Bình và người nhà đang nắm giữ 9,646% cổ phần.
Đáng chú ý là Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) nơi bà Dung đang làm chủ tịch HĐQT và gia đình ông năm giữ 16,55% cổ phần PNJ cũng là cổ đông lớn của Đông Á. Hiện PNJ đang nắm giữ tỷ lệ khoảng 7,7% cổ phần Đông Á.
Kết quả kinh doanh gần đây của Đông Á đang đi xuống và nợ xấu đang là một vấn đề khá trầm trọng. Tuy nhiên, việc ngân hàng này bị rơi vào diện kiểm soát đặc biệt và có thể bị mua lại với giá 0 đồng là một kết quả khá bất ngờ. Có thể những cổ đông của ngân hàng này như Văn phòng Thành ủy, PNJ bị thiệt hại lớn. Không chỉ có vậy, có thể cũng như lãnh đạo của một số ngân hàng đã bị quốc hữu hóa, một số lãnh đạo của Đông Á sẽ rơi vào vòng lao lí. Đối với những công ty bất dộng sản liên quan đến Đông Á có thể gặp khó khăn khi nguồn tin dụng bị ngưng trệ.