Cập nhật 01/02/2014 6:39 PM
Việc kinh doanh thất bại khiến Danny Fisher gánh khoản nợ hơn 15 triệu USD. Nhưng sau đó, nhờ phân tích kỹ sai lầm và tận dụng tốt truyền thông xã hội, công ty mới của anh đã nhanh chóng thành công.

5 năm trước, Danny Fisher là Chủ tịch kiêm CEO một trong những công ty phim truyện - truyền hình độc lập lớn nhất thế giới - City Lights Media. Đây là thành quả hơn 20 năm gây dựng của anh và anh trai - Jack. Năm 2008, họ đã có hơn 400 nhân viên, cấp vốn và phân phối rất nhiều bộ phim, đồng thời tự sản xuất 63 chương trình truyền hình. Trong đó có show truyền hình nấu ăn "Chopped" trên kênh Food Network.

Tuy nhiên, đến 2009, do tác động của khủng hoảng tài chính, rất nhiều doanh nghiệp Mỹ bị phá sản. City Lights Media cũng không phải ngoại lệ. Khi ấy, Danny chỉ còn 1.700 USD trong tài khoản, không có tiền tiết kiệm và còn gánh khoản nợ hơn 15 triệu USD.

Dù vậy, nộp đơn phá sản cũng khiến anh cảm thấy nhẹ nhõm, khi nhận ra mình vẫn còn cả cuộc đời và sự nghiệp ở phía trước. Anh bắt đầu tự hỏi: "Mình sẽ làm gì tiếp theo?".

Danny Fisher đã vực dậy thành công việc kinh doanh sau phá sản. Ảnh: CNN

Danny tin rằng truyền thông xã hội sẽ là chìa khóa cho nỗ lực vực dậy công ty của mình. Vì thế, anh lập tài khoản Facebook, kết bạn với tất cả những người tài giỏi mà mình biết, sau đó gửi tin nhắn cá nhân đến bạn bè của họ. Anh cũng lập blog, vẽ ra kế hoạch gây dựng lại cuộc đời và sự nghiệp của mình. Một thời gian sau, Danny đã xây dựng được mạng lưới bạn bè 5.000 người, chủ yếu là đồng nghiệp trong lĩnh vực của mình: nhà sản xuất phim, giám đốc hãng phim, hãng phân phối và nhà đầu tư.

Blog của anh cũng nhận được rất nhiều chia sẻ đồng cảnh ngộ của mọi người. Các CEO phố Wall than thở bị phá sản, các nhà sản xuất phim thì vô gia cư, một số người làm show truyền hình phải làm bồi bàn, còn giám đốc kênh truyền hình thì đang thất nghiệp. Nhờ đó, Danny nhận ra tuy phá sản, anh vẫn còn khỏe mạnh, có gia đình và bạn bè. Đó là một sự may mắn. Vì thế, anh quyết định mình phải thành công.

Sau đó, Danny lao đầu vào nghiên cứu ngành công nghiệp phim, tập trung vào mảng phân phối nội dung số. Anh cũng phân tích thất bại lúc trước của mình. Rằng nếu gặp tình huống tương tự sắp tới, mình sẽ làm thế nào và sai lầm nào mình có thể tránh được? Anh nhận ra chi phí hàng ngày của công ty quá cao, nợ lại nhiều và còn kinh doanh dàn trải. Vì thế, Danny cho rằng mình cần tập trung vào một thứ và phải làm cực kỳ tốt.

Sau đó, anh phác thảo mô hình kinh doanh cho việc phân phối nội dung số. Trong đó có quy trình mua phim, sử dụng truyền thông xã hội và marketing truyền miệng để quảng cáo cho phim phát hành.

Bước tiếp theo là tìm vốn. Một trong những người có hứng thú với kế hoạch của Danny là nhà sản xuất phim Alan Klingenstein. Alan tin rằng mô hình của Danny có thể hoạt động tốt và sẵn sàng thử nghiệm, đặc biệt là nếu có thể tìm được thêm nhà đầu tư để chia sẻ rủi ro. Và sau đó, họ tìm được một người đồng ý cho Danny 200.000 USD.

Có vốn, hai anh em Danny bắt đầu mua phim và phát hành chúng dưới dạng nội dung số và DVD. Họ quảng cáo trên các kênh truyền thông xã hội, đồng thời mở rộng mối quan hệ với các hãng sản xuất, hãng phân phối và bán lẻ.

Mô hình này đã hoạt động tốt. Danny thu hồi được vốn trong vòng 18 tháng và đưa lại cho hai nhà đầu tư. Ngày nay, công ty mới của anh - FilmRise đã phân phối được hơn 5.000 bộ phim, có hơn 30 nhà đầu tư và huy động được hơn 3 triệu USD vốn.

Jack Fisher hiện là Chủ tịch của công ty, còn Danny là CEO. Anh cho biết trên CNN: "Cứ đến đầu năm mới, tôi lại nghĩ rằng mình đang được cho cơ hội thứ hai. Và tôi rất biết ơn điều đó".

Hà Thu (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.