Chính quyền chùn tay vì bài toán an cư cho người nghèo chưa có lời giải.

Theo quy định thì những căn nhà xây dựng không phép trên đất nông nghiệp sẽ bị dỡ bỏ vì nó làm vỡ quy hoạch, mất đất nông nghiệp và nhiều hệ lụy khác. Người bán, người mua (kể cả những cán bộ được giao quản lý) đều biết nhà xây lụi có thể bị đập bỏ nhưng họ “đánh liều”.

Pháp luật phải nghiêm minh nên có căn nhà không phép nào đó bị đập, không chỉ người có nhà bị đập xót xa mà những người có trách nhiệm ký quyết định tháo dỡ nhà của người nghèo cũng ưu tư. Suy cho cùng, ai cũng cần một chỗ nương thân nên họ đã mua nhà xây lụi.

Những người có trách nhiệm ở Bình Chánh, nơi có nhiều nhà xây lụi, phân tích các lý do mà chính quyền chưa mạnh tay nhưng cũng cảnh báo người dân: Không nên mua nhà xây lụi, nó sẽ bị đập bỏ.

Khu đất nông nghiệp được phân lô để bán, kế đó là nhiều nhà đang xây dựng rất nhộn nhịp tại ấp 3, Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh. Ảnh: ÁI NHÂN

Ông ĐOÀN NHỰT, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh:

Đập thì dễ nhưng họ sẽ đi đâu?

Những người mua nhà xây lụi là những người nghèo, thường là người nhập cư. Họ rời bỏ quê hương đi xa xứ là họ mang một khao khát được đổi đời, có một cuộc sống tốt hơn tại nơi mới. Mà có an cư thì mới mong lạc nghiệp nên nhu cầu về nhà ở rất quẫn bách, nên phải nói rằng họ rất đáng thương, không phải là đáng trách. Nói họ là nạn nhân của đầu nậu và sự tiếp tay của một số cán bộ làm sai thì cũng không hoàn toàn đúng. Thật ra họ đều biết mình đang mua nhà không hợp pháp nhưng do khao khát có một chỗ cắm dùi để ổn định cuộc sống và một hy vọng sẽ có những thay đổi gì đó trong tương lai thì nhà của họ sẽ được công nhận.

Làm quản lý địa phương, không phải riêng cá nhân tôi mà ai cũng vậy, trước mỗi quyết định buộc tháo dỡ nhà không phép của những người nghèo, chúng tôi đều cảm thấy rất bất ổn khi phải ký những quyết định này. Chính quyền địa phương không có quyền ban hành chủ trương tha cho nhà vi phạm vì không có cơ sở nào trong khi pháp luật về xây dựng đã thống nhất và quy định rõ ràng cụ thể nhà vi phạm phải tháo dỡ. Pháp luật phải thực thi. Nhưng tháo dỡ nhà, họ sẽ đi đâu? Trong khi quỹ nhà ở xã hội để bố trí cho họ thì không có. Do đó, thời gian qua chính quyền các địa phương chưa thể mạnh tay là vậy.

Mua bán nhà giấy tay xây lụi, người mua sẽ gánh chịu rủi ro nhất. Cho dù đầu nậu có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cho dù cán bộ làm sai bị kỷ luật xử lý… nhưng tài sản của họ gom góp bao nhiêu năm cũng mất theo quyết định tháo dỡ. Cơ sở pháp lý bảo vệ quyền lợi của họ quá yếu, nếu không muốn nói là không được thừa nhận vì chỉ mua bán giấy tay.

Hiện tượng xây nhà trái pháp luật, mua nhà xây lụi chủ yếu vì lý do giá rẻ là một hiện tượng tất yếu trong một TP đang đô thị hóa như TP.HCM, khi mà rất đông người đến sinh sống, làm việc cần chỗ ở mà không có nguồn nhà hợp pháp phù hợp khả năng để đáp ứng. Nhà nước không chỉ có nhiệm vụ tạo điều kiện thuận lợi cho những người di cư đến các đô thị này được mưu sinh mà còn chăm lo về chỗ ở cho họ. Thế nhưng những năm qua, chương trình phát triển nhà ở của ta không thực hiện tốt. Hiện chỉ mới có chương trình nhà ở xã hội nhưng cơ chế lại không hấp dẫn nhà đầu tư nên chỉ mới sử dụng nguồn từ Nhà nước nên còn hạn chế.

Thượng tá NGUYỄN VĂN QUÝ, Phó Trưởng Công an huyện Bình Chánh:

Người mua bị thiệt trước tiên

Việc xử lý trách nhiệm hình sự đối với hành vi vi phạm pháp luật của các đầu nậu rất khó.

Các đầu nậu khi mua khu đất nông nghiệp thì không trực tiếp sang tên, chuyển quyền qua cho mình mà dùng thủ đoạn nhờ người thân hoặc đàn em đứng tên bên mua. Đầu nậu chỉ việc chỉ đạo chân rết phân lô, mua bán giấy tay, bao xây dựng cho người mua. Bên cạnh đó, việc xây dựng chung chi 60-70 triệu đồng được cộng vào trong tiền xây dựng, thể hiện bằng hợp đồng mang tính chất dân sự. Người mua cũng không biết việc chung chi như thế nào. Ngoài ra, muốn xử lý hình sự để răn đe thì theo quy định, đối tượng đó phải đã từng bị xử lý hành chính mà còn tái phạm. Tuy nhiên, chỉ cần một chân rết bị xử lý hành chính là đầu nậu rút ngay, thay người khác vào làm để đối phó.

Cho đến nay, công an huyện vẫn chưa nhận được tố giác nào từ người dân - là nạn nhân một cách chính danh do họ cũng muốn nhà mình xây lụi được ở yên ổn. Thậm chí, có người dân gọi điện trực tiếp tố giác sai phạm cho công an huyện nhưng liền sau đó ẩn danh, cũng không dám gặp cơ quan điều tra vì sợ liên lụy đến nhà mình. Hiện tình trạng phân lô, bán nền đất nông nghiệp, xây lụi trên địa bàn huyện đã được cải thiện. Công an vẫn thường xuyên đi kiểm tra các địa bàn “nóng” để kịp thời phối hợp ngăn chặn.

Về hành vi vi phạm pháp luật của ông Võ Hoàng Triều - nguyên phó chủ tịch Vĩnh Lộc A, kết quả điều tra ban đầu ông Triều đã phê duyệt hồ sơ cho gần 10 trường hợp xây nhà trái phép trên địa bàn mặc dù biết rõ quy định là không được phép.

  • Rủi ro khi mua nhà xây lụi - Bài 2: Tiêu tan "một chỗ cắm dùi"!

    Rủi ro khi mua nhà xây lụi - Bài 2: Tiêu tan "một chỗ cắm dùi"!

    Người mua nhà biết rất rõ đó là nhà xây trái phép, có thể bị phá bỏ bất cứ lúc nào nhưng họ đánh liều với hy vọng nó sẽ được hợp thức hóa.

  • Rủi ro khi mua nhà xây lụi - Bài 1: Nhộn nhịp xây dựng, mua bán...

    Rủi ro khi mua nhà xây lụi - Bài 1: Nhộn nhịp xây dựng, mua bán...

    Tình trạng xây dựng không phép, người dân mua nhà xây lụi trên đất nông nghiệp không phải là chuyện mới nhưng cũng chưa bao giờ là chuyện cũ. Mặc dù biết có thể rủi ro nhưng ít tiền và bức bách về chỗ ở họ liều mua với niềm tin mong manh sẽ được Nhà nước bỏ quy hoạch, cho nhà được tồn tại hay cấp giấy. Nhưng ước mong đó đã tan tành, nhiều người mua nhà phải nhận quyết định tháo dỡ. Đâu là nguyên nhân? Làm sao để giảm cảnh này?

Theo Pháp Luật TP
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.