Nhiều dấu hiệu liên quan đến giá cả hàng hóa trong nước và thế giới… đang cho thấy khả năng lạm phát bước vào một giai đoạn tăng mới. Việc cần làm ngay từ bây giờ là phải theo dõi sát sao để tránh lạm phát "bùng lên" gây bất ổn vĩ mô như đã từng diễn ra.
Giá cả hàng hóa có xu hướng tăng trong những tháng đầu năm 2016. Ảnh: Trần Việt.

Xu hướng tăng giá là chủ đạo

Sau những đánh giá trái chiều về việc lạm phát ở mức rất thấp trong năm 2015 (chỉ đạt 0,63%, thấp nhất 14 năm), những tháng đầu năm 2016 giá cả thị trường đang cho thấy một xu hướng khác.

“Bất động” trong tháng 1-2016, chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 (CPI) bỗng tăng 0,42%, cao nhất trong 2 năm trở lại đây. So sánh mức tăng này với CPI các tháng đầu năm 2015, có thể thấy mức tăng CPI tháng 2-2016 đã tăng gần bằng mức tăng CPI của 6 tháng năm 2015 và bằng hơn một nửa so với mức tăng CPI của cả năm 2015. Tết Nguyên đán được cho là một trong những nhân tố tác động đến mức tăng chỉ số giá này. Song, đến tháng 3, nhiều dấu hiệu cho thấy chỉ số giá của tháng này có thể tiếp tục tăng. Đáng chú ý nhất là biến động mạnh của giá hàng hóa thế giới. Xu hướng giá chủ đạo là tăng, trải dài từ nhóm năng lượng (dầu, khí đốt), tới nhóm nông sản (điển hình là đường, cao su, thịt gia súc), và đặc biệt là nhóm kim loại (nickel, thiếc, thép xây dựng, đồng, kẽm…).

Chưa có con số và mức tăng cụ thể nhưng qua trao đổi với đại diện Vụ Thống kê Giá (Tổng cục Thống kê) vị này cho biết, CPI tháng 3 tăng là chắc chắn.

Theo nhận định của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), tháng 3-2016 một số loại hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý giá được điều chỉnh tăng theo lộ trình như giá dịch vụ khám chữa bệnh, dịch vụ giáo dục... sẽ tác động lên mặt bằng giá.

Đáng chú ý, giá xăng dầu, gas thế giới từ đầu tháng 3 đến nay đã biến động theo hướng tăng mạnh, nhất là trong những ngày gần đây. Điều này đã khiến liên Bộ Tài chính – Công Thương ngày 21-3 phải tăng giá mặt hàng xăng dầu lần đầu tiên sau 5 tháng liên tục không tăng (tăng 670 đồng/lít xăng và 290 đồng/lít dầu). Cần lưu ý thêm, nếu không có việc xả mạnh quỹ bình ổn và thay đổi cách tính giá cơ sở xăng dầu, mức tăng có thể lên tới 1.700 đồng/lít xăng. Song việc giá xăng tăng 670 đồng/lít và diesel tăng 290 đồng/lít chắc chắn cũng đủ ảnh hưởng đến giá cả các mặt hàng trong nước thời gian tới, trước hết là giá cước vận tải.

Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp vận tải Việt Nam cho hay: “Nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng thì chúng tôi sẽ phải tăng giá cước”.

Việt Nam bắt đầu đối diện lạm phát cao

Bộ phận phân tích của Ngân hàng HSBC dự báo, lạm phát năm 2016 sẽ tăng nhanh lên mức 5,2% vào cuối năm nay, chạm mức trần mục tiêu do Chính phủ đề ra. Như vậy, có thể Ngân hàng Nhà nước sẽ chuyển sang áp dụng các biện pháp thắt chặt chính sách tiền tệ trong nửa sau của năm nay và lãi suất sẽ tăng 50 điểm trong quý III-2016.

Tại hội thảo "Trao đổi về tình hình kinh tế, thương mại toàn cầu, các Hiệp định thương mại tự do và triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2016" diễn ra giữa tuần qua, bà Izumi Devalier, chuyên gia kinh tế HSBC Hồng Kông cho rằng: Lạm phát của Việt Nam đã dịu lại nhưng tình trạng ổn định sẽ không kéo dài mãi. Tăng trưởng nhanh của tiêu dùng nội địa sẽ làm tăng áp lực của lạm phát và có thể có lạm phát kép quay trở lại. Do đó, trong năm nay, Ngân hàng Nhà nước cần thắt thặt chính sách tiền tệ.

Báo cáo tháng 3-2016 của Tạp chí The Economist về tình hình Việt Nam cũng đã đưa ra nhận xét: Áp lực lạm phát ở Việt Nam vẫn ẩn chứa trong năm nay. Giá cả sẽ tăng với tốc độ nhanh hơn một chút. Áp lực lạm phát từ phía cầu cũng sẽ mạnh hơn.

Dù vậy, Economist cho rằng mức tăng của lạm phát từ nay đến 2018 sẽ ở mức độ vừa phải, chứ không tăng “sốc” như giai đoạn 2011-2015. Economist cũng dự báo rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ có động thái để lạm phát không tăng đột biến bằng chính sách thắt chặt tiền tệ thực hiện từ năm 2017 và 2018.

Những diễn biến của giá cả trong 3 tháng đầu năm 2016 đúng như những gì Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội) đã dự báo từ đầu năm. Nhận định về năm 2016, VEPR từng cho rằng lạm phát 2016 có thể đứng trước những biến động mạnh hơn. Trước hết là do giá năng lượng và nhiều loại hàng hóa đã ở mức thấp kỷ lục và có khả năng sẽ đi ngang hoặc tăng nhẹ. Thứ hai, hiện tượng thời tiết El Nino đang tác động bất lợi đến nguồn cung gạo, có thể khiến giá cao hơn trong năm 2016. Đáng chú ý, quyền số của nhóm hàng lương thực sẽ được điều chỉnh giảm giai đoạn 2016-2020 dù vẫn giữ một tỷ trọng cao. Thứ ba, khả năng tăng giá các nhóm hàng do Nhà nước quản lý bao gồm điện, dịch vụ y tế và giáo dục trong năm 2016 là lớn. Thứ tư, tốc độ tăng cung tiền vượt xa GDP danh nghĩa đang tích lũy những rủi ro gây bất ổn về giá.

Trao đổi với phóng viên, TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cũng khẳng định: Lạm phát có khả năng sẽ quay trở lại… do thời điểm lạm phát thấp qua rồi và các yếu tố làm cho lạm phát giảm sẽ không còn.

Phát biểu trên nhiều diễn đàn từ cuối năm 2015 đến nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng luôn nhắc lại quan điểm “không thể chủ quan với lạm phát”. Theo các chuyên gia, lời nhắc nhở ấy của Thủ tướng là hoàn toàn hợp lý với một nền kinh tế “nhạy cảm” với lạm phát như Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên, trong báo cáo kinh tế 2015 và triển vọng 2016 gửi đến Quốc hội mới đây, một trong những nhiệm vụ trọng tâm Chính phủ đã đặt ra vẫn là phải điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, ổn định kinh tế vĩ mô và góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý.

Lương Bằng (Báo hải quan)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.