Trường CĐ Sân khấu Điện ảnh huy động hơn 47 tỉ đồng làm dự án nhà ở đã gần 10 năm, giờ người mua có nguy cơ mất trắng.

Nhiều người đang gửi đơn tố cáo lên Bộ Công an về chuyện Trường CĐ Sân khấu Điện ảnh (SKĐA), nay là Trường ĐH SKĐA TP.HCM huy động hơn 47 tỉ đồng của gần 260 cán bộ, giáo viên, người dân nhưng 10 năm qua dự án nhà ở vẫn còn nằm trên giấy.

Chi không có giám sát

Với danh nghĩa giải quyết nhà ở cho giáo viên của trường, năm 2004, Trường CĐ SKĐA xin mở rộng Cơ sở II tại phường Long Thạnh Mỹ, quận 9 từ 9,7 ha lên 20 ha. Đến năm 2006 trường làm thủ tục tách dự án khu nhà ở giáo viên gần 7 ha thành dự án riêng.

Dù đến tháng 10-2005, UBND TP.HCM mới đồng ý chủ trương về địa điểm nhưng tháng 6-2003, trường đã huy động hơn 47 tỉ đồng của gần 260 người mua nền, trong đó chỉ có 23 người là cán bộ, giáo viên của trường.

Vì chuyện huy động vốn này mà năm 2008, Thanh tra TP.HCM vào cuộc. Thanh tra xác định: Với số vốn đã huy động, hơn 42 tỉ đồng được chuyển vào tài khoản cá nhân ông Hà Quang Văn, Hiệu trưởng trường (lúc đó) và giám đốc Công ty Tân Phú Thủy (đơn vị được trường ký hợp đồng tư vấn, quản lý dự án và các thủ tục liên quan). Số tiền này mang đi thanh toán cho các đơn vị, cá nhân bằng các phiếu chi mang danh nghĩa Ban Quản lý dự án (BQLDA) Trường CĐ SKĐA mà không có sự giám sát của BQLDA và Trường CĐ SKĐA.

Dự án khu nhà ở cho cán bộ, giáo viên Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh 10 năm qua chỉ là bãi cỏ. Ảnh: NĐ

Ngoài ra, ông Văn còn lấy nguồn thu góp vốn mở hai sổ tiết kiệm mang tên cá nhân ông Văn để hưởng số tiền lãi gần 770 triệu đồng. Ông chi nhiều khoản không hợp lý, không đúng mục đích hơn 9,5 tỉ đồng; dùng tiền góp vốn mua ô tô đứng tên cá nhân...

Với các sai phạm trên, Thanh tra TP.HCM đề nghị ngừng triển khai dự án. Hiện TP cũng chưa có quyết định giao đất cho dự án này.

Mòn mỏi chờ

BS Nguyễn Thị Hải Đ. (quận 10) kể: Năm 2004, qua một người bạn, bà biết dự án nên đồng ý mua liền hai lô đất diện tích 224 m2 (mỗi lô 112 m2) với giá 2,3 triệu đồng/m2. “Lúc đó tôi phải đi bán 60 cây vàng nộp tiền cho nhà trường và được ký hợp đồng góp vốn hai nền đất. Sau đó, tôi có lên hỏi và trường trả lời là đang triển khai đền bù, đang chuẩn bị bản vẽ, đang thi công san lấp mặt bằng… Đâu ngờ họ bán dự án trên giấy cho chúng tôi”.

Đạo diễn Bùi Đình Thứ - Ban đại diện những người góp vốn vào dự án nói: “Dự án kéo dài gây tổn thất nghiêm trọng. Nếu trường không thực hiện được thì phải trả lại tiền cho người góp vốn chứ 10 năm rồi chỉ là hứa hẹn. Trong khi tiền của chúng tôi không biết đã đi đâu, sử dụng ra sao”.

Theo bà Phan Thị Bích Hà, Hiệu trưởng Trường ĐH SKĐA TP.HCM, tháng 5-2007, bà làm hiệu trưởng của trường và có nhận bàn giao một số sổ đỏ của người dân mà trường đã sang nhượng. Khi bàn giao, trường không nhận được đồng nào từ BQLDA cũ của trường. Ngoài ra, đến nay nhà trường chưa có quyết định hay phê duyệt giao đất gì. “Việc góp vốn từ năm 2003 và tôi không phải nằm trong BQLDA của trường vào thời điểm đó. Tôi tiếp nhận trưởng BQLDA với tư cách là người kế nhiệm và phải giải quyết các hậu quả. Trường sẽ họp với người góp vốn và xin ý kiến của cơ quan chức năng để sớm giải quyết dứt điểm tình trạng này” - bà Hà nói.

Tiền đã vào dự án hết rồi!

Để làm rõ về dự án, số tiền huy động đi đâu… ngày 22-5, chúng tôi trao đổi với ông Hà Quang Văn - nguyên Hiệu trưởng Trường CĐ SKĐA (Trưởng BQLDA nhà ở của trường lúc đó).

. Thưa ông, nhiều người góp vốn tố cáo ông đã lừa và dùng tiền của họ chi xài cá nhân?

+ Nếu nhà trường được giao đất sớm và không bị thanh tra thì bây giờ cũng đã có đất giao cho người góp vốn rồi. Đây là lý do khách quan. Tôi không dùng tiền của người góp vốn để chi xài cá nhân…

. Trong gần 260 người góp vốn mua nền chỉ có 23 cán bộ, nhân viên của trường nên những người góp vốn cho rằng nhà trường làm dự án bán nền cho nhiều người để thu lợi?

+ Thời điểm 2003 có nhiều anh em, bạn bè không có điều kiện về nhà ở nên tôi đề xuất làm dự án với mong muốn nhiều người có nhà. Những người này đều là người quen, ân nhân của trường. Tôi không có tư lợi hay tham nhũng đồng nào của dự án. Tôi nhận thiếu sót là không có kinh nghiệm trong quản lý dự án dẫn đến dự án kéo dài, làm ảnh hưởng quyền lợi người góp vốn.

. Những người góp vốn thắc mắc về tiền của họ đã đi đâu, sử dụng thế nào gần 10 năm nay?

+ Số tiền này đã đổ vào dự án hết rồi, phía Công ty Tân Phú Thủy được trường ký hợp đồng để làm các thủ tục liên quan đến dự án cũng đã quyết toán nhưng ban giám hiệu hiện nay chưa đồng ý. Phía Công ty Tân Phú Thủy cho biết họ phải tự bỏ tiền túi ứng thêm cho dự án hơn 3 tỉ đồng còn việc không có đất là do lý do khách quan. Từ khi về hưu đến nay, tôi nhiều lần gửi đơn đến lãnh đạo Bộ VH-TT&DL và chính quyền TP.HCM quan tâm cứu xét và tạo điều kiện cho tôi giải quyết những bức xúc của người góp vốn để đảm bảo quyền lợi cho họ.

Hiện tôi vẫn đang phải sống nhà thuê chứ không phải tôi ôm mấy chục tỉ đồng như những lời tố cáo. Tiền đã đổ hết vào dự án rồi, tố như thế là oan cho tôi.

Nguyễn Đức - Kim Phung (Pháp Luật TP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.