Làm thế nào để khắc phục tình trạng xây dựng tự phát ở các quận, huyện ngoại thành? PV Báo Sài Gòn Giải Phóng đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, về vấn đề này.

- Phóng viên: Thưa ông, ông nhìn nhận thế nào về tình trạng xây dựng nhà ở tự phát của người dân ở nhiều quận, huyện ngoại thành TPHCM?

- PGS-TS NGUYỄN TRỌNG HÒA: Đây là hiện tượng bình thường, là điều tất yếu của quá trình đô thị hóa ở các nước đang phát triển. Một khi các đô thị trở thành trung tâm sản xuất, kinh doanh, dịch vụ…, tự thân nó sẽ thu hút một lượng lao động lớn đổ về. Trong bối cảnh ấy, với nguồn lực kinh tế có hạn, không thể chăm lo đầy đủ “nơi ăn, chốn ở” cho dân, gần như tuyệt đại đa số các nước đang phát triển sẽ phải chấp nhận sự xuất hiện của các khu dân cư tự phát với việc xây dựng không được luật pháp cho phép vì chính người lao động nhập cư cũng phải sống, phải có một mái nhà che mưa, che nắng. TPHCM không là ngoại lệ.

Một góc khu dân cư An Phú - An Khánh, quận 2 TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

- Không có cách nào để hạn chế tình trạng này, thưa ông?

- Kinh nghiệm phát triển đô thị ở Thái Lan, Ấn Độ… cho thấy có cách để xử lý chúng. Ở các nước này, người ta quy hoạch hẳn ra những khu vực đô thị mà người dân được chủ động mua, bán đất và xây nhà theo khả năng của mình. Tại những khu này, Nhà nước chỉ thực hiện quy hoạch ở mức tối thiểu như làm đường, làm hệ thống cống cấp, thoát nước, hệ thống phòng cháy, chữa cháy… để đảm bảo môi trường sống cơ bản cho người dân. Các chỉ tiêu quy hoạch khác như công viên, cây xanh và các tiện ích công cộng khác tạm gác lại. Như vậy, giá đất ở các khu vực này sẽ rẻ, phù hợp với khả năng chi trả của người nhập cư.

Ở các nước, người ta gọi những khu vực này là khu vực tự phát nhưng có kiểm soát một phần. Cách xử lý vấn đề như thế không những hạn chế được tình trạng phát triển đô thị như “vết dầu loang” mà còn giải quyết được ngay nhu cầu nhà ở giá rẻ trước mắt cho người lao động nhập cư nói riêng và người lao động có thu nhập thấp ở thành phố nói chung, bên cạnh những loại hình nhà ở giá rẻ khác như nhà ở xã hội….

Theo thời gian, khi kinh tế - xã hội đất nước đã phát triển, đời sống người dân nói chung và trong các khu vực tự phát nói riêng đã được nâng lên, Nhà nước và nhân dân sẽ cùng cải tạo dần các điều kiện sống trong khu vực như xây dựng thêm công viên cây xanh, thêm trường học, bệnh viện… và sắp xếp chỉnh trang hoặc xây mới các khu nhà ở này. Nếu cần, Nhà nước có thể đền bù và thu hồi thêm đất để xây dựng các tiện ích nêu trên. Trong tình huống như thế, Nhà nước cũng không phải tốn thêm nhiều tiền bởi những chỉ tiêu quy hoạch cơ bản nhất đã có. Cách thực hiện quy hoạch như vậy được gọi là xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch theo hướng “cắt lớp”. Đầu tiên là “lớp” cơ bản bao gồm các hệ thống hạ tầng kỹ thuật quan trọng nhất. Sau đó, đến hạ tầng xã hội cùng các tiện ích khác. TPHCM có thể học hỏi kinh nghiệm này.

- Theo ông, có thể nghiên cứu, triển khai học hỏi, áp dụng những kinh nghiệm này ở TPHCM như thế nào?

- Trước hết, sau khi quy hoạch xây dựng được phê duyệt, cần tập trung nghiên cứu kế hoạch thực hiện quy hoạch, đó là điều lâu nay chúng ta chưa thực hiện. Chính trong quá trình này, dựa trên tình hình thực tế và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội để chúng ta xác định bức tranh phát triển của đô thị theo “từng lớp”. Bức tranh này sẽ từ từ hoàn thiện cả về không gian lẫn chất lượng các khu vực đô thị, nhất là các khu nhà ở cho người lao động nghèo như đã nói ở trên.

Tôi nhấn mạnh, quá trình này hoàn toàn khác với phân kỳ đầu tư như chúng ta đang làm hiện nay. Phân kỳ đầu tư là làm hoàn chỉnh từng khu vực đô thị, chỉ thích hợp với những chỗ chúng ta có nguồn lực tài chính tập trung. Tại những khu vực này không gian sẽ “đẹp ngay” và có thể làm chúng ta tự hào ngay. Bức tranh đô thị như tôi vừa nói tới sẽ chỉ “đẹp lên” từ từ xong mọi người lao động đều có thể an cư để lập nghiệp trong chính sự phát triển của thành phố.

Theo tôi, trên cơ sở quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, TPHCM nên nghiên cứu xác định ngay các khu vực phát triển đô thị mà Nhà nước chưa có khả năng tài chính để thực hiện và cũng chưa thể kêu gọi đầu tư để người dân tự xây dựng nhà ở của mình (tất nhiên theo hướng tự phát nhưng có kiểm soát một phần) để hạn chế tình trạng xây dựng tự phát như hiện nay. Đây hoàn toàn không phải là các khu “ổ chuột mới” như nhiều người hay quy kết.

Ở Singapore, do đất đai có hạn, người ta làm quy hoạch “cắt lớp” theo một hướng khác. Nếu khả năng tài chính có hạn, trước hết họ làm quy hoạch theo hướng xây dựng các chung cư thấp tầng với các tiện ích cơ bản nhất. Khi kinh tế đã phát triển, họ cho phá bỏ những chung cư thấp tầng và thay vào đó là các chung cư cao tầng với những tiện nghi tốt hơn. Bên cạnh động thái này, Singapore song song xây dựng một cơ chế tài chính ổn định, hỗ trợ cho người nghèo thay đổi chỗ ở tốt hơn. TPHCM cũng có thể tham khảo thêm kinh nghiệm này.

- TPHCM nên “khoanh vùng” cho xây dựng tự phát có kiểm soát một phần ở khu vực nào?

- Ở các quận, huyện ngoại thành, đặc biệt là các khu vực tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất vì những nơi này đang thu hút một lượng lớn người lao động nhập cư vào làm việc.

  • Đô thị hóa ở TPHCM - Bài 2: Còn đó nỗi lo

    Đô thị hóa ở TPHCM - Bài 2: Còn đó nỗi lo

    Mặc dù còn hết sức khó khăn nhưng thời gian qua TPHCM đã xây dựng được hơn 600 cây cầu và hơn 2.000km đường, không những góp phần chống ùn tắc giao thông mà còn đóng góp quan trọng cho việc chỉnh trang đô thị ở TP. Tuy nhiên, hiện tượng đô thị hóa tự phát, xây dựng trái phép vẫn là nỗi lo thường trực của TPHCM.

  • Đô thị hóa ở TPHCM - Bài 1: Gương mặt mới

    Đô thị hóa ở TPHCM - Bài 1: Gương mặt mới

    Ngày nay, người dân TPHCM có quyền tự hào về những “thay da đổi thịt” của thành phố. Quận 4, một thời là “vùng đất dữ” nay đã trở thành vùng đất mà “khi ta đi, đất bỗng hóa tâm hồn”. Quận 7 ngập sình lầy ngày xưa nay đã có thể tự hào về khu đô thị hiện đại Phú Mỹ Hưng với khu A xứng đáng đô thị mẫu của cả nước. Kênh “đen” Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé nay đã xanh trong... TPHCM hiện nay đã lớn gấp hơn 2 lần so với trước năm 1975. Một thành phố đã đô thị hóa cả chiều rộng lẫn chiều sâu.

Theo Nguyễn Khoa (SGGP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.