Sau hơn 3 tháng ngừng nhận hồ sơ, từ tháng 4-2011, người dân Hà Nội có nhu cầu có thể tiếp tục nộp đơn mua nhà theo Nghị định 61/CP tại các xí nghiệp quản lý và kinh doanh nhà. Đây có thể xem là cơ hội để người dân mua nhà trước khi Chính phủ chính thức ban hành chính sách mới về quỹ "nhà 61".

Người muốn mua “nhà 61” sẽ có cơ hội tới hết tháng 10-2011

Sẵn sàng nhận hồ sơ mới

Liên quan tới bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước theo Nghị định 61/CP, UBND TP Hà Nội mới có văn bản giao Sở Xây dựng Hà Nội chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan tiếp tục bán nhà cho đến khi có Nghị định mới thay thế. Thời gian dự kiến đến hết tháng 10-2011. Trước đó, xét tình hình tại nhiều địa phương có số nhà chưa bán còn rất lớn, Bộ Xây dựng đã kiến nghị Thủ tướng cho phép tiếp tục giải quyết thủ tục bán nhà ở sau ngày 31-12-2010 đối với các trường hợp đã nộp đơn mua nhà từ 31-12-2010 trở về trước.

Về vấn đề này, ông Hoàng Tú - Trưởng phòng Bán nhà 61 (Sở Xây dựng Hà Nội) giải thích, Chính phủ đã họp và thống nhất cho phép Hà Nội tiếp tục bán quỹ nhà thuộc sở hữu Nhà nước cho đến khi có chính sách mới. Do đó, không chỉ tiếp tục giải quyết các hồ sơ đã nộp trước thời điểm 31-12-2010, người dân có nhu cầu mua nhà có thể tới nộp hồ sơ tại các xí nghiệp kinh doanh nhà, trực thuộc Công ty Quản lý và phát triển nhà Hà Nội. Việc tiếp nhận hồ sơ mua nhà mới cũng như các chính sách khác liên quan vẫn thực hiện bình thường như trước thời điểm 31-12-2010.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Quốc Tuấn cho biết thêm, Sở đã đề nghị Công ty Quản lý và phát triển nhà Hà Nội, Công ty Phát triển nhà và đô thị (Bộ Quốc phòng) khẩn trương triển khai giải quyết các hồ sơ mua nhà đã nhận trước ngày 31-12-2010. Các công ty này phải xây dựng kế hoạch, thời gian cụ thể để đi thực địa kiểm tra bốn thông số, trình Hội đồng nhân dân thành phố xong trước ngày 30-6-2011.

Đồng thời, phải tổ chức đo vẽ toàn bộ hồ sơ mua nhà đã nhận, xây dựng đơn giá đo vẽ địa chính mới báo cáo Sở Xây dựng và Sở Tài chính để tổng hợp báo cáo UBND TP phê duyệt trước ngày 30-6-2011. Việc lập hợp đồng mua nhà và tổ chức thu nộp tiền mua nhà vào ngân sách cũng phải xong trước quý III-2011. Đặc biệt, phải lập và trình cấp giấy chứng nhận cho các hộ đã hoàn tất thủ tục mua nhà xong trước ngày 31-12-2011.

Thành phố cũng yêu cầu Chi cục Thuế các quận, huyện, Chi nhánh Kho bạc Nhà nước tạo điều kiện tiếp nhận, giải quyết nhanh các trường hợp tới nộp tiền mua nhà, không để người dân phải đi lại nhiều lần. Cùng với đó, UBND các quận, huyện, thị xã phải khẩn trương tăng tiến độ cấp "sổ đỏ" cho các hộ đã hoàn tất thủ tục mua nhà.

Còn "tồn kho" trên 15.000 hồ sơ

Thống kê của Công ty Quản lý và phát triển nhà Hà Nội cho biết, thành phố hiện nay còn hơn 50.000 căn hộ thuộc sở hữu Nhà nước chưa được bán. Cho tới thời điểm dừng nhận hồ sơ vào cuối năm 2010, thành phố đã tiếp nhận 15.314 hồ sơ xin mua nhà. Số hồ sơ này phần lớn là những trường hợp phức tạp, cần phải có thời gian giải quyết theo đúng quy trình. Như vậy, số trường hợp có thể tiếp tục nộp hồ sơ ước khoảng 35.000. Tuy vậy, theo Sở Xây dựng Hà Nội, điểm khó nhất của bán nhà theo Nghị định 61 là vấn đề dân nguyện. Người có nhu cầu mới mua, Nhà nước không bắt buộc. Do đó, khó có thể nói chính xác số lượng hồ sơ mới sẽ phát sinh sau khi việc bán nhà thêm một lần nữa được tái khởi động.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn cho biết, một trong những lý do khiến người dân ít quan tâm tới việc mua nhà theo Nghị định 61/CP là do hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Một số hộ còn khiếu nại, yêu cầu không phải nộp tiền sử dụng đất vì đã ở trước ngày 15-10-1993... Đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cũng thừa nhận thực tế này: "Số nhà ở còn lại hiện nay phần lớn có hồ sơ phức tạp. Các hộ dân đang thuê nhà có nhiều khó khăn nên việc giải quyết bán nhà cần phải có một khoảng thời gian nhất định". Kết quả, rất nhiều tòa nhà đang ở trong tình trạng đan xen sở hữu (có hộ đã mua, hộ chưa mua).

Tình trạng này đã gây rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý, cải tạo và phát triển nhà. Đáng chú ý, ngoài diện nhà đan xen sở hữu, Hà Nội đang tồn đọng tới 12.000 nhà đất không thuộc bất cứ cơ quan nào quản lý. Các nhà đất này không có hồ sơ gốc, đã mua đi bán lại nhiều lần và thiệt thòi nhất là không được cấp "sổ đỏ". Đây chính là diện nhà gây nhiều rắc rối nhất hiện nay. Hướng giải quyết dạng nhà này tới nay chưa rõ bởi không còn cơ quan quản lý nên không có ai chịu trách nhiệm kê khai theo Chỉ thị 25/CT-UB, để Hà Nội đủ cơ sở tiếp nhận và cấp "sổ đỏ".

Cafeland.vn - Theo ANTĐ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.