Liệu với thông điệp “nghèo mà bình yên”, Bí thư Hoàng Trung Hải sẽ làm hồi sinh một thành phố đầy ngổn ngang sau 2 thập niên phát triển nóng?

Hà Nội, khi ông Hoàng Trung Hải nhậm chức Bí thư là một thành phố mà quy hoạch đô thị bị phá vỡ, với những khu đô thị được xây dựng mà không có quỹ đất cho không gian công cộng...

Trong buổi làm việc với huyện Ba Vì hôm 23.2 vừa rồi tân Bí thư thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã phát đi một thông điệp về sự phát triển bền vững của Thủ đô. Ông cho rằng chính quyền Thủ đô không nên phát triển kinh tế bằng mọi giá mà cần hướng tới xây dựng môi trường làm ăn sinh sống an lành.

Nếu thông điệp này là triết lý hành động trong nhiệm kỳ của ông Bí thư thành ủy- một người có tiếng là kỹ trị- thì Hà Nội, thành phố ngổn ngang sau hai thập kỷ phát triển nóng, có lẽ đang đứng trước những cơ hội hồi sinh.

Hà Nội, khi ông Hải nhậm chức Bí thư là một thành phố mà quy hoạch đô thị bị phá vỡ, với những khu đô thị được xây dựng mà không có quỹ đất cho không gian công cộng, với những con đường mất bóng cây, với ùn tắc giao thông, với nạn trộm cắp vặt khiến người dân phải dùng xích sắt để bảo vệ ô tô và cảnh sát cơ động phóng xe máy thâu đêm trên mọi tuyến đường không khác gì thời chiến.

Từ một thành phố xanh, một thành phố hòa bình, Hà Nội đã không còn là một thành phố đáng sống, đến nỗi chốn an cư bậc nhất bình an của người dân Thủ đô lại ở tận Hưng Yên. Đó là cái giá mà Hà Nội đã trả cho quá trình phát triển. Một cái giá quá đắt, không thể tính bằng tiền.

Thay vì phát triển kinh tế bằng mọi giá bằng việc hướng tới xây dựng môi trường làm ăn sinh sống an lành. Thông điệp được phát đi từ người đứng đầu thành phố hẳn sẽ là một cam kết chính trị. Và cam kết đó, chắc chắn cần phải được cụ thể hóa bằng hành động của chính quyền thành phố.

Môi trường làm ăn sinh sống an lành là gì?

Đó là một môi trường làm ăn không còn sự phiền hà của thủ tục hành chính, và các doanh nghiệp không phải mất chi phí bôi trơn vẫn có thể sản xuất kinh doanh.

Đó là là sự cải thiện môi trường, là các hàng cây được trả lại cho đường phố, các dòng sông rác được khai thông, những công trình xây dựng tuân thủ việc lắp đặt rào chắn chống bụi.

Đó là những không gian công cộng được trả lại cho người dân. Các công trình xây dựng lấn chiếm sân chơi, các dịch vụ được cấp phép sử dụng vỉa hè, lòng đường được thu hồi, cưỡng chế. Là những khu đất vàng sau khi di rời công sở nhà máy khỏi trung tâm sẽ trở thành vườn hoa chứ không phải những tòa nhà mới.

Đó là an ninh trật tự được đảm bảo khi không còn những khu chợ trời tiêu thụ đồ gian, là thói quen báo công an khi bị mất cắp trở lại trong ý thức tin tưởng của mỗi người dân. Và không còn việc cảnh sát giao thông phải nhảy xổ ra đường để chặn xe vi phạm.

Đó là có chính sách công bằng và thuận lợi thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư vào công việc vận tải công cộng.

Hướng tới xây dựng môi trường làm ăn sinh sống an lành. Đó là một thông điệp ngắn song không dễ thực hiện bởi những việc phải làm đều xung đột với những thứ lợi ích được tạo dựng trong suốt những năm qua, những nhiệm kỳ trước đó. Bởi thế, khi vị tân Bí thư thành ủy phát đi thông điệp này, ông đã chính thức tuyên chiến với những điều được coi là "truyền thống" không tốt của Thủ đô.

Đó là một quyết định dũng cảm để hồi sinh thành phố.

Phạm Trung Tuyến (Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.