Putrajaya vốn là một vùng đất hoang vu, không có sông ngòi, cây xanh, cách Kuala Lumpur khoảng 30 km về phía Nam. Từ năm 1995, Malaysia đã bắt đầu khởi công xây dựng thành phố mới này với ý định biến nơi đây trở thành thủ đô mới của quốc gia. Thủ tướng Mahathir là đưa ra ý tưởng xây dựng "siêu dự án" này.
Các chuyên gia quy hoạch đã biến Putrajaya thành một thành phố, nơi mà công nghệ thông tin cùng tồn tại song song với những vườn cây tươi tốt. Dọc theo đại lộ Putra, trục xương sống của thành phố ,hai bên là những tòa dinh thự, công sở khổng lồ nhưng không ngột ngạt vì được phủ xanh bóng cây, hoa lá... Ngay cả lối xuống cầu thang cuốn vào khu trung tâm thương mại gắn máy điều hòa bên sông, cũng được trồng hoa, cây xanh bên trong.
Người Malaysia tự hào gọi Putrajaya là thành phố thông minh. Mọi công trình hành chính, trường học, bệnh viện, rạp chiếu phim, công viên… ở Putrajaya đều gắn với từ “thông minh” và được quản lý bằng các ứng dụng tin học tiên tiến nhất.
Mỗi cư dân của thành phố được cấp một chiếc thẻ từ ghi rõ mọi thông tin cá nhân, nhóm máu, thông tin công việc, tài chính, thanh toán... Thẻ từ được sử dụng thay chìa khóa cho mọi cánh cửa, khi đi siêu thị, đến rạp hát, các câu lạc bộ thậm chí thay giấy thông hành đến các nước Thái Lan, Singapore. Trẻ con ở Putrajaya đi học không phải đeo cặp sách trĩu nặng mà học hoàn toàn trên máy vi tính, làm bài, trả bài, các thông tin liên lạc giữa nhà trường và phụ huynh đều thông qua mạng máy tính vô cùng nhanh chóng và kịp thời.
Là một thành phố "trẻ" nhất của Malaysia, nên đường phố Putrajaya rất thông thoáng và môi trường thì trong lành. Gần 40% diện tích của thành phố này được giành cho cây xanh, bóng mát nên du khách luôn có cảm giác như mình đang ở trong rừng. Putrajaya không hướng đến mục tiêu là trở thành một siêu đô thị mà dự kiến chỉ có khoảng 300.000 dân.
Hồ Putrajaya là một hồ nước nhân tạo chảy quanh thành phố và được ví như trái tim của Putrajaya. Hồ rộng 650 ha, được làm với mục đích điều hòa không khí trong thành phố.
Ngày nay, nó trở thành một khu vực chuyên tổ chức các hoạt động thể thao như Cuộc đua thuyền máy F1 và giải chèo xuồng châu Á.
Có tất cả 9 cây cầu dây văng vắt ngang qua con sông đào Putra với nhiều kiểu dáng từ hình tượng con thuyền căng buồm ra khơi, mái vòm, tháp chuông... cực kỳ ấn tượng.
Nổi tiếng nhất là Seri Wawasan, cây cầu cáp treo có hình dạng con thuyền đang giương buồm. Cầu có 3 làn xe mỗi chiều và 18,6 m chiều rộng một chiều, được làm bằng bê tông với các loại cáp bằng thép chịu lực.
Malaysia đã xây dựng rất thành công một thành phố mới mang nhiều nét hiện đại mà không tách rời truyền thống cũng như đáp ứng xu hướng mới về những đô thị xanh. Patrayjaya còn được hướng để trở thành điểm đến mới trong hành trình của du khách ở Malaysia.
Thánh đường Hồi giáo Putra là một trong những điểm nhấn kiến trúc đặc sắc của Putrajaya, nằm soi bóng bên hồ Putra, được hoàn thành năm 1999. Đây là một trong các thánh đường Hồi giáo hiện đại nhất thế giới. Công trình là sự kết hợp hoàn hảo giữa kiến trúc Hồi giáo truyền thống và hiện đại, được xây dựng bằng đá granite có sắc hồng. Tòa tháp của Thánh đường cao 116 m được thiết kế theo phong cách kiến trúc của Thánh đường Sheikh Omar ở Baghdad có sức chứa tới 15.000 tín đồ đến cầu nguyện.
Perdana Putra, tòa nhà Văn phòng thủ tướng với kiến trúc cực kỳ đẹp mắt và rộng lớn tọa lạc trên một ngọn đồi, được xây dựng từ vật liệu đá thiên nhiên. Từ nơi đây có thể nhìn ra hồ và Thánh đường Putra. Tòa nhà 6 tầng rộng lớn được chia ra làm 3 khu. Khu giữa to lớn nhất là tòa nhà Văn phòng thủ tướng. Cánh phía tây là văn phòng của phó thủ tướng, phía đông là của tổng thư ký quốc hội.