21/08/2016 8:56 AM
Trải qua khoảng thời gian hơn 200 năm, hứng chịu nhiều trận lụt lịch sử, nhưng nhà cổ Tấn Ký ở Hội An vẫn mang vẻ đẹp trường tồn, hấp dẫn du khách.

Nhà cổ Tấn Ký là địa chỉ hầu như không du khách nào bỏ qua khi ghé thăm Hội An. Ngôi nhà được chủ hiệu buôn Tấn Ký người gốc Hoa xây dựng từ cuối thế kỷ XVIII và trở thành một trong những công trình kiến trúc đẹp nhất Hội An.

Nhà cổ được xây dựng với kiểu nhà đặc trưng hai tầng hai nếp, hai mặt thông ra đường. Mặt tiền thông ra đường Nguyễn Thái Học để mở hiệu buôn, mặt hậu thông ra đường Bạch Đằng giáp với bến sông để thuận tiện trong việc xuất nhập hàng hóa.

Nội thất được chia làm nhiều gian với công năng sử dụng khác nhau như thờ tự, giao dịch buôn bán, chứa hàng hóa, tiếp khách, sinh hoạt gia đình... Trong hình là bộ bàn ghế cổ có tuổi thọ 100 năm, được làm bằng gỗ gõ và khảm xà cừ.

Nhà Tấn Ký đến nay đã là nơi cư ngụ của 7 thế hệ trong cùng một gia đình. Trong hình là cụ bà thuộc thế hệ thứ 3.

Hệ thống cột, kèo trong ngôi nhà được chạm trổ rất sắc sảo. Những cổ vật quý giá hiện được lưu giữ tại ngôi nhà đã góp phần minh chứng cho một thời hưng thịnh của hiệu buôn Tấn Ký nói riêng, Hội An nói chung.

Ngoài những nét chính của kiến trúc địa phương, thiết kế của nhà Tấn Ký có những nét chịu ảnh hưởng kiến trúc Trung Hoa và Nhật Bản. Hệ thống rường chịu ảnh hưởng của người Nhật. 3 thanh ngang tượng trưng cho Thiên - Địa - Nhân. 5 thanh dọc tượng trưng cho 5 yếu tố ngũ hành.

Mái hiên vòm cong chịu ảnh hưởng của kiến trúc Trung Hoa.

Mái ngói mang đặc trưng của người Việt.

Nhà cổ ở đây dài, hẹp và không có cửa sổ hai bên. Thay vào đó là giếng trời ở giữa nhà, đây là nơi ánh sáng và không khí vào nhà.

Khoảng không gian rộng rãi, thoáng mát của giếng trời.

Chén Khổng Tử là một trong những vật gia bảo của nhà Tấn Ký, và chỉ có một chiếc duy nhất ở Việt Nam. Trong chén có bức tượng Khổng Tử, dưới đáy có 1 cái lỗ, khi đổ nước dưới 80% thể tích thì vẫn không chảy ra ngoài. Khi đổ quá, tất cả nước sẽ chảy hết. Muốn khuyên mình cái gì cũng phải có chừng mực.

Những thế hệ nối tiếp nhau đã cố gắng gìn giữ ngôi nhà hầu như nguyên vẹn, bất kể những tác động không ngừng của thời gian và bão lụt. Tên hiệu Tấn Ký do gia chủ đời thứ 2 đặt cho, nói lên mong ước việc buôn bán được phát đạt.

Mặc dù phải hứng chịu sự tàn phá của thời gian và lũ lụt, ngôi nhà vẫn hầu như nguyên vẹn nhờ được xây dựng bằng vật liệu tốt. Trong hình là mức nước lụt được đánh dấu qua các năm.

Khi nước vào nhà, gia đình dùng hệ thống ròng rọc để chuyển đồ lên tầng 2.

Ngôi nhà còn giữ nhiều dấu tích minh chứng cho giai đoạn thương mãi phồn thịnh với nước ngoài, từ thế kỷ 18 đến nửa đầu thế kỷ 19, thời kỳ những nhà buôn địa phương giàu có xây dựng những ngôi nhà tráng lệ.

Mặt sau của nhà Tấn Ký hướng ra một nhánh của sông Thu Bồn. Nhà Tấn Ký đã được Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch xếp hạng di tích đặc biệt, đã được đưa vào phim ảnh, truyền hình và trở thành ngôi nhà được biết đến và thăm viếng nhiều nhất tại Hội An từ năm 1983.

Hà Phương (VOV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.