Có ý kiến nhận xét, lịch sử phong thủy cũng lâu đời như lịch sử loài người, bắt nguồn từ quy luật sinh tồn của tổ tiên loài người, phát triển từ sự thích ứng hoàn cảnh của con người. Nói cách khác, phong thủy nhằm hướng con người tìm được môi trường cư trú thích hợp trong môi trường tự nhiên.
Đơn cử, từ thời nguyên thủy, người Việt cổ sống trong hang động, đa số lựa chọn các hang động quay về hướng Nam hoặc Đông Nam, vì sẽ tránh được nắng chói phía Ðông vào buổi sáng, buổi chiều không bị nắng xiên khoai từ phía Tây, đồng thời tránh được gió nóng (gió Lào) từ phía này thổi tới và không bị gió lạnh từ phương Bắc tràn về. Tại Hoà Bình, không một hang động có người ở nào lại có cửa quay về hướng Bắc. Trong khi đó, hướng Nam hoặc Đông Nam sẽ đón được những ngọn gió mát vào mùa Hè. Dân gian có câu: “Trăm người hầu không bằng đầu ngọn gió”.
Xét về hướng nhà, người Việt đúc kết: “Lấy vợ hiền hoà, làm nhà hướng Nam”; “Cất nhà day hướng về Nam/Day lưng về Bắc, không làm có ăn”.
Người Trung Quốc thường nói: “Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong” (thuận trời thì sống, nghịch trời ắt chết), với ý khuyên răn con người không nên làm điều gì trái với lẽ tự nhiên. “Thiên” ở đây có thể được hiểu là môi trường, nếu có đủ khả năng thích ứng với tự nhiên và cùng tồn tại với môi trường cư trú, thì con người sẽ ngày càng hưng thịnh. Bởi lẽ, “thiên nhân tương ứng”, con người và môi trường đồng nhất về vật chất và hoàn cảnh.
Năm 1979, nhà hoá học người Anh Hamilton tiến hành thực nghiệm khoa học đã phát hiện ra tỷ lệ hàm lượng các nguyên tố hoá học trong máu người trùng lặp một cách kỳ lạ với tỷ lệ hàm lượng các nguyên tố hoá học trong lớp vỏ trái đất. Bốn loại nguyên tố hoá học là cacbon (C), hydro (H), oxy (O), nitơ (N) chiếm tới 99,4% khối lượng của con người. Bốn loại nguyên tố hoá học đó cũng chiếm khối lượng lớn nhất trong thành phần vỏ trái đất.
Kết quả thực nghiệm này đúng với nhận xét của Ph. Ăng-ghen (1820 - 1895): "Bản thân con người là sản phẩm của tự nhiên, con người tồn tại trong môi trường tự nhiên và cùng phát triển với môi trường tự nhiên đó". Vì thế, tìm được hoặc tạo ra một không gian phù hợp giữa cảnh quan với con người là rất quan trọng.
Nghiên cứu của khoa học ngày nay cho thấy, môi trường sống và làm việc tốt không những có lợi cho sức khoẻ, mà còn tạo điều kiện cho sự phát triển năng lực trí tuệ của bộ não; hiệu suất làm việc của não có thể tăng 15 - 35%.
Thực tế, với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, điều kiện khí hậu thuận lợi, đất đai màu mỡ, nguồn nước dồi dào…, nhiều vùng đất đã sản sinh ra rất nhiều nhân tài cho đất nước. Câu tục ngữ “Địa linh, nhân kiệt” (đất linh thiêng sinh ra người hào kiệt) đã thể hiện chính xác điều này.
Ngoài sức khoẻ kiện toàn, trí tuệ tăng trưởng, nhà ở hợp phong thuỷ có thể đem lại cho con người cuộc sống sung túc, gia đình hoà hợp, đông con nhiều cháu, sự nghiệp thuận lợi, tài vận hanh thông, đón cát tránh hung...
Trong “Trạch phổ” có viết: “Cát khí sở chung, nhân vượng tài phong”, nghĩa là nơi tập trung khí may mắn cát tường, con người đông đúc, hưng vượng.
Khí ở đây là một dạng vật chất vi tế (dạng vật chất cực kỳ nhỏ và biến đổi linh hoạt, tinh tế), hình thành trong sự giao hoà của vũ trụ (giữa trời và đất). Vật chất được người xưa chia thành hai phần: một phần là hình có thể nhìn thấy như kim (kim loại), mộc (cây cối), thuỷ (nước), hoả (lửa), thổ (đất); một phần là khí, không thể nhìn thấy, nhưng tồn tại một cách khách quan. Khí và hình giao nhau, sinh ra vạn vật phong phú đa dạng, muôn màu muôn vẻ. Khí và hình có thể chuyển hoá lẫn nhau, tụ lại thành hình, tán ra hoá khí. Khí có thể đi nổi trên bề mặt trái đất, nhưng cũng có thể đi chìm và bốc lên từ lòng đất. Tuỳ theo cấu trúc và phương thức vận động mà khí có thể là sinh khí hay sát khí.
Vì thế, mục đích lớn nhất của phong thuỷ là tìm ra nơi sinh khí ẩn giấu để con người sử dụng nguồn sinh khí này, giống như cây cối sinh trưởng trên đất phì nhiêu vậy.
Theo đó, nhà ở phải chọn được nơi “tàng phong, tụ khí”, tức nơi sinh khí ngưng tụ. Một trong những khẩu quyết để chọn được cuộc đất tốt cho nhà ở của các nhà phong thuỷ xưa là: “Nhà ở phải ngắm chọn địa hình. Tựa núi, hướng sông mới thoả lòng…” (xem bài “Bất động sản nghỉ dưỡng, chọn nơi tàng phong tụ khí” trên Đầu tư Bất động sản số ra ngày 22/4/2013). Trong các khu đô thị hiện đại ngày nay, chung cư, nhà cao tầng được xem là núi, đường sá, khoảng đất trống rộng rãi được coi là sông.
Nhìn chung, những vùng đất bằng phẳng, cao ráo, yên tĩnh, thoáng mát, không khí trong lành, cỏ cây tươi tốt, gió thổi dịu nhẹ, ánh sáng mặt trời đầy đủ… chính là nơi sinh khí ngưng tụ. Riêng vùng sơn cước, cao nguyên nhiều nắng gió thì sinh khí hội tụ tại nơi lòng chảo thấp trũng, kín đáo.
Chú ý, nên tránh vị trí hoặc các yếu tố xấu như: nhà, đất hình tam giác; môi trường bị ô nhiễm (ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí, ô nhiễm âm thanh); có cửa ra vào hoặc cửa sổ đối diện với con đường đâm thẳng tới; nhà ở gần trạm xăng dầu, trạm điện; phía trước có nhà vệ sinh hoặc bãi rác; bên ngoài cửa nhà, cửa sổ có cột điện hay các vật sắc nhọn hoặc góc nhọn của mái nhà, cạnh tường của nhà đối diện… (tham khảo bài “Cách hoá giải những điểm kỵ của mảnh đất xấu” trên Đầu tư Bất động sản số ra ngày 11 và 18/3/2013).
Liên quan đến tác hại của các hình thể nhọn, dân gian có câu: “Thứ nhất góc ao, thứ nhì đao đình”. Tác hại này đã được nhà khoa học người Pháp là M.J.F. Balvanyi khám phá ra rằng, có một loại tia nguy hiểm, gọi là tia ác xạ, hiện hữu trong không khí, có thể làm khô các tế bào ở cơ thể sinh vật. Khi gặp nóc nhà, chúng nương theo đòn dông phóng về phía trước và xâm nhập vào căn nhà đối diện qua cửa chính, cửa sổ. Người bị nhiễm tia này dễ đau ốm, đầu óc căng thẳng, lo âu, mất tập trung.
Khoa học cũng đã chứng minh, nhà ở gần trạm điện cao thế sẽ ảnh hưởng đến hệ thần kinh của người cư ngụ, khả năng mắc bệnh ung thư máu cao, trẻ em dễ mắc bệnh bạch cầu. Hoặc dưới nền nhà là nơi giao nhau của hai mạch nước ngầm sẽ làm cho sức khoẻ con người suy nhược…
Khi đã chọn được vùng đất “phong thuỷ bảo địa” thì hướng nhà, hướng cửa, vị trí các khu chức năng, cách bài trí vật dụng, cách sử dụng nguyên vật liệu, màu sắc, ánh sáng… trong ngôi nhà cũng hợp phong thuỷ, đặc biệt là hợp với mệnh quái chủ nhà sẽ khiến “hiệu lực” của phong thuỷ được nâng cao. Vì khi đó, thiên - địa - nhân hợp nhất, âm dương cân bằng, ngũ hành hài hoà.
Mệnh quái là yếu tố dùng để phân loại và thể hiện tính chất khác nhau của từng cá nhân dựa trên bát quái, trên cơ sở đó xác định được mối tương tác giữa từng cá nhân với môi trường phong thuỷ (cách xác định mệnh quái, bạn đọc có thể dễ dàng tra trên mạng Internet). Một trong những nguyên tắc cơ bản của phong thuỷ học là “trạch mệnh tương phối”, tức người Đông tứ mệnh nên ở nhà Đông tứ trạch, người Tây tứ mệnh nên ở nhà Tây tứ trạch. Cụ thể, 4 hướng tốt đối với người mệnh Đông tứ là Đông (Chấn), Đông Nam (Tốn), Bắc (Khảm), Nam (Ly); 4 hướng tốt đối với người mệnh Tây tứ là Tây Bắc (Càn), Tây Nam (Khôn), Đông Bắc (Cấn), Tây (Đoài).
Trên cơ sở đó, thiết kế hướng nhà, hướng cửa, hướng bếp, hướng bàn làm việc, hướng cầu thang, hướng giường ngủ… phù hợp với mệnh quái theo 4 hướng tốt, đồng thời cũng là 4 phương vị (vị trí) tốt nêu trên. Còn bếp, nhà vệ sinh, nhà kho… cần đặt tại phương vị xấu (4 vị trí còn lại). Có như vậy, con người mới nhận được các khí tốt lành.
Về Đông tứ trạch và Tây tứ trạch, đại sư phong thuỷ Dương Quân Tùng (đời Đường, Trung Quốc) giải thích mối quan hệ lợi hại của chúng như sau:
“Chấn Tốn Khảm Ly là một nhà,
Hào Tây tứ trạch chớ phạm qua.
Nếu thay một khí biến thành tượng,
Con cháu hưng thịnh hưởng vinh hoa.
Càn Khôn Cấn Đoài cùng một nhà,
Quái hào Đông trạch không thể gặp.
Đặt nhầm quẻ khác vào một nhà,
Người bị thương vong lắm hoạ tai”.
Đặc biệt, trong vận 8 hiện nay (2004 - 2023), chọn được nhà có hướng thuộc các độ số sau thì “đã tốt lại càng tốt hơn”: từ 25,5 đến 34,5 độ; từ 130,5 đến 154,5 độ; từ 205,5 đến 214,5 độ; từ 310,5 đến 334,5 độ. Đây chính là các cách cục “vượng sơn, vượng hướng” theo trường phái Phong thủy huyền không phi tinh, có thể giúp nhân đinh, tài vận đều vượng.
Lưu ý, người xưa nhấn mạnh, phong thủy tốt không bằng lòng dạ tốt. Khi chọn được nơi tốt để ở thì phải không ngừng nỗ lực và tích cực hướng thiện. Chỉ có như vậy, con người mới nhận được sự giúp sức của phong thuỷ, giống như con thuyền thuận theo hướng gió mà lướt, chứ phong thuỷ không thể tác động để quả sung rơi trúng vào miệng người đang nằm há phía dưới!
-
Nhà hướng Tây và những lưu ý khi xây dựng
Nhà hướng Tây khiến nhiều người e ngại bởi đặc tính "nắng chiều" và những yếu tố phong thủy đặc thù. Tuy nhiên, biết cách thiết kế và bố trí hợp lý, nhà hướng Tây vẫn có thể mang lại nhiều may mắn và thuận lợi. Hãy cùng tìm hiểu về nhà hướng Tây cũng...
-
Lý do nhà hướng Nam được coi là lựa chọn tốt nhất khi xây nhà
Theo phong thủy, việc chọn hướng nhà luôn là một yếu tố quan trọng quyết định sự may mắn, sức khỏe và tài lộc của gia chủ. Trong đó, nhà hướng Nam từ lâu được coi là hướng tốt nhất nhưng không phải tất cả mọi người đều phù hợp với hướng Nam....
-
Phong thủy cổng và cửa nên mở ra hay mở vào?
Phong thủy cổng và cửa có nhiều yếu tố cần quan tâm: vị trí, hướng, kích thước, chất liệu, kiểu dáng, màu sắc. Ngoài ra, còn cần phải chú ý đến việc mở vào trong hay mở ra bên ngoài vì điều này liên quan đến công năng sử dụng lẫn việc thu nạp khí vào...