Hang đá Long Môn
Tây An - thành phố cổ trong sương mù
Điểm đến đầu tiên là thành phố Tây An, thủ phủ của tỉnh Thiểm Tây, một trong “tứ đại cố đô” của Trung Quốc (TQ) với lịch sử hơn 3.100 năm, và đoàn du khách Việt đã vô cùng thích thú khi được chào đón bằng một trận tuyết đầu mùa.
Nhìn từ trên cao thấy thành phố giống một bàn cờ tướng,
đi vài trăm mét lại gặp ngã tư. Người Tây An rất tự hào vì đây từng là
nơi đóng đô của 13 vương triều TQ và là điểm kết thúc phía đông của Con
đường tơ lụa huyền thoại.
Tây An sở hữu một trong hai thành cổ
duy nhất còn sót lại tại TQ là cổ thành Tây An. Nếu đi bộ dọc theo chiều
dài của trường thành sẽ mất khoảng ba tiếng vì chu vi thành rộng gần
14km, thế nên du khách muốn đi dạo nên thuê xe đạp.
Nội thành Tây
An về đêm đẹp huyền ảo trong ánh sáng lung linh của những chiếc đèn lồng
đỏ và ánh đèn từ các trung tâm thương mại lớn. Ban ngày, Tây An trông
cổ kính với vô số công trình kiến trúc cổ ẩn khuất sau làn sương mù.
Ngành
du lịch ở Tây An khá phát triển, điểm du lịch thu hút nhất chính là khu
lăng mộ Tần Thủy Hoàng ở cách thành phố 35km. Tương truyền, khu mộ này
do 700 ngàn người xây dựng trong 38 năm.
Lăng mộ có chu vi khoảng 2km và cao hơn 100m nhưng dưới tác động của thời gian, chiều cao chỉ còn đo được 47m. Trong khu lăng mộ, điểm thu hút du khách là đường hầm tượng đất nung Binh Mã Dũng, kỳ quan thứ 8 của thế giới, được khai quật vào năm 1974. Có thể nếu không có nơi này thì lượng khách đến Tây An sẽ giảm tới 50%.
Khu Binh Mã Dũng
Nhìn xuống khu đường hầm với 8.000 bức tượng binh sĩ cao to được làm bằng đất sét nung, mặc áo giáp chỉnh tề, vũ khí trong tay và hàng trăm cỗ xe ngựa xếp hàng thẳng tắp như đang chuẩn bị ra trận, người xem cứ ngỡ sắp xảy ra một trận chiến ác liệt.
Năm 1998, vợ chồng cựu Tổng thống Mỹ
Bill Clinton đến thăm khu đường hầm và bà Hillary đã phát hiện một chi
tiết thú vị, đó là những người dân bị vua Tần bắt đến đây xây mộ vì biết
sẽ không có ngày được trở về với gia đình nên đã vội khắc tên mình dưới
trang phục của các bức tượng.
Rời khu lăng mộ, chúng tôi đến
thăm cung điện Hoa Thanh Trì dưới chân núi Ly Sơn, nơi mở đầu một câu
chuyện tình nổi tiếng trong lịch sử TQ: chuyện tình của vua Đường Minh
Hoàng và Dương Quý Phi, một trong tứ đại mỹ nhân của TQ.
Thời tiết tháng Ba pha trộn giữa mùa Đông và mùa Xuân, lạnh 5oC nên du khách thích thú đùa nghịch trong dòng nước nóng tự nhiên 43oC.
Tây
An còn nổi tiếng vì có tháp Đại Nhạn 1.300 năm tuổi, nơi lưu giữ nhiều
sách Kinh Phật, Xá lợi Phật. Và Đường Tam Tạng sau 17 năm đi thỉnh kinh ở
Tây vực trở về đã sống ở đây đến cuối đời.
Lạc Dương - cái nôi của Phật giáo Trung Hoa
Cũng
là một trong bốn cố đô vĩ đại của Trung Hoa, Lạc Dương (thuộc tỉnh Hà
Nam) là cái nôi của Phật giáo TQ và có rất nhiều di tích, công trình mà
cả thế giới phải thán phục.
Bạch Mã Tự là ngôi chùa đầu tiên được
xây dựng tại TQ, theo kiến trúc nhà Hán và có 1.500 năm tuổi. Chùa giữ
vị trí quan trọng trong hệ thống Phật giáo Trung Hoa, có ba bức tượng
Phật quý giá từ thời nhà Nguyên cao 1,23m nhưng chỉ nặng có 7kg.
Chùa Bạch Mã
Trên đường đi, chúng tôi ghé thăm lăng mộ Quan Công ở thị trấn Quan Lâm. Tương truyền, xác Quan Công chỉ có đầu thật, còn thân là khúc gỗ trầm hương. Đây được xem là thánh địa hết sức thiêng liêng đối với người dân TQ.
Cách Lạc Dương 12km về phía Nam là động Long Môn, một trong ba địa điểm điêu khắc cổ đại nổi tiếng ở TQ và được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.
Nằm cạnh con sông Di, hang đá Long Môn trông thật hùng vĩ và cô tịch. Nơi đây có 110 ngàn bức tượng Phật to nhỏ khác nhau đặt trong 2.345 hang động.
Trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa,
nhiều bức tượng bị tàn phá, chỉ còn duy nhất một bức cao hơn 17m, mặt
Phật được tạc theo gương mặt của Võ Tắc Thiên là còn nguyên vẹn.
Điểm
nhấn trong hành trình đến Lạc Dương là Thiếu Lâm Tự trên núi Tung Sơn.
Ngôi chùa khá nhỏ chứ không “hoành tráng” như trong các bộ phim kiếm
hiệp, nhưng đây là niềm tự hào của người TQ và là trung tâm nghiên cứu
thiền và võ thuật lớn nhất của quốc gia này.
Môn võ Thiếu Lâm được xem là nguồn gốc của các phái võ TQ hiện nay. Đến đây, du khách sẽ được xem võ sinh luyện võ và biểu diễn tuyệt kỹ của chùa Thiếu Lâm.
Cách chùa không xa, khoảng 500m, có Rừng Tháp, một quần thể tháp lớn nhất TQ với hơn 250 tháp lớn nhỏ, nơi các vị cao tăng, phương trượng an tịch. Kiến trúc của các mộ tháp nơi đây mang đủ phong cách và dấu ấn của các thời đại.
Không chỉ nổi tiếng với bề dày lịch sử và tín ngưỡng,
Lạc Dương còn được xem là xứ sở của 250 loài hoa mẫu đơn. Nơi đây có
Trung tâm Nghiên cứu hoa mẫu đơn lớn nhất thế giới.
Trước khi
rời Lạc Dương chúng tôi được thết đãi một bữa thủy tiệc “hoành tráng”
liên quan đến lịch sử Võ Tắc Thiên, tại một nhà hàng hơn 100 năm tuổi.
Tượng Bồ Đề Đạt Ma tại Thiếu Lâm Tự
Người ta bảo, khi ăn thủy tiệc, mùi vị món ăn khiến bạn có cảm giác như đang trải qua một đời người có đủ ngọt, bùi, cay, đắng. Người lớn tuổi ăn thì nước mắt ứa ra, hồi tưởng về quá khứ; còn người trẻ ăn sẽ có nghị lực để phấn đấu.
Đến phủ Khai Phong... thăm Bao Công
Chúng tôi đến thành phố Khai Phong ở bờ Nam sông Hoàng Hà vào buổi sáng. Theo sử sách, Khai Phong đã từng bị 6 trận lũ lụt khiến người dân phải dời đi. Nhưng người Khai Phong yêu quê hương tha thiết nên sau đó lại trở về, cùng bắt tay xây dựng lại thành phố.
Chính quyền và người dân thành phố Khai Phong rất cầu thị và hiền lành. Thành phố cổ này nổi tiếng vì có vị quan Bao Thanh Thiên thanh liêm và chính trực.
Vì
yêu quý ông nên người dân Khai Phong đã dùng tên ông đặt cho tất cả mọi
thứ trong thành phố. Chúng tôi còn được ghé thăm Tháp Sắt và Công viên
Long Đình dù hai điểm này không phải là điểm chính trong chương trình
tham quan.
Điểm cuối của hành trình là thành phố Trịnh Châu, thủ
phủ sầm uất của tỉnh Hà Nam. Chúng tôi đã đi dạo thành phố về đêm và
thăm thú khu phố ẩm thực. Trời lạnh nên thành phố đi “ngủ sớm”, chưa đến
21g mà các cửa hiệu đều đóng cửa.
Chuyến famtrip đã khép lại
bằng cuộc du ngoạn trên hạ lưu sông Hoàng Hà. Hình ảnh dòng sông mênh
mông, mờ ảo trong mưa lạnh và sương mù đã tiễn chân đoàn chúng tôi.