25/10/2011 1:46 AM
Chợ Bến Thành là một trong những biểu tượng, hình ảnh độc đáo của thành phố Hồ Chí Minh. Ít ai biết rằng, chợ có một lịch sử khá thăng trầm với những biến cố của vùng đất Sài Gòn - Gia Định xưa.

Chợ xưa tọa lạc trên phần đất thuộc huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định. Vào khoảng đầu thế kỷ 17, khi người Việt đến lập cư ở vùng đất phương Nam thì Sài Gòn cũng trở thành nơi phố chợ đông đúc, náo nhiệt nhất Nam Kỳ. Và ở khu vực dọc bờ sông Bến Nghé, cạnh thành Gia Định (bấy giờ là thành Quy, còn gọi là thành Bát Quái) hình thành một khu chợ nhỏ rất sầm uất, xây bằng gạch, sườn gỗ, mái tranh… Nhiều học giả cho rằng, do nằm cạnh bến sông và thành cổ nên ngay từ đầu, chợ đã được gọi là Bến Thành.

Sử cũ mô tả về chợ như sau: "Phố chợ nhà cửa trù mật ở dọc theo bến sông. Chỗ đầu bến này có lệ đến đầu mùa xuân gặp ngày tế mạ, có thao diễn thủy binh, nơi bến có đò ngang chở khách buôn ngoài biển lên. Đầu phố phía Bắc là ngòi Sa Ngư, có gác cầu ván bắc ngang qua, hai bên nách cầu có dãy phố ngói, tụ tập trăm thứ hàng hóa, dọc bến sông ghe buôn lớn nhỏ đến đậu nối liền".

Chìm nổi chợ Bến Thành


Thời ấy, đất Gia Định là một vùng nông nghiệp trù phú nên chợ Bến Thành đầy hàng hóa như: gạo, cá khô, tôm khô, cau, đường... bán ra để mua tơ lụa, quả thô, nhang, quạt, trà, đồ sành sứ, thuốc uống, dược thảo... từ nước ngoài mang đến. Tuy nhiên, sau cuộc nổi loạn của Lê Văn Khôi (1833-1835), thành Quy bị triệt hạ, phố chợ Bến Thành cũng không còn sầm uất như trước.

Trước khi Pháp đánh chiếm Gia Định, khu vực xung quanh thành Gia Định (bấy giờ là thành Phụng) mới chỉ có 100 ngàn dân và chợ Bến Thành vẫn là nơi đông đúc nhất. Cạnh khu chợ, dọc theo bờ sông Bến Nghé, các ghe thương thuyền thường đậu chen chúc nhau, tạo thành một thành phố nổi trên mặt nước. Tuy nhiên, khi ấy khu họp chợ trên bến mới chỉ là một dãy nhà trống lợp ngói.

Tháng 2/1859, Pháp chiếm thành Gia Định và hai ngày sau, thành phố bị thiêu rụi và chợ Bến Thành cũng cùng chung số phận. Năm 1860, người Pháp cho cho xây cất lại chợ Bến Thành trên nền chợ cũ. Chợ được xây bằng cột gạch, sườn gỗ, và lợp lá. Tháng 7/1870, chợ bị cháy và được xây lại bằng cột gạch, sườn gỗ, lợp ngói, có 5 gian.

Lúc này, chợ nằm bên bờ phía Nam của một con kênh rộng chạy đến trước cửa tòa nhà nay là trụ sở của Ủy ban Nhân dân thành phố, được gọi là Kinh Lớn. Dọc bờ kênh là một con đường, người Pháp đặt tên là Charner, người Việt gọi là Quảng Đông, bởi có nhiều người Quảng Đông làm ăn buôn bán ờ đây. Bờ kênh bênh kia là đường Rigault de Genouilly.

Chợ Bến Thành nằm tại vị trí hợp lưu của hai tuyến đường thủy là Kinh Lớn và rạch Cầu Sấu (nay là đường Hàm Nghi), ghe thuyền có thể cập bến và đổ người lên chợ bất cứ ở phía bên này hay bên kia. Còn người bên đất liền muốn qua chợ thì có thể đi qua những chiếc cầu gỗ xinh xắn bắc qua các con kênh, do đó chợ Bến Thành luôn luôn nhộn nhịp. Đến năm 1887-1888, Pháp cho lấp Kinh Lớn làm đường, tức là đường Nguyễn Huệ ngày nay.

Chìm nổi chợ Bến Thành

Đến năm 1892, rạch Cầu Sấu cũng được lấp lại để làm được. Khu vực chợ Bến Thành càng trở nên đông đúc và phồn thịnh hơn. Tuy nhiên, khoảng giữa năm 1911, ngôi chợ trở nên cũ kỹ và lâm vào tình trạng có thể bị sụp đổ. Để tránh tai họa, người ta phải phá chợ, chỉ còn gian hàng thịt, vì mái tôn nhẹ, nên chưa bị phá. Đồng thời, người Pháp cũng lựa chọn một địa điểm để xây cất một khu chợ mới lớn hơn để phục vụ nhu cầu buôn bán sầm uất ngày càng phát triển. Địa điểm được lựa chọn nằm gần ga xe lửa Mỹ Tho (nay là Bến xe Sài Gòn), tức là địa điểm chợ Bến Thành ngày nay.

Địa điểm mà chợ Bến Thành ngày nay tọa lạc, trước kia là một cái ao, gọi là ao Borese. Năm 1912, Pháp lấp ao Boresse, xây chợ mới. Ngày 28/3/1914, khánh thành chợ mới. Chợ Bến Thành xưa trở thành chợ Cũ, còn Chợ Bến Thành mới được gọi là chợ Mới Sài Gòn. Ngày khánh thành chợ có khoảng 100.000 người tham dự, có cả dân từ các tỉnh đổ về. Cuộc lễ diễn ra trong ba ngày 28, 29 và 30 tháng 3 năm 1914 với pháo bông, xe hoa. Hai con đường bên hông chợ mãi đến năm 1940 còn là bến xe đò miền Đông và miền Tây.

Sau ngày giải phóng năm 1975, chợ Bến thành được sắp xếp và cải tạo lại. Năm 1985, chợ được sửa lại hoàn toàn nhưng vẫn giữ dáng vẻ chợ xưa. Cửa chính của chợ có một tháp đồng hồ 3 mặt. Hai bên tả hữu có 3 nóc nhà chợ lợp ngói. Chợ có 4 cửa: Đông, Tây, Nam, Bắc mở ra 4 đường Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Lê Lợi, Lê Thánh Tôn.

Chợ có hơn 3.000 sạp hàng, bán sỉ, bán lẻ đủ các loại hàng hóa, từ thực phẩm vật dụng hàng ngày đến những hàng xa xỉ phẩm… Các tiểu thương ở chợ Bến Thành ngày nay không còn mang hình ảnh những phụ nữ cần cù, lam lũ, chịu thương chịu khó như trước đây nữa mà đều là những nhà kinh doanh thực thụ. Họ trẻ trung, xinh đẹp, ăn mặc thời thượng và đặc biệt là nói ngoại ngữ rất lưu loát, từ Anh, Hoa, Nhật, Hàn, Pháp, Đức...

  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.