Ảnh minh hoạ.
Nền kinh tế đã phải đối mặt với nhiều thách thức đến từ cả bên trong lẫn bên ngoài trong nửa đầu năm 2023. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam giảm tốc rõ nét trong nửa đầu năm do sự sụt giảm trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu, lãi suất cho vay ở mức cao, sự suy giảm niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường trái phiếu và thị trường bất động sản đóng băng.
Theo Tổng cục Thống kê (TCTK), tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 4,1% so với cùng kỳ (svck) trong quý 2/2023 (so với 7,8% scvk trong quý 2/2022). Về ba trụ cột của nền kinh tế, lĩnh vực công nghệp và xây dựng tăng 2,5% svck, trong khi dịch vụ và nông nghiệp tăng lần lượt 6,1% và 3,2%.
Trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế đạt 3,7% svck, mức thấp thứ hai trong giai đoạn 2021-2023. Trong đó, lĩnh vực dịch vụ tăng 6,3% svck, theo sau là nông – lâm – thủy sản (+3,1% svck), công nghiệp và xây dựng (1,1% svck).
Lĩnh vực dịch vụ là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2023. Theo TCTK, lĩnh vực dịch vụ tăng trưởng 6,3% svck trong 6T23 (so với +6,6% svck trong 6 tháng đầu năm 2022). Mức tăng trưởng khá của ngành dịch vụ trong 6 tháng đầu năm 2023 được đóng góp bởi (1) lượng khách quốc tế phục hồi mạnh và (2) tiêu dùng trong nước ổn định.
Việt Nam đã đón 5,6 triệu lượt khách quốc tế trong nửa đầu năm, gấp 9,3 lần cùng kỳ năm trước nhưng vẫn chỉ bằng khoảng 80% so với cùng kỳ năm 2019 (mức trước đại dịch).
Lượng khách quốc tế trong 6 tháng đầu năm 2023 cao gấp 1,5 lần tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong cả năm 2022, và vượt 2/3 kế hoạch Chính phủ đề ra cho năm 2023. Trong khi đó, tổng lượng khách nội địa đạt 64 triệu trong 6 tháng đầu năm 2023 (+5,8% svck). Tổng doanh thu từ khách du lịch đạt 343,1 nghìn tỷ trong 6 tháng đầu năm 2023 (+29% svck).
Trong nửa đầu năm 2023, Chính phủ đã ban hành nhiều biện pháp hỗ trợ nhằm “tháo gỡ các nút thắt hiện nay” của nền kinh tế. Đầu tiên, Chính phủ ban hành Nghị định 08 cho phép doanh nghiệp thỏa thuận với trái chủ về việc gia hạn thời hạn trái phiếu và thực hiện các giải pháp khác nhằm khôi phục niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã 4 lần liên tiếp cắt giảm lãi suất điều hành và ban hành Thông tư 02, 03 hướng dẫn cơ cấu lại nợ, khơi thông tín dụng cho nền kinh tế.
Thứ ba, Chính phủ đã quyết liệt triển khai các giải pháp tài khóa, bao gồm thúc đẩy đầu tư công, hoãn, miễn giảm thuế phí để hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Cuối cùng, Chính phủ đang tìm kiếm các giải pháp để gỡ nút thắt pháp lý cho các dự án bất động sản ở các tỉnh phía Nam và ban hành Quyết định số 338/QĐ-TTg về đề án phát triển 1 triệu lô nhà ở xã hội.
VnDirect kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi rõ rệt hơn trong nửa cuối năm 2023 với dự báo tăng trưởng của 6 tháng cuối năm nay đạt 7,1% svck, qua đó nâng mức tăng trưởng GDP cả năm 2023 lên 5,5% svck. Đà phục hồi trong nửa cuối năm nay được thúc đẩy chủ yếu bởi chính sách tài khóa mở rộng và môi trường lãi suất thấp hơn.
Công ty chứng khoán dự báo lãi suất huy động và cho vay sẽ duy trì xu hướng giảm trong nửa cuối năm 2023. Cụ thể, lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng sẽ giảm xuống 6,0-6,5%/năm vào cuối năm 2023, do: (1) nhu cầu tín dụng suy yếu do suy thoái kinh tế và thị trường bất động sản ảm đạm, (2) Chính phủ sẽ còn tiếp tục thúc đẩy đầu tư công, từ đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế và (3) NHNN vẫn còn dư địa để giảm lãi suất điều hành. Lãi suất cho vay có thể giảm rõ rệt trong nửa cuối năm 2023 do chi phí vốn của các NHTM đang giảm nhờ: (1) tác động từ việc NHNN cắt giảm lãi suất điều hành trong 6 tháng đầu năm 2023 và (2) NHNN ban hành Thông tư 02 cho phép giãn trích lập dự phòng nợ xấu…
“Với kỳ vọng lãi suất huy động duy trì xu hướng giảm trong những tháng tới và lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết phục hồi từ quý 3/2023 trở đi, thị trường chứng khoán Việt Nam xứng đáng được trả mức định giá cao hơn”, theo VnDirect.
Do đó, VnDirect đánh giá đây là thời điểm “thích hợp” đề nhà đầu tư quay trở lại thị trường và xây dựng danh mục đầu tư để đón đầu cho một chu kỳ tăng trưởng mới.
-
Tăng trưởng GDP 6 tháng chỉ đạt 3,72%
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung 6 tháng đầu năm, GDP tăng 3,72%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% của 6 tháng đầu năm 2020 trong giai đoạn 2011-2023 .