Nhiều chuyên gia kinh tế vẫn cho rằng hiện nợ xấu vẫn là một trong những rủi ro lớn nhất của nền kinh tế. Trong khi đó công cụ xử lý nợ xấu được kỳ vọng nhiều là VAMC thực sự chưa phát huy hiệu quả do cơ chế, pháp lý và nhân lực, trình độ quản lý chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhiều quan điểm cho rằng để xử lý nợ xấu của Việt Nam cần một cuộc cách mạng thực sự ở VAMC và trong cơ chế chính sách.
Đánh giá về việc xử lý nợ xấu của VAMC sau gần 3 năm hoạt động, một chuyên gia trong ngành tài chính cho rằng VAMC mới chỉ đóng vai trò là một kho chứa nợ xấu. Trong khi đó việc tiêu thụ “hàng tồn kho” lại diễn ra rất chậm chạp và không như kỳ vọng. Điều này đồng nghĩa với việc xử lý nợ xấu của hệ thống tài chính gần như chưa thực hiện được. Thực tế số liệu thống kê cho thấy tổng số nợ xấu VAMC xử lý được chiếm chưa đến 10% tổng số nợ xấu đã mua. Như vậy, nếu tốc độ xử lý nợ xấu không được cải thiện thì việc xử lý số nợ xấu hiện tại cũng có thể kéo dài hàng chục năm nữa. Đây là một khoảng thời gian quá dài và chắc chắn nợ xấu sẽ ảnh hưởng lớn đến sự tăng trưởng của nền kinh tế trong tương lai.
Nhận ra được những “lỗ hổng” này, trung tuần tháng 4 vừa qua NHNN ban hành Quyết định 618/QĐ-NHNN về việc xây dựng phương án mua và xử lý nợ xấu theo giá thị trường của VAMC (Quyết định 618). Theo đó, điểm mới ở đây là việc VAMC nay được phối hợp với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để mua nợ xấu. Ngoài nguồn vốn điều lệ, Quyết định 618 cho phép VAMC được phát hành trái phiếu riêng lẻ cho TCTD và mua bán nợ theo giá thị trường. Ngoài ra, VAMC còn được phép hợp tác với các tổ chức tài chính quốc tế theo nguyên tắc chia sẻ lợi ích và rủi ro. VAMC cũng được phép tiếp nhận các nguồn vốn ủy thác của các nhà đầu tư để mua nợ theo giá thị trường. Đặc biệt, VAMC cũng được NHNN giao nhiệm vụ xây dựng và trình NHNN đề án thành lập thị trường mua bán nợ tập trung. Mục tiêu của việc hình thành thị trường là thu hút nhiều tổ chức, cá nhân tham gia vào việc mua bán nợ từ đó giúp các khoản nợ xấu đến được tay người có khả năng xử lý tốt nhất.
Thực tế chủ trương mua bán nợ theo giá thị trường đã được quy định từ thời điểm VAMC thành lập Quyết định 618 chỉ cụ thể hóa một số vấn đề. Nhiều người kỳ vọng VAMC sẽ có một bước đột phá để việc xử lý nợ xấu thực chất hơn. Tuy nhiên, không ít chuyên gia vẫn cho rằng từ Quyết định 618 đến xử lý nợ xấu thực sự vẫn còn một khoảng cách quá lớn từ năng lực của VAMC cho đến nhưng vấn đề mang tầm vĩ mô hơn như cơ chế chính sách nhà nước và mức độ phát triển của thị trường tài chính.
Về phía VAMC hiện có quá ít người, tổng số cán bộ của công ty là gần 150 người. Đây là một quy mô quá nhỏ so với tổng số khoản nợ đã mua về là hơn 24.500 khoản nợ, tương ứng với 16.000 khách hàng và hơn 200.0000 tỷ đồng nợ xấu “tồn kho”. Trong khi đó, việc xử lý nợ là một công việc vô cùng phức tạp đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức. Thực tế thời gian qua VAMC cũng thực hiện nhiều nỗ lực như việc đã khởi kiện hàng trăm khoản nợ để thu tài sản và từ tài sản. Hiện trên website của VAMC hiện nay mới rao bán khoản hơn 50 tài sản là bất động sản và tài sản trên đất. Tuy nhiên, phần lớn đây là những tài sản rất nhỏ so với quy mô nợ xấu VAMC đã mua. Do đó với nguồn nhân lực, bộ máy hiện tại nếu không có một bước đột phá thì rất khó kỳ vọng VAMC sẽ đẩy nhanh được xử lý nợ xấu trong thời gian tới.
Một trong những cơ chế xử lý nợ xấu khi thành lập thị trường mua bán nợ là VAMC có thể bán nợ xấu cho bên thứ 3. Bên thứ ba này có thể là một cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước mua khoản nợ xấu của VAMC để xử lý. Như vậy nợ xấu có thể được xử lý nhanh hơn, hiệu quả hơn khi phát huy được các nguồn lực tài chính, nhân lực… từ bên ngoài chứ không còn gói gọn trong phạm vi các nguồn lực của VAMC. Tuy nhiên, cơ chế này hiện nay vẫn còn vướng mắc ở cả phía người bán lẫn người mua.
Về phía người bán dù VAMC về danh nghĩa đang sở hữu khoản nợ xấu đó nhưng theo quy định họ vẫn phải “bàn bạc” với chủ nợ thực sự là ngân hàng khi bán nợ. VAMC mới chỉ đóng vai trò là nơi “ký gửi” những khoản nợ được mua với trái phiếu đặc biệt. Do vậy, quyền xử lý nợ xấu thực sự thuộc về phía TCTD. Trong khi đó, nếu bán nợ xấu thấp hơn giá trị sổ sách (sau khi trích lập dự phòng) thì phần lớn TCTD sẽ bị hiện thực hóa các khoản lỗ. Điều này đồng nghĩa với việc lãnh đạo những TCTD này sợ bị trách nhiệm, vướng vào vòng lao lý khi các quyết định của mình gây ra thiệt hại.
Về phía người mua hiện cũng thiếu cơ chế để người mua nợ thực hiện các quyền của mình. Hiện cũng chưa có cơ chế rõ ràng cho các tổ chức phi tín dụng, nhà đầu tư nước ngoài mua nợ. Đặc biệt chưa hình thành tổ chức chuyên nghiệp về định giá nợ, những nhà tư vấn độc lập đủ uy tín để các khoản nợ được định giá chính xác nhất và phương án xử lý được thực hiện một cách hiệu quả. Đặc biệt, việc xử lý nợ cũng sẽ diễn ra rất khó khăn khi mà hệ thống pháp lý còn chồng chéo, quyền sở hữu không rõ ràng và hệ thống tòa án cũng chưa thực sự hiệu quả.
Với việc ra đời của Quyết định 618 NHNN muốn tạo ra một bước đột phá trong xử lý nợ xấu. Tuy nhiên để thực hiện được nó rõ ràng sẽ rất gian nan. Muốn xử lý nợ xấu cần một cuộc “cách mạng” thực sự trong xử lý nợ xấu như cần cơ chế chính sách mới thậm chí Quốc hội cần ban hành đạo luật mới và thành lập các ủy ban chuyên trách về xử lý nợ. VAMC cũng phải thực hiện một cuộc “cách mạng” thực sự về nguồn lực tài chính, con người và cả cơ chế và kể cả quyền lực chính trị để thực hiện việc xử lý nợ xấu một cách thực chất.