Lĩnh vực nhà ở xã hội sẽ được tiếp sức từ nguồn vốn ODA - Ảnh: Lê Toàn
Bất động sản là kênh đầu tư hấp dẫn
Theo ông Quang, trong 6 tháng đầu năm, thị trường bất động sản tiếp tục sôi động, niềm tin của người mua nhà vào thị trường đã dần được khôi phục.
“Các kênh đầu tư khác như chứng khoán, tiết kiệm, mua bán vàng… đang dần kém hấp dẫn, khiến nhiều nhà đầu tư quay trở lại thị trường bất động sản”, ông Quang nói và cho biết, giao dịch sôi động tại nhiều phân khúc.
Cụ thể, tại Hà Nội, 6 tháng đầu năm, có khoảng 9.250 giao dịch thành công, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong tháng 6 có khoảng 1.750 giao dịch thành công, tăng 6% so với tháng trước từ đầu năm đến nay.
Tại TP. HCM có khoảng 8.750 giao dịch thành công, gấp hơn 2 lần cùng kỳ năm ngoái; lượng giao dịch chủ yếu từ các căn hộ 70 - 90 m2, các nền đất và nhà riêng lẻ có vị trí tốt, đi lại thuận tiện, giá cả hợp lý. Riêng tháng 6 có khoảng 1.700 giao dịch thành công, tăng khoảng 6% so với tháng trước.
Đặc biệt, kiều hối chảy vào bất động sản tăng mạnh. Theo ông Quang, lượng kiều hối chuyển về qua các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP. HCM trong 5 tháng đầu năm khoảng 1,7 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. 71,8% lượng kiều hối chảy vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái; vào bất động sản 21,8%, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái…
Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong 6 tháng đầu năm, bất động sản đã thu hút hơn 465 triệu USD, chiếm 8,5% tổng thu hút vốn FDI, đứng thứ 2 trong số 16 ngành, lĩnh vực nhận vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với 11 dự án đăng ký mới và 7 lượt dự án tăng vốn.
Nhìn quãng thời gian 2 thập kỷ qua, giá bất động sản tăng đáng kể. Theo Savills Việt Nam, tại Hà Nội, giá trung bình của căn hộ năm 1995 chỉ khoảng 200 USD/m2, nhưng đến nay mức giá này đã tăng gấp 6 lần, đạt mức khoảng 1.200 USD/m2. Tại TP. HCM, vào năm 1995, giá căn hộ khoảng 600 USD/m2, tăng lên cao nhất trên 1.600 USD USD/m2 vào năm 2008 và giảm còn khoảng 1.000 USD/m2 ở thời điểm hiện nay...
Ông Quang cho biết, tính đến ngày 20/6/2015, tổng giá trị tồn kho bất động sản trên cả nước còn khoảng 65.273 tỷ đồng (giảm 2.170 tỷ đồng so với thời điểm 20/5/2015). Trong đó, tồn kho căn hộ chung cư 12.482 căn (tương đương 19.162 tỷ đồng); tồn kho nhà thấp tầng 8.981 căn (tương đương 15.932 tỷ đồng); tồn kho đất nền nhà ở 7.921.047 m2 (tương đương 25.634 tỷ đồng); tồn kho đất nền thương mại 1.637.782 m2 (tương đương 4.545 tỷ đồng). Hà Nội và TP. HCM là hai địa phương có tỷ lệ tồn kho bất động sản giảm nhanh: Hà Nội còn khoảng 8.423 tỷ đồng; TP. HCM còn khoảng 12.580 tỷ đồng.
Kỳ vọng chính sách mới
Trong thời gian tới, dù nền kinh tế vẫn chứa đựng nhiều yếu tố bất lợi, như kinh tế thế giới được dự báo tăng trưởng thấp hơn và giá hàng hóa thế giới có xu hướng giảm, có thể ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu. Lãi suất đang chịu sức ép tăng trong những tháng cuối năm do kinh tế tiếp tục phục hồi, cũng như việc gia tăng phát hành trái phiếu chính phủ trong nửa cuối năm để bù đắp thâm hụt ngân sách. Tuy nhiên, ông Quang tỏ ra khá tin tưởng vào sự hỗ trợ của kinh tế vĩ mô với thị trường địa ốc.
“Dự báo cả năm 2015, kinh tế trong nước tiếp tục xu thế ổn định; lạm phát được duy trì ở mức thấp; tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm 2015 có thể ở mức 6,3% và cả năm 2015 có khả năng ở mức 6,5%. …”, ông Quang nhận định và cho rằng, thị trường bất động sản kỳ vọng sẽ tiếp tục sôi động với Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ 1/7/2015 cùng hàng loạt các dự án cơ sở hạ tầng được khởi công hoặc hoàn thiện, dẫn đường cho sự khởi sắc của các dự án bất động sản.
Một trong những yếu tố hỗ trợ tâm lý rất lớn, giúp người mua nhà yên tâm hơn là quy định mới về bảo lãnh trong bán, cho thuê, mua nhà ở tương lai. Để bảo vệ quyền lợi của người mua nhà, Luật Kinh doanh bất động sản quy định, chủ đầu tư chỉ được bán, cho thuê, mua nhà ở hình thành trong tương lai khi có bảo lãnh của ngân hàng thương mại.
Khi phát hành bảo lãnh cho chủ đầu tư, ngân hàng thương mại phải có trách nhiệm hoàn trả ứng trước và các khoản tiền khác cho khách hàng nếu chủ đầu tư không thực hiện giao nhà theo tiến độ đã cam kết.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đã ký ban hành Thông tư số 07/2015/TT-NHNN quy định về bảo lãnh ngân hàng của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trong đó, có quy định về bảo lãnh trong bán, cho thuê, mua nhà ở hình thành trong tương lai.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng vừa đề xuất Chính phủ xem xét, cho phép lĩnh vực nhà ở xã hội nói chung và dự án “Xây dựng mô hình đầu tư thí điểm nhà ở xã hội tại một số địa phương trọng điểm ở Việt Nam” được sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vay ưu đãi.
Mục tiêu chung của dự án là hỗ trợ xây dựng chương trình phát triển nhà ở xã hội; đẩy mạnh đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đảm bảo đáp ứng nhu cầu nhà ở cho các đối tượng có thu nhập thấp tại khu vực đô thị từ nay đến năm 2020. Đây sẽ là một cú huých nữa với việc phát triển các dự án nhà ở thu nhập thấp nói riêng và toàn thị trường bất động sản sắp tới.