15/05/2014 9:50 AM
CafeLand - Thống kê sơ bộ kết quả kinh doanh của 40 doanh nghiệp bất động sản đang niêm yết cho thấy hầu hết doanh nghiệp gặp khó khăn. Doanh thu và lợi nhuận đều sụt giảm mạnh so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Như vậy, dù thị trường bất động sản có dấu hiệu ấm dần nhưng phần lớn doanh nghiệp trong ngành này vẫn đang phải vật lộn với khó khăn.

Hình minh họa

Trong 40 doanh nghiệp bất động sản đã công bố báo cáo tài chính quý 1/2014, Công ty CP Long Hậu (LHG) đứng vị trí quán quân về thua lỗ. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế âm 31,84 tỷ đồng. Nguyên nhân dẫn đến LHG thua lỗ chủ yếu do mất khoảng 33 tỷ đồng từ thanh lý các khoản đầu tư tài chính dài hạn. Bên cạnh doanh thu của “đại gia” trong ngành bất động sản công nghiệp này cũng sụt giảm mạnh.

Ngoài Long Hậu còn một loạt doanh nghiệp bất động sản cũng thua lỗ trong quý 1 như Địa ốc Khang An (KAC), Đầu tư Tài chính Quốc tế và Phát triển doanh nghiệp IDJ (IDJ), Đầu tư & PT Du lịch Vinaconex (VCR), Kinh Doanh DV Cao Cấp Dầu Khí Việt Nam (PVR) cũng bị thua lỗ.

Không bị thua lỗ nhưng rất nhiều doanh nghiệp bất động sản chỉ có lợi nhuận ở mức tượng trưng. Chẳng hạn, Địa ốc Hoàng Quân (HQC) dù có vốn chủ sở hữu gần 1.000 tỷ đồng và tổng tài sản hơn 3.000 tỷ đồng như lợi nhuận quý 1 chỉ có hơn 1 tỷ đồng. Đầu Tư & KD Nhà Intresco (ITC) với số vốn chủ sở hữu lên tới 1.472 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận quý 1 chỉ có 0,55 tỷ đồng. Trước đó, năm 2013, doanh nghiệp này thua lỗ tới gần 300 tỷ đồng. Với số vốn chủ sở hữu tương tự, Phát triển Nhà Thủ Đức (TDH) cũng chỉ có lợi nhuân chưa tới 10 tỷ đồng, Bất động sản Phát Đạt (PDR) chỉ có 0,24 tỷ đồng. Đây là những khoản lợi nhuận mang tính chất tượng trưng. Phần lớn vốn của các doanh nghiệp này đều chôn vùi trong các dự án bất động sản, hàng tồn kho. Tương tự như vậy, Sacomreal (SCR), Tập đoàn Hà Đô (HDG), Nhà Bà Rịa-Vũng Tàu (HDC) đều có mức lợi nhuận rất thấp và giảm mạnh so với quý trước.

Phần lớn các doanh nghiệp bất động sản hiện nay vẫn sử dụng một tỷ lệ đòn bẩy tài chính rất cao. Tuy nhiên, phần lớn lãi vay đầu tư vào các dự án đang được vốn hóa vào tài sản. Nếu đưa khoản mục này vào chi phí thì phần lớn các doanh nghiệp sẽ bị thua lỗ lớn. Chẳng hạn, PDR có nợ vay lên đến gần 3.000 tỷ đồng, nhưng chi phí lãi vay trong quý 1 trên bảng kết quả kinh doanh chỉ có 375 triệu đồng. Có khoảng gần 100 tỷ đồng lãi vay mỗi quý được vốn hóa vào tài sản của Công ty.

Một vài nét phác họa kết quả kinh doanh và tình trạng tài chính cho thấy doanh nghiệp bất động sản vẫn đang hết sức khó khăn. Lợi nhuận phần lớn đại gia bất động sản trong quý 1 chỉ ở mức tượng trưng. Không chỉ có vậy nếu không dùng “thủ thuật” vốn hóa lãi vay thì phần lớn doanh nghiệp bất động sản sẽ thua lỗ. Một vài điểm sáng trên thị trường bất động sản đã không đủ ánh sáng để làm cho doanh nghiệp bớt u ám. Nhiều khó khăn của doanh nghiệp bất động sản vẫn đang chờ phía trước.

Hoàng Nam
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.