15/11/2013 10:29 AM
CafeLand - Dù không thua lỗ nhưng tiền mặt cạn kiệt, hàng tồn kho lớn gấp đôi vốn chủ sở hữu và chiếm đến 65,72% tổng tài sản cho thấy sức khỏe tài chính của Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (QCG) đang có vấn đề. Với tình trạng này QCG đã biến các chủ nợ thành “con tin” của mình.

Không chỉ có kết quả kinh doanh tồi tệ mà sức khỏe tài chính của QCG khá yếu ớt. Ảnh minh họa: Internet

Cạn kiệt tiền mặt, hàng tồn kho lớn

Báo cáo tài chính hợp nhất của QCG cho thấy trong quý 3 doanh thu chỉ đạt 37 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ở mức tượng trưng là 361 triệu đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận này có được đến từ lợi nhuận khác. Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của QCG âm 2,56 tỷ đồng.

Doanh thu trong 9 tháng đầu năm của QCG mới chỉ đạt 268 tỷ đồng, bằng 23% kế hoạch của năm. Trong khi đó lợi nhuận trước thuế âm 1,87 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế vẫn đạt 5,36 tỷ đồng nhờ thuế thu nhập hoãn lại.

Những con số trên cho thấy doanh nghiệp này có kết quả kinh doanh không mấy sáng sủa. Lợi nhuận chỉ ở mức tượng trưng và cũng không phải đến từ hoạt động kinh doanh chính. Nguyên nhân ngoài doanh thu chỉ ở mức rất thấp còn do QCG phải chịu một gánh nặng tài chính rất lớn. Chi phí lãi vay trong 9 tháng của QCG lên tới 59,19 tỷ đồng, cao hơn khá nhiều so với mức 44,71 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, bất chấp việc lãi suất thị trường giảm mạnh chi phí tài chính của QCG lại đang ở mức rất cao. Tuy nhiên, lưu ý đây không phải là toàn bộ lãi vay mà QCG phải trả. Một phần khá lớn chi phí lãi vay của QCG đã được vốn hóa vào hàng tồn kho.

Không chỉ có kết quả kinh doanh tồi tệ mà sức khỏe tài chính của QCG khá yếu ớt. Trên bảng cân đối kế toàn hợp nhất, lượng tiền và tương đương tiền của QCG chỉ còn 1,75 tỷ đồng, giảm rất mạnh so với mức 48,17 tỷ đồng hồi đâu năm. Lượng tiền mặt này chiếm một tỷ lệ rất nhỏ so với tài sản và nhu cầu chi tiêu thường xuyên của doanh nghiệp này.

Điểm đáng lưu ý nữa là hàng tồn kho của QCG tiếp tục tăng. Cụ thể, hàng tồn kho vào ngày 30/09 lên tới 4.410 tỷ đồng, chiếm 65,72% tổng tài sản và gần gấp đôi so với vốn chủ sở hữu. Hàng tồn kho của QCG đã tăng hơn 10% so với đầu năm. Trong đó, tồn kho từ dự án Khu dân cư Phước Kiểng với giá trị lên tới 2.531 tỷ đồng, còn lại là các dự án Chung cư Giai Việt 749 tỷ đồng, Chung cư QCGL II 401 tỷ đồng. Giá trị đầu tư vào các dự án này tiếp tục tăng khá mạnh trong 9 tháng vừa qua.

Biến ngân hàng thành con tin?

Vấn đề khiến không ít người băn khoăn là QCG đang nợ ai? Câu trả lời đã có trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp này. Cụ thể tổng số nợ của QCG lên tới 4.228 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn là 2.695 tỷ đồng, gồm 204 tỷ đồng nợ vay, 688 tỷ đồng người mua trả tiền trước, 755 tỷ đồng doanh thu chưa thực hiện.

Đáng lưu ý là có khoản nợ là 35 tỷ đồng từ ngân hàng Việt Nga và 15 tỷ đồng từ ngân hàng Công thương Việt Nam đã quá hạn thanh toán nhưng vẫn chưa tất toán. Theo giải thích của QCG thì công ty đang thương thảo với các ngân hàng để gia hạn các khoản nợ này. Điểm đáng lưu ý là QCG còn có 156 tỷ đồng trái phiếu sắp đáo hạn. Chắc chắn với tiềm lực tài chính hiện tại thì QCG không thể tự trả nợ cho các khoản này.

QCG vay dài hạn lên tới 1.511 tỷ đồng. Trong đó khoản vay lớn nhất là 1.358 tỷ đồng từ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Khoản vay này nhằm mục đích đầu tư cơ sở hạ tầng cho Khu dân cư Phước Kiểng. Khoản thế chấp cho khoản vay này là toàn bộ dự án Phước Kiểng và cổ phiếu của Bà chủ tịch – Nguyễn Thị Như Loan. Điều này đồng nghĩa với việc những người mua nhà tại dự án Phước Kiểng khó có được sổ đỏ ngay do dự án này đang bị thế chấp.

Điểm đáng lưu ý là khoản vay hơn 1.358 tỷ đồng từ BIDV sẽ đáo hạn trong khoảng thời gian từ 30/06/2014 đến 30/06/2015. Với tình hình tài chính hiện nay và sự khó khăn của thị trường bất động sản thì QCG chắc chắn sẽ không trả được nợ cho BIDV đúng thời hạn. Như vậy, giải pháp duy nhất cho bài toán nợ nần là QCG phải chuyển nhượng dự án Phước Kiểng hoặc phải tái cấu trúc nợ.

Đối với BIDV thì họ cũng đã trở thành “con tin” của QCG. Chắc chắn ngân hàng này sẽ phải tiếp tục rót vốn cho QCG để hoàn thiện dự án. Tuy nhiên, việc thu hồi đúng thời hạn cũng hết sức mong manh. Dù sao BIDV cũng không còn lựa chọn nào khác. Trường hợp QCG không phải là trường hợp cá biệt. Hiện nay, nhiều ngân hàng rơi vào thế bí khi trót cho các doanh nghiệp bất động sản vay tiền làm dự án. Biết là việc thu hồi vốn rất khó khăn nhưng không thể không bỏ thêm tiền cho doanh nghiệp vay và buộc phải tham gia “trò chơi mạo hiểm”.

Hoàng Nam
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.