08/02/2013 8:09 AM
CafeLand - Năm 2012 đã khép lại với rất nhiều khó khăn của nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng. Sự phục hồi của nền kinh tế và thị trường bất động sản phụ thuộc rất nhiều vào các quyết sách của Chính phủ. Nhìn lại một số chính sách trong năm 2012 sẽ cho chúng ta hình dung lại phần nào các vấn đề chính sách trong năm 2013.

1.Nghị quyết 13 gỡ khó cho nền kinh tế

Ngày 01/05/2012 Chính phủ đã ban thành Nghị quyết 13 đưa ra một số giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế. Nghị quyết 13 đã được đưa ra những giải pháp trái ngược với những giải pháp siết chặt trong Nghị quyết 11 được ban hành đầu năm 2011.

Nghị quyết 13 năm 2012 gồm 6 giải pháp chính sau:

  1. Gia hạn 6 tháng thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng
  2. Gia hạn 9 tháng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp
  3. Giảm 50% tiền thuê đất phải nộp năm 2012 đối với một số tổ chức kinh tế
  4. Báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định giảm, miễn một số loại thuế
  5. Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vay được vốn
  6. Đẩy nhanh việc thực hiện, giải ngân vốn đầu tư cho những dự án cấp thiết hoặc những dự án sắp hoàn thành.

Nghị quyết 13 đã góp phần giải tỏa phần nào khó khăn cho doanh nghiệp. Ngoài ra, Nghị quyết 13 như là một thông điệp về mặt chính sách là Chính phủ đã không còn thực hiện các chính sách thắt chặt như trước. Nó có tác dụng như việc gỡ bỏ các quy định khắt khe được quy định tại Nghị quyết 11 được ban hành trong năm 2011. Tuy nhiên, dường như nó vẫn chưa đủ liều. Số doanh nghiệp thua lỗ, gặp khó khăn vẫn tăng mạnh và nền kinh tế vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

2.Chính sách cứu bất động sản và Nghị quyết 01, 02

Sau một khoảng thời gian hạn chế tín dụng đối với bất động sản, mới đây Chính phủ lại nới lỏng, không những vậy còn đề xuất nhiều giải pháp để vực dậy bất động sản. Các giải pháp cứu bất động sản có thể chia thành 2 nhóm chính là nhóm tài khóa và tiền tệ.

Đối với nhóm tài khóa, Bộ Xây dựng đề nghị Chính phủ sử dụng ngân sách đề mua nhà thương mại làm nhà tái định cư hoặc nhà công vụ; Bộ Tài chính đề xuất một loạt giải pháp như miễn, giảm, giãn thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp và phí sử dụng đất…

Đối với Chính sách tài chính thì NHNN nhà nước cho biết có thể tung ra 100.000 đến 150.000 tỷ đồng để xử lý nợ xấu. Bên cạnh đó, NHNN còn cho biết sẽ dùng 20.000 đến 40.000 tỷ đồng với lãi suất hợp lý để hỗ trợ cho người mua nhà. Thực tế, mới đây BIDV vừa cho biết sẽ dùng 30.000 tỷ đồng, với lãi suất ưu đãi để cho vay đầu tư bất động sản. Theo đề nghị của lãnh đạo ngân hàng này thì để có lãi suất nay thì NHNN nên tái cấp vốn dài hạn cho BIDV với lãi suất 4 đến 4,5%.

Những chính sách này đã được thể hiện một phần trong Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ được ban hành ngày 07/01/2013. Tuy nhiên, cho đến nay các chính sách này vẫn chưa được thực hiện hoàn toàn.

Dù vậy, rất nhiều người kỳ vọng Chính phủ sẽ thực hiện các giải pháp đó và bất động sản sẽ được cứu, đồng thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và hệ thống ngân hàng. Bên cạnh đó, bất động sản khởi sắc sẽ làm giảm bớt hàng tồn kho trong các lĩnh vực xây dựng, tạo công ăn việc làm cho lao động. Bên cạnh sự hào hứng của nhiều người thì không ít chuyên gia kinh tế lại bày tỏ sự quan ngại trước những giải pháp cứu thị trường bất động sản của Chính phủ khi chưa có cơ sở rõ ràng.

3.Chính sách quản lý vàng không mang lại hiệu quả như kỳ vọng

Một trong những chính sách gây tranh cải trong suốt năm qua là Chính sách quản lý thị trường vàng của NHNN. Đúng như những cảnh báo trước đó của các chuyên gia, Nghị định 24 đã làm cho giá vàng trong nước càng cách biệt so với giá vàng thế giới. Giá vàng các thương hiệu phi SJC bị bán thấp hơn rất nhiều so với vàng thương hiệu SJC.

NHNN cho rằng việc kiểm soát thị trường vàng là cần thiết để chống vàng hóa và tăng hiệu quả của Chính sách tiền tệ. Ngoài ra, NHNN cho rằng không cần nhập khẩu vàng để “tiết kiệm ngoại tệ quý giá của đất nước”.

Bên cạnh đó, theo Quyết định 1623/QĐ-NHNN ngày 23/8/2012 thì hiện tại thương hiệu SJC là thương hiệu vàng độc quyền của nhà nước. Công ty SJC chỉ gia công vàng theo chỉ định của NHNN.

Triển khai Nghị định 24, tính đến đầu năm 2013, NHNN cũng đã cấp phép cho 22 tổ chức tín dụng và 16 doanh nghiệp được phép kinh doanh vàng miếng. Hàng chục nghìn tiệm kinh doanh vàng trang sức sẽ không được mua bán vàng miếng từ ngày 10/01/2013.

Một chính sách quan trọng khác liên quan đến thị trường vàng là NHNN đã chốt lại thời điểm dừng huy động vàng là ngày 30/06/2013, sau 3 lần dời thời hạn. Điều này có nghĩa là sau ngày đó các tổ chức tín dụng sẽ không được huy động và cho vay vàng.

Như vậy, sẽ có khoảng hơn 200.000 tỷ đồng tiền gửi dưới dạng vàng trong nền kinh tế sẽ không còn. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, thực tế thì các ngân hàng cũng dễ dàng lách quy định này. Mới đây Chính phủ còn đưa ra dự thảo NHNN sẽ mua bán vàng trên thị trường để bình ổn giá cho thị trường này.

Cho đến nay các chính sách quản lý thị trường vàng không đạt như kỳ vọng. Giá vàng miếng trong nước vẫn đang cao hơn rất nhiều so với giá vàng thế giới khiến người dân chịu thiệt hại. Việc đầu cơ vàng lắng dịu không phải do các chính sách quản lý thị trường mà phần lớn bởi sự suy yếu chung của nền kinh tế và sự ổn định của tỷ giá.

4.Ỳ ạch đề án tái cấu trúc kinh tế

Một trong những chính sách được quan tâm nhiều nhất là Chính phủ thực hiện đề án tái cấu trúc nền kinh tế. Tuy nhiên, cho đến nay đề án này vẫn dậm chân tại chổ sau hơn 4 năm được khởi động. Đề án tái cấu trúc nền kinh tế được Chính phủ trình Quốc hội vào tháng 5/2012 bị “phê” là quá sơ sài và không đi vào các vấn đề căn cơ của nền kinh tế.

Tái cấu trúc kinh tế, thay đổi mô hình tăng trưởng đang là một vấn đề cấp thiết hơn bao giờ hết. Trong suốt nhiều năm qua tăng trưởng của Việt Nam chủ yếu dựa vào vốn đầu tư. Trong khi đó chất lượng tăng trưởng ngày càng thấp và bất ổn vĩ mô luôn thường trực. Do vậy, để kinh tế tăng trưởng bền vững không còn con đường nào khác là phải tái cấu trúc nền kinh tế và thay đổi mô hình tăng trưởng.

Tuy nhiên, việc tái cấu trúc sẽ là một công việc hết sức khó khăn và “đau đớn”. Do đó, để tái cấu trúc thành công Việt Nam cần có một quá trình chuyển biến trong tư duy, cách thức làm việc của lãnh đạo đất nước.

Năm 2013, Chính phủ tiếp tục đặt trọng tâm tái cấu nền kinh tế, trong đó đầu tiên là hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước. Quyết tâm là vậy, còn hiệu quả là thì khó kỳ vọng nhiều.

Như vậy, quan sát một số vấn đề trọng tâm chính sách trong năm 2012 cho thấy kết quả vẫn chưa như kỳ vọng. Các chính sách chưa đạt hiệu quả do chưa đúng hướng hoặc triển khai chưa quyết liệt. Nhiều người đang kỳ vọng vào những quyết sách mới năm 2013 sẽ vực dậy nền kinh tế và thị trường bất động sản. Tuy nhiên, điều này khó biến thành hiện thực vì bài học trong quá khứ cho thấy chính sách thường ít mang lại hiệu quả.

Hoàng Nam
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.