26/12/2013 11:10 AM
CafeLand - Chỉ còn hơn 5 tháng nữa Thông tư 02 quy định về việc phân loại nợ xấu theo tiêu chuẩn quốc tế sẽ có hiệu lực. Theo đánh giá của các chuyên gia lúc đó nợ xấu sẽ tăng lên gấp 2-3 lần và nhiều ngân hàng yếu kém buộc phải phá sản, lợi nhuận của những ngân hàng được xem là khỏe cũng sẽ giảm rất mạnh.

Trong bối cảnh kinh tế hiện nay thì việc xử lý nợ xấu càng không dễ dàng. Ảnh minh họa: Internet

Trong phát biểu gần đây, đại diện phía NHNN cho biết sẽ kiên quyết áp dụng Thông tư 02 đúng thời hạn, trong khi đó thì phía các ngân hàng lại tha thiết muốn lùi thêm thời hạn. Vậy, liệu ngân hàng có thoát được “án” nợ xấu tăng vọt hay không?

Ảnh hưởng của Thông tư 02 đến nợ xấu và doanh nghiệp

Theo báo cáo nợ xấu của các tổ chức tín dụng, tính đến cuối tháng 9, tổng nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống ngân hàng trên 142.300 tỷ đồng, chiếm 4,62% tổng dư nợ, tăng 20,2% so cuối năm 2012. Tuy nhiên, con số gần đây cho thấy tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã giảm nhẹ khi nợ xấu sau khi bán cho VAMC đã được đưa ra ngoại bảng.

Trong khi đó, số liệu từ cơ quan thanh tra giám sát của NHNN thì nợ xấu vẫn đang trên 8%. Trong phát biểu tại Quốc hội, Thống đốc NHNN cho biết tính đến cuối tháng 9 thì các ngân hàng thương mại cơ cấu lại nợ theo cơ chế mới, khoảng trên 300.000 tỷ. Và có tới 60% các khoản nợ nếu không cơ cấu lại đã thành nợ xấu, nói một cách khác nếu không cơ cấu lại thì nợ xấu đã tăng thêm trên 6%.

Để giúp các ngân hàng xử lý nợ xấu, NHNN đã đưa VAMC vào hoạt động. Theo thông tin từ NHNN thì dù mới hoạt động được 3 tháng nhưng VAMC đã mua được hơn 30.000 tỷ đồng nợ xấu. Tuy nhiên, việc mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt thực tế chỉ là việc khoanh nợ và giãn thời gian xử lý nợ cho các ngân hàng. Nợ xấu được đưa ra ngoại bảng và đối với ngân hàng không còn nợ xấu trên sổ sách. Tuy vậy, thực chất ngân hàng vẫn phải hoàn toàn chịu trách nhiệm với khoản nợ xấu đó. Đối với nền kinh tế thì tổng nợ xấu không hề thay đổi.

Ngoài các chính sách trên thì trong suốt thời gian qua nợ xấu vẫn chưa hề được xử lý đúng nghĩa. Bên cạnh đó, với khó khăn của nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng thì doanh nghiệp vẫn không thể trả được nợ. Với bối cảnh hiện nay thì trong vòng 6 tháng tới khi Thông tư 02 có hiệu lực thì nợ xấu thực tế chưa được xử lý.

Do vậy, nếu áp dụng Thông tư 02 thì ngay lập tức nợ xấu sẽ tăng vọt. Theo ước tính của các chuyên gia thì khi Thông tư 02 có hiệu lực nợ xấu thể tăng lên gấp 3-4 lần hiện nay, tức nợ xấu toàn bộ nền kinh tế có thể lên đến 15-20%. Lúc đó nhiều ngân hàng yếu kém sẽ phá sản, lợi nhuận những ngân hàng khỏe cũng giảm mạnh. Nhiều doanh nghiệp có nợ xấu sẽ không vay được vốn và sản xuất sẽ đình đốn.

Thông tư 02 sẽ tiếp tục được hoãn?

Thông tư 02 áp dụng tiêu chuẩn khá khắt khe là các tổ chức tín dụng phải căn cứ vào mức tín nhiệm của khách hàng tại Trung tâm Thông tin tín dụng để phân loại nợ. Như vậy, nếu một khách hàng bị một tổ chức tín dụng nào đó xếp nợ vào nhóm nợ xấu thì tất cả các khoản vay của khách hàng này tại TCTD khác cũng bị xếp vào nhóm nợ xấu. Quy định này nếu được áp dụng sẽ làm cho nợ xấu tăng rất mạnh.

Chính vì lí do này mà vào cuối tháng 5/2013, khi chỉ còn ít ngày nữa là Thông tư này có hiệu lực NHNN buộc phải ban hành Thông tư 12 để hoãn thời hạn áp dụng Thông tư 02 thêm 1 năm để để các ngân hàng có thời gian xử lý nợ xấu và tái cấu trúc.

Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên trong suốt thời gian qua nợ xấu thực tế vẫn chưa được xử lý mà chỉ tạm thời bị “đóng băng”. Trong bối cảnh kinh tế hiện nay thì việc xử lý nợ xấu càng không dễ dàng. Đặc biệt, phần lớn nợ xấu liên quan đến bất động sản, các doanh nghiệp sân sau của ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước thì xử lý nợ xấu càng thêm khó khăn. Do vậy, một khi Thông tư 02 được áp dụng một cách triệt để thì nợ xấu của các ngân hàng chắc chắn sẽ tăng vọt.

Trong Hội nghị toàn ngành ngân hàng vào ngày 18/12 vừa qua, đại diện cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước nêu quan điểm là không thể trì hoãn thêm nữa và “sẽ áp dụng triệt để”. Trong phát biểu mới đây, Thủ tướng thể hiện việc quyết tâm áp dụng Thông tư 02 đúng thời hạn để đẩy nhanh tái cấu trúc ngân hàng.

Ngược lại, hầu hết ngân hàng và một số chuyên gia cho rằng nên phải tiếp tục hoãn thời hạn áp dụng Thông tư 02 để các ngân hàng có thêm thời gian xử lý nợ xấu. Nếu không hoãn thì nợ xấu ngân hàng sẽ tăng vọt và nhiều ngân hàng buộc phải phá sản và tác động lan truyền lên hệ thống tài chính và cả nền kinh tế.

Trước bối cảnh đó, người viết cho rằng nhiều khả Thông tư 02 có thể hoãn thời hạn áp thêm một lần nữa. Như vậy, một lần nữa nhiều khả ngân hàng lại thoát “bản án” nợ xấu. Trong ngắn hạn yếu tố này có thể tác động tích cực đối với nền kinh tế, hệ thống tài chính và doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu NHNN không có giải pháp kèm theo thì việc tái cấu trúc ngân hàng khó thành công, khó khăn của nền kinh tế nói chung và ngân hàng nói riêng sẽ kéo dài.

Hoàng Nam
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.