CafeLand - Báo cáo tài chính năm 2013 cho thấy không chỉ có nợ xấu mà vàng và ngoại tệ đã làm cho lợi nhuận nhiều ngân hàng sụt giảm. Điển hình hoạt động kinh doanh vàng và ngoại tệ của Eximbank trong quý 4/2013 đã lỗ 229 tỷ đồng, góp phần làm cho ngân hàng này thua lỗ 221 tỷ đồng.

Lãi/lỗ từ hoạt động kinh doanh vàng và ngoại hối của các ngân hàng

Nguồn: Báo cáo tài chính

Những năm trước đây, kinh doanh vàng và ngoại tệ thường chiếm tỷ trọng khá cao trong lợi nhuận của các ngân hàng. Lúc đó tỷ giá và giá vàng thường chỉ có một chiều đi lên, nhiều ngân hàng kiếm được lợi nhuận dễ dàng trong kinh doanh này. Ngoài ra, do nắm được nhiều thông tin nên nhiều ngân hàng cũng “tranh thủ” kiếm được lợi nhuận từ hoạt động mua bán vàng và ngoại tệ. Tuy nhiên, với việc giá vàng liên tục sụt giảm trong thời gian qua, cùng với sự ổn định của tỷ giá thì nhiều ngân hàng lại lỗ trong hoạt động kinh doanh này.

Cụ thể, năm 2013, ACB bị thua lỗ tới 1.863 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh vàng ngoại tệ và khiến cho lợi nhuận của ngân hàng này chỉ còn 784 tỷ đồng, giảm mạnh so với năm trước đó. Theo thuyết minh báo cáo tài chính thì năm 2012, ACB thua lỗ 572 tỷ đồng từ kinh doanh vàng và 1.404 tỷ đồng từ kinh doanh công cụ tài chính phái sinh tiền tệ. Ngoài ACB, năm 2012 một số ngân hàng khác như Eximbank, Techcombank, Navibank cũng bị thua lỗ từ hoạt động kinh doanh này.

Bước sang năm 2013, dường như “vận đen” từ lĩnh vực kinh doanh này vẫn đeo bám các ngân hàng. Chẳng hạn, quý IV/2013, Eximbank đã bị lỗ 229 tỷ đồng từ hoạt động kinh vàng ngoại tệ và cả năm thua lỗ 113 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngân hàng bị lỗ nhiều nhất là Sacombank với 203 tỷ đồng. Một số ngân hàng thương mại cổ phần khác như Techcombank cũng thua lỗ tới 121 tỷ đồng, ACB lỗ 77 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh này.

Năm 2013 là năm các ngân hàng phải hoàn tất việc tất toán huy động vốn bằng vàng. NHNN đã bán ra thị trường hơn 65 tấn vàng và thu lời về hơn 7.000 tỷ đồng. Trong đó, một phần khá lớn là bán cho các ngân hàng để tất toán trạng thái hoặc trả vàng lại cho người gửi. Như vậy, với mức chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước và thế giới thì nếu ngân hàng nào đã bán khống vàng hoặc huy động chứng chỉ tiền gửi bằng vàng phải sẽ chịu thua lỗ lớn dù đã cân bằng trạng thái bằng cách mua vàng tài khoản từ nước ngoài.

Trong báo cáo thuyết minh báo cáo tài chính quý 4/2013 của các ngân hàng bị thua lỗ từ hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng như Eximbank, Sacombank, ACB lại không thuyết minh chi tiết khoản mục này. Tuy nhiên, xem lại báo cáo tài chính những quý trước cho thấy các ngân hàng này trước đó cho thấy phần nào nguồn gốc của việc thua lỗ.

Cụ thể, theo thuyết minh báo cáo tài chính của bán niên năm 2013, ACB thua lỗ 120 tỷ đồng, từ hoạt động kinh doanh vàng, lời 13 tỷ đồng từ công cụ tài chính phái sinh tiền tệ. Thua lỗ nhiều nhất trong hoạt động kinh doanh vàng có lẽ là Sacombank khi trong 6 tháng đầu năm 2013, ngân hàng này đã thua lỗ tới 354 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh này. Đối với đối với Techcombank, thuyết minh báo cáo tài chính quý 4/2013 cho thấy ngân hàng này thua lỗ gần 100 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh vàng trong năm 2013.

Không chỉ thua lỗ từ vàng, hoạt động kinh doanh ngoại hối của nhiều ngân hàng cũng bị thua lỗ lớn. Điển hình, năm 2012, ACB thua lỗ tới 1.404 tỷ đồng từ kinh doanh các sản phẩm phái sinh tiền tệ. Trong 6 tháng đầu năm 2013, ACB đã có lợi nhuận 12 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh này. Trong khi đó, cũng trong 6 tháng đầu năm 2013 Eximbank đã bị thua lỗ 108 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước lỗ 304 tỷ đồng; Sacombank lỗ nhẹ 30 tỷ đồng.

Trái ngược với cảnh bết bát trong kinh doanh ngoại tệ và vàng của những ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân. “Anh cả” trong kinh doanh ngoại tệ là Vietcombank vẫn duy trì được lợi nhuận lớn từ mảng này. Cụ thể, năm 2013, lợi nhuận từ mảng kinh doanh ngoại tệ của Vietcombank là 1.425 tỷ đồng, tương đương với năm trước. Lợi nhuận của Vietcombank từ mảng này chủ yếu đến từ kinh doanh ngoại tệ giao ngay.

Như vậy, nhiều ngân hàng không chỉ gặp khó khăn bởi hoạt động tín dụng suy giảm, dự phòng nợ xấu gia tăng mà còn bởi hoạt động kinh doanh vàng và ngoại tệ. Hoạt động kinh doanh từng mang lại lợi nhuận lớn cho các ngân hàng là kinh doanh vàng và sản phẩm phái sinh tiền tệ lại khiến lợi nhuận ngân hàng thêm teo tóp trong năm 2012 và 2013.

Hoàng Nam
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.