05/07/2014 8:30 AM
CafeLand - Kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm tiếp tục có những phục hồi khá tích cực. Các chỉ số về tăng trưởng kinh tế đều được cải thiện và tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ. Tuy vậy, những yếu tố có tính chất nền tảng cho sự phát triển dài hạn của nền kinh tế lại vẫn chưa có nhiều cải thiện. Một gam màu tối trong dài hạn vẫn đang hiện diện trong nền kinh tế.

Ánh sáng le lói

Theo Tổng cục Thống kê, GDP 6 tháng đầu năm 2014 ước tính tăng 5,18% so với cùng kỳ năm 2013. Đây là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ 3 năm gần đây. Chỉ số sản xuất công nghiệp trong 6 tháng đầu năm tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2013, cao hơn mức tăng 5,3% của cùng kỳ năm trước. Chỉ số PMI (chỉ số quản trị người mua của HSBC đo lường mức độ tăng trưởng của nền kinh tế) cũng liên tục ở mức trên 50 điểm từ tháng 9/2013 đến nay. Như vậy, kinh tế Việt Nam dường như đã thoát mức đáy được tạo lập trong năm 2012 và đang có dấu hiệu dần khởi sắc.

Điểm tích cực khác đáng ghi nhận là xuất nhập khẩu đều tăng khá mạnh. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 70,9 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước; Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 69,6 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2013. Như vậy, trong 6 tháng vừa qua xuất siêu hàng hóa của Việt Nam lên tới 1,3 tỷ USD.

Cùng với tăng trưởng kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 6 tháng đầu năm cũng chỉ tăng 1,38%. Hầu hết các mặt hàng đều có mức tăng khá thấp, trong đó dịch vụ bưu chính viễn thông tiếp tục giảm. Nguyên nhân của lạm phát thấp ngoài việc do giá cả hàng hóa thế giới khá ổn định và sức mua trong nền kinh tế sụt giảm. Đây là năm đầu tiên trong nhiều năm qua kinh tế Việt Nam không còn phải lo sợ trước vấn đề lạm phát.

Về tỷ giá cũng có dấu hiệu tích cực dù mới đây NHNN đã quyết định điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng tăng 1% lên mức 21.246 VND/USD. Tỷ giá của Việt Nam được nhiều chuyên gia dự báo sẽ tiếp tục ổn định do lượng dự trữ ngoại tệ hiện nay của Việt Nam đang rất lớn. Ngoài ra, Việt Nam vẫn có thể tiếp tục thặng dư cán cân thanh toán trong thời gian tới.

Về chính sách điều hành cũng ghi nhận một số điểm nhấn. Chẳng hạn, Chính phủ đang rất quyết liệt trong việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Ngoài ra, các chính sách vĩ mô khác cũng đang được điều hành theo hướng thận trọng hơn trước.

Như vậy, những chỉ số kinh tế vĩ mô ở trên cho thấy kinh tế Việt Nam đã có những điểm khá tích cực. Tăng trưởng kinh tế dường như đang trên đà phục hồi. Ngoài ra, về chính sách cũng ghi nhận những điểm khá tích cực.

Nguồn: TCTK

Dài hạn vẫn nhuốm một gam màu tối

Dù trong ngắn hạn kinh tế Việt Nam đã có những dấu hiệu khá tích cực nhưng những yếu tố nền tảng cho sự phát triển của một nền kinh tế thì vẫn chưa được cải thiện. Trong khi đó những rủi ro tiềm ẩn trong nền kinh tế vẫn còn rất lớn. Do vậy, nhìn chung gam màu sáng vẫn đang là một gam màu chủ đạo đối với nền kinh tế vào lúc này.

Những gam màu xám đầu tiên phải kể đến là tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm mới chỉ đạt khoảng 2%, mức tăng thấp nhất từ trước tới nay. Tăng trưởng tín dụng thấp chứng tỏ là sức hấp thụ vốn của nền kinh tế Việt Nam đang rất yếu. Bên cạnh đó, nó cũng cho thấy tình trạng nợ xấu đang ở mức rất cao làm cho hoạt động ngân hàng bị co lại.

Theo ước tính của S&P thì nợ xấu của Việt Nam khoảng 15%, còn theo số liệu báo cáo của cơ quan Thanh tra của NHNN nợ xấu cuối tháng 2/2014 khoảng 9,71%, tương đương 307 nghìn tỷ đồng. Những con số này cao hơn rất nhiều so với con số khoảng 4% các tổ chức tín dụng báo cáo. Đặc biệt tình trạng nợ xấu dường như không hề suy giảm và việc xử lý nợ xấu của VAMC vẫn gần như dậm chân tại chổ. Cũng trong 6 tháng đầu năm 2014, một lần nữa NHNN buộc phải hoãn việc áp dụng Thông tư 02 quy định về tiêu chuẩn phân loại nợ xấu để tránh cho con số nợ xấu thực tế bị phơi bày ra ánh sáng.

Sự khó khăn của nền kinh tế còn được thể hiện qua việc số doanh nghiệp phá sản, dừng hoạt động ngày càng tăng. Theo Tổng cục Thống kê số doanh nghiệp giải thể, phá sản hoặc ngừng hoạt động trong 6 tháng đầu năm lên tới 33.454 doanh nghiệp, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Còn nhớ năm 2013 cũng đã có hơn 60.000 doanh nghiệp phải ngừng hoạt động hoặc phá sản.

Điểm được nhiều người mong chờ nhất là quá trình tái cấu trúc nền kinh tế đã được khởi động trong 5 năm qua. Tuy vậy, hẳn nhiều người sẽ phải thất vọng bởi con đường duy nhất để giúp cho nền kinh tế khởi sắc đang bị tắc nghẽn.

Đối với hệ thống ngân hàng việc tái cấu trúc mới chỉ dừng lại ở việc sáp nhập hoặc buộc phải tái cấu trúc một số ngân hàng yếu kém. Vấn đề cốt lõi nhất của hệ thống ngân hàng là vấn đề quản trị và kiểm soát thì vẫn chưa có nhiều thay đổi. Nhóm lợi ích trong ngân hàng và nhóm lợi ích lạm dụng chính sách chi phối hệ thống tài chính ngày càng phát triển và tinh vi hơn.

Đối với việc tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước đã có những tiến bộ nhất định. Quá trình cổ phần hóa mạnh doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn dần khỏi doanh nghiệp trong lĩnh vực không then chốt đang diễn ra khá mạnh. Tuy nhiên, việc thực hiện các chính sách này gặp rất nhiều rào cản và chắc chắn sẽ không đạt được như kỳ vọng. Sự nặng nề, quan liêu và nhóm lợi ích trong bộ máy nhà nước đang cản trở quá trình cổ phần hóa và thoái vốn.

Đối với tái cấu trúc đầu tư công thì cũng gần như không có bước tiến bộ đáng kể nào. Rất nhiều dự án theo đánh giá của các chuyên gia là kém khả thi, rủi ro lớn và có bóng dáng nhóm lợi ích vẫn đang được đầu tư. Số dự án xây dựng cơ sở hạ tầng đắt đỏ, chất lượng kém, thất thoát lớn, kém khả thi vẫn không ngừng gia tăng.

Những trụ cột cho sự phát triển nền kinh tế khác là cơ sở hạ tầng, chất lượng thể chế và chất lượng nguồn nhân lực vẫn chưa được cải thiện. Chất lượng cơ sở hạ tầng yếu kém làm cho chi phí logistic của Việt Nam rất cao, thời gian vận chuyển kéo dài làm tăng giá thành hàng hóa và giảm sức cạnh tranh. Chất lượng nguồn nhân lực yếu kém làm cho Việt Nam không thu hút được nhà đầu tư chất lượng và sản xuất ra hàng hóa có giá trị gia tăng cao.

Đặc biệt, với một chất lượng thể chế yếu kém đã làm cho môi trường kinh doanh không hấp dẫn, tạo ra nhiều rào cản cho sự phát triển của nền kinh tế. Vụ án liên quan đến ông Nguyễn Đức Kiên và Bà Huỳnh Thị Huyền Như gần đây khiến cho không ít người hoang mang vì cách xử lý thiếu thuyết phục của cơ quan công quyền.

Một vấn đề khác cũng khiến không ít người lo ngại là nhưng căng thẳng gần đây trên Biển Đông bởi việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hiện nay, kinh tế Việt Nam đang phụ thuộc rất lớn vào kinh tế Trung Quốc qua hoạt động thương mại, đầu tư và hoạt động của những doanh nghiệp nước này tại Việt Nam. Do vậy, nếu tình trạng căng thẳng này tiếp tục leo thang thì kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng rất lớn.

Như vậy, trong ngắn hạn kinh tế Việt Nam đã xuất hiện một số dấu hiệu khá tích cực. Tuy nhiên, trong dài hạn thì gam màu xám vẫn còn bao trùm. Nếu Việt Nam không có những giải pháp, chính sách mang tính đột phá thì nền kinh tế khó thoát khỏi sự trì trệ, thậm chí có thể rơi vào khủng hoảng trong tương lai.

Hoàng Nam
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.