Ảnh minh hoạ.
Động lực bên ngoài hoạt động trở lại
Theo HSBC, khi nhắc tới câu chuyện phát triển đầy ấn tượng của Việt Nam, không thể không kể tới mô hình tăng trưởng lấy xuất khẩu làm động lực chính.
Trong vòng hai thập kỷ, Việt Nam đã thực sự lột xác thành công, trở thành công xưởng sản xuất đang lên của thế giới. Quá trình chuyển mình của Việt Nam lại càng được đẩy nhanh tại thời điểm xảy ra căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, khi đó, xuất khẩu của Việt Nam chứng kiến mức tăng trưởng vượt bậc.
Kể từ khi xảy ra dịch COVID-19, động lực tăng trưởng bên ngoài của Việt Nam đã phải trải qua một giai đoạn nhiều thăng trầm. Là một trong những nước châu Á đầu tiên phát hiện có ca nhiễm COVID-19 vào đầu năm 2020, Việt Nam đã có lúc trở lại mạnh mẽ sau đại dịch để rồi sau đó phải hứng chịu những gián đoạn nặng nề của chuỗi cung ứng trong nước do những đợt giãn cách kéo dài tại thời điểm mùa hè năm 2021.
Đến khi rủi ro mang tên Omicron qua đi, Việt Nam tiếp tục hưởng lợi nhờ chiến lược mở cửa trên diện rộng: thêm nhiều công nhân ở tỉnh trở lại các thành phố để làm việc, phần nào giải quyết tình trạng thiếu lao động cho các nhà máy vốn đang tấp nập đơn hàng xuất khẩu.
Rõ ràng, xuất khẩu của Việt Nam đang dần lấy lại hào quang chiến thắng trước đây. Sau khi ghi nhận tốc độ tăng mạnh mẽ 13% so với cùng kỳ năm trước trong Quý 1/2022, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tháng 4 lại tăng hơn gấp đôi lên 25% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ trong tháng 4, được hậu thuẫn nhờ các đơn hàng điện tử
Mặc dù tăng trưởng diễn ra toàn diện trên mọi ngành hàng, gần 40% tăng trưởng là nhờ các đơn hàng điện tử tăng mạnh ở mức 33% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu điện tử đóng góp nhiều nhất vào tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam | Việt Nam vươn lên trở thành nước xuất khẩu điện thoại thông minh lớn thứ hai trên thế giới |
Với xuất phát điểm chỉ là một nước xuất khẩu hàng may mặc và da giày có giá trị cộng thêm thấp, qua thời gian, Việt Nam đã chứng tỏ khả năng vươn lên trong chuỗi cung ứng, trở thành một trung tâm sản xuất quan trọng trong ngành hàng công nghệ (mặc dù giá trị cộng thêm vẫn chưa cao trong lĩnh vực điện tử), theo HSBC.
Mặc dù TP. HCM và các khu vực lân cận đã phải trải qua bốn tháng giãn cách, chuỗi cung ứng công nghệ ở miền Bắc lại không mấy ảnh hưởng. Xuất khẩu điện tử đạt mức kỷ lục 108 tỷ USD trong năm 2021, tương đương 32% tổng kim ngạch xuất khẩu. Chỉ số này năm 2000 đạt chưa tới 1 tỷ USD, tương đương 5,5% tổng tổng kim ngạch xuất khẩu.
Phần lớn thành công của ngành hàng công nghệ là nhờ khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong nhiều năm của Samsung với giá trị đầu tư rót vào Việt Nam trong hai thập kỷ qua rơi vào khoảng 18 tỷ USD. Giờ đây, Samsung có sáu nhà máy và một trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), trong đó bao gồm hai nhà máy sản xuất điện thoại ở miền Bắc là nơi cung ứng một nửa sản lượng điện thoại của Samsung.
Nhờ vậy, thị phần điện thoại thông minh của Việt Nam trên toàn cầu đã tăng đáng kể. Mặc dù Trung Quốc đại lục vẫn chiếm thế thượng phong với 50% điện thoại thông minh trên thế giới được sản xuất tại quốc gia này, Việt Nam đã giành 13% thị phần, nhanh chóng vươn lên vị trí nước xuất khẩu điện thoại thông minh lớn thứ hai trên thế giới.
Samsung Việt Nam ghi nhận mức tăng doanh thu 14% trong năm 2021, chủ yếu nhờ doanh số bán điện thoại thông minh màn hình gập tăng gấp bốn trong năm 2021.
Ngoài điện thoại thông minh Samsung ra thì Việt Nam còn thế mạnh nào nữa? Trong bối cảnh 70% máy tính hoàn thiện trên thế giới được sản xuất tại Trung Quốc, thị phần máy tính xách tay của Việt Nam trên thế giới cũng đang dần tăng lên, vượt mặt Malaysia để trở thành nước sản xuất chính ở khu vực ASEAN.
Trong giai đoạn tháng 6/2009 đến tháng 12/2020, Intel đã rót thêm 475 triệu USD vào nhà máy ở Việt Nam để tăng cường sản xuất sản phẩm 5G và bộ xử lý lõi. Việc mở rộng này có thể lý giải vì sao thị phần xuất khẩu bộ xử lý của Việt Nam trên toàn cầu đã tăng gấp đôi trong vòng năm năm, đạt 6% vào năm 2020.
Điểm đáng lưu ý chính là hiệu ứng dây chuyền xảy ra khi thành công của Samsung và Intel kéo theo các tập đoàn công nghệ khổng lồ khác cũng đẩy nhanh quá trình chuyển hướng chuỗi cung ứng sang Việt Nam.
Mặc dù đại dịch đã phần nào khiến quá trình này bị gián đoạn, sự quan tâm của các nhà đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghệ vẫn duy trì mạnh mẽ nhờ các yếu tố vĩ mô ổn định, chính sách FDI thuận lợi và hiệu quả về chi phí nhân công.
Không chỉ những nhà đầu tư quen thuộc như Samsung tiếp tục rót thêm vốn đầu tư mà ngay cả các nhà cung ứng liên quan đến Apple cũng bắt đầu đặt chân vào Việt Nam. Ba hãng lắp ráp sản phẩm Apple là Foxconn, Luxshare và Goertek đã công bố kế hoạch đầu tư lớn để gia tăng công suất và tăng cường sử dụng nhân công địa phương.
Bảng 2. Một số kế hoạch đầu tư FDI mảng công nghệ tiêu biểu ở Việt Nam
Năm | Hãng | Xuất xứ | Sản phẩm | Giá trị (triệu USD) |
Nửa sau 2019-2020 | Intel | Mỹ | Sản phẩm 5G và bộ xử lý lõi | 475 |
2021 | Foxconn | Đài Loan | Máy tính xách tay và máy tính bảng | 270 |
2021 | Risesun Investment | Singapore | Sản phẩm nhựa và composite | 75 |
2021 | Risesun Investment | Singapore | Sản phẩm trang trí bằng nhựa PVC | 6 |
2021 | Ja Solar Investment | Hong Kong | Quang điện | 210 |
2021 | Hayward Quartz Technology | Mỹ | Vật liệu bán dẫn | 110 |
2021 | LG | Hàn Quốc | OLED | 750 |
2021 | LG | Hàn Quốc | OLED | 1.400 |
2021 | Pegatron | Đài Loan | Máy tính, thiết bị viễn thông và thành phần điện tử | 101 |
2021 | Foxconn | Đài Loan | Máy tính xách tay và máy tính bảng | 700 |
2022 | Goertek | TQ đại lục | Điện tử | 400 |
2022 | Goertek | TQ đại lục | Điện tử và thiết bị đa phương tiện | 306 |
2022 | Samsung | Hàn Quốc | Bản mạch và linh kiện, phụ tùng (camera module) | 920 |
Nguồn: Nikkei, Reuteurs, VNExpress, HSBC
Mở cửa trên diện rộng vẫn còn tiếp diễn
Áp lực lạm phát của Việt Nam duy trì ở mức thấp trong khu vực ASEAN. Lạm phát toàn phần chỉ tăng 0,2% so với tháng trước, kéo theo mức tăng so với cùng kỳ năm trước cũng khiêm tốn ở mức 2,6% (Biểu đồ 8), vẫn nằm trong mức kỳ vọng của thị trường. Nguyên nhân chủ yếu là nhờ chi phí vận tải thấp, một phần do giá dầu thế giới giảm trong tháng 4, một phần do Việt Nam hạ thuế bảo vệ môi trường.
Theo HSBC, các mặt hàng cốt lõi là nguyên nhân chính. Giá đã tăng trên diện rộng ở một số hạng mục chính như giáo dục, dịch vụ và bán lẻ. Cụ thể, chi phí “nhà ở và vật liệu xây dựng” tăng 0,6% so với tháng trước, cho thấy chi phí tiện ích và thuê cao hơn khi công nhân ở tỉnh tiếp tục trở lại các thành phố. Nhu cầu trong nước tiếp tục phục hồi và giá hàng hóa thế giới có xu hướng tiếp tục tăng, HSBC dự báo lạm phát của Việt Nam sẽ tăng lên 3,7% trong năm 2022. Áp lực giá nhiều khả năng vẫn sẽ nằm dưới mức trần lạm phát 4% của Ngân hàng Nhà nước.
Ngoài du lịch, nhu cầu nội địa cũng ở thế vững vàng nhờ chính quyền gỡ bỏ bớt các hạn chế phòng chống dịch trong nước. Sau một đợt giảm nhẹ trong Quý 1/2022, khả năng đi lại của người dân cuối cùng cũng đã vượt mức trước đại dịch kể từ đầu tháng 4. Sự cải thiện này rõ ràng đã góp phần phục hồi ngành bán lẻ, giúp ngành này tăng 5,8% trong tháng 4. Không chỉ doanh số hàng hóa tăng 2% so với tháng trước, quan trọng hơn là ngay cả chi tiêu cho dịch vụ và các mảng liên quan đến du lịch cũng đã tăng 7% so với tháng trước, báo hiệu một khởi đầu khởi sắc cho sự phục hồi trong lĩnh vực dịch vụ.
-
Trong bối cảnh thế giới liên tục có những biến động, thay đổi, hợp tác kinh tế là chìa khóa giúp các quốc gia cùng vượt sóng lớn để phát triển và đi lên. Câu chuyện thành công của Đông Nam Á chính là một minh chứng cụ thể cho điều đó. Đây cũng là nội dung bài chia sẻ ông Tim Evans, Tổng Giám đốc của HSBC Việt Nam, được trích dẫn dưới đây.