Thuế thu nhập doanh nghiệp mà HAGL còn nợ lớn hơn nhiều so với mức thuế phải đóng trong 6 tháng chỉ hơn 40 tỷ đồng. Ảnh: Internet
Vào đầu tháng 3 năm 2012 cái tên HAGL bị Tổng cục thống kê liệt vào danh sách doanh nghiệp nợ đọng thuế lớn và được công khai trước phương tiện thông tin đại chúng. Thông tin này đã gây sốc cho không ít người vì trong mắt của họ HAGL luôn là doanh nghiệp tốt. Đặc biệt, trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp này luôn có khoản tiền mặt gửi ngân hàng lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Như vậy, không có lý do gì khiến cho HAGL phải nợ đọng thuế đến mức bị phạt.
Có thể nói thông tin này đã gây ra một cuộc khủng hoảng truyền thông đối với HAGL. Nhiều người đặt nghi ngờ về sự vững mạnh về tài chính của doanh nghiệp này. Cũng từ đó vấn đề nợ và hoạt động kinh doanh của công ty này bị “soi” một cách kỹ càng hơn. Để giải quyết “khủng hoảng” này đích thân ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch HĐQT của HAGL phải đứng ra thanh minh "Chúng tôi không chây ì hay trốn thuế và việc chậm nộp vẫn hợp pháp. Hiện doanh nghiệp còn 2.400 tỷ đồng tiền mặt, nếu chúng tôi sai cơ quan thuế có quyền phong tỏa tài khoản tại các ngân hàng để truy thu khoản tiền này".
Tưởng rằng sau câu chuyện khủng hoảng đó HAGL sẽ rút ra bài học và sẽ đóng thuế kịp thời hơn. Tuy nhiên, báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2013 lại cho thấy HAGL vẫn tiếp tục nợ hàng trăm tỷ đồng tiền thuế. Cụ thể, theo Thuyết minh 23 trong Báo cáo hợp nhất của HAGL thì nợ đọng tiền thuế đến ngày 30/06/2013 của doanh nghiệp này lên đến 345 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này cũng đã giảm 212 tỷ đồng so với đầu năm.
Trong số tiền thuế nợ nói trên thì có đến 217 tỷ đồng là thuế thu nhập doanh nghiệp, 108 tỷ đồng là thuế VAT, còn lại là thuế khác như thuế tài nguyên… Thuế thu nhập doanh nghiệp mà HAGL còn nợ lớn hơn nhiều so với mức thuế phải đóng trong 6 tháng chỉ hơn 40 tỷ đồng.
Cũng theo thuyết minh Báo cáo tài chính thì trong kỳ HAGL đã trả 161 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, với số thuế còn lại của năm 2012 chưa thanh toán là 375 tỷ đồng nên vẫn còn nợ cơ quan thuế đến 217 tỷ đồng thuế TNDN.
Trước đó cùng kỳ năm 2012 trong báo cáo hợp nhất lợi nhuận trước thuế của toàn Tập đoàn HAGL chỉ có 210 tỷ đồng, tuy nhiên, số thuế mà doanh nghiệp này phải nộp lên tới 175 tỷ đồng. Tính cả năm năm 2012 mặc dù chỉ có lợi nhuận trước thuế vỏn vẹn 524 tỷ đồng nhưng thuế thu nhập của HAGL lại lên tới 439 tỷ đồng, trong đó thuế thu nhập hoãn lại là 279 tỷ đồng. Nguyên nhân, chênh lệch rất lớn giữa lợi nhuận trước thuế và thuế thu nhập phải nộp là do có những quan điểm khác nhau trong phân loại thuế giữa cơ quan thuế và hạch toán doanh thu của HAGL. Ngoài ra, do đây là báo cáo hợp nhất nên một số doanh nghiệp lợi nhuận lớn phải đóng thuế, nhưng doanh nghiệp lỗ lại tính vào lợi nhuận.
Trường hợp nợ thuế lên đến hàng trăm tỷ đồng như HAGL không phải là cá biệt. Trước đó chúng ta đều biết có rất nhiều doanh nghiệp xin giãn nộp thuế vì tình trạng kinh doanh khó khăn như các doanh nghiệp trong ngành ô tô, doanh nghiệp nhà nước ở một số lĩnh vực. Bên cạnh việc kinh doanh khó khăn phải xin gia hạn, nợ đọng thuế nhiều doanh nghiệp cũng chủ động chậm đóng thuế như là cách chiếm dụng vốn giảm chi phí tài chính.