CafeLand - Mới chỉ cách đây hơn một tuần, Thống đốc NHNN cho biết hiện nay đã đủ điều kiện để bỏ trần lãi suất. Tuy nhiên, ngày 27/06 vừa qua NHNN lại tiếp tục giảm trần lãi suất. Cũng như những lần trước việc giảm trần lãi suất này dường như không được mong đợi. Việc giảm lãi suất có thể làm giảm lòng tin đối với chính sách và khó có tác dụng tích cực đến nền kinh tế và thị trường bất động sản.

Ngày 27/6/2013, NHNN ban hành Thông tư số 14 và 15/2013/TT-NHNN Quy định lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng USD và VND của tổ chức, cá nhân tại Tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo đó, trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-6 tháng giảm từ 7,5% xuống 7%; trần lãi suất huy động bằng ngoài tệ khách hàng cá nhân giảm từ 2% xuống 1,25%.

Việc giảm lãi suất của NHNN diễn ra khá bất ngờ với nhiều người vì trước đó hơn 1 tuần Thống đốc NHNN từng phát biểu rằng đến thời điểm bỏ trần lãi suất. Ngoài ra, nhiều người cũng cho rằng không có lý do gì để NHNN tiếp tục hạ lãi suất vào lúc này. Trước đó các đợt giảm lãi suất của NHNN nhằm mục tiêu chống cuộc đua tăng lãi suất huy động hoặc giảm lãi suất để hạ lãi suất đầu ra cho nền kinh tế. Tuy nhiên, lãi suất cho vay đã giảm khá mạnh và đang ở mức rất thấp, và cũng không có cuộc đua tăng lãi suất huy động nào trên thị trường.

Theo lý giải của NHNN thì do lạm phát giảm khá thấp và thanh khoản của ngân hàng khá tốt nên cần giảm trần lãi suất đến mức phù hợp. Ngoài ra, mục tiêu giảm lãi suất ngắn hạn của NHNN còn có thể nhắm đến việc khuyến khích người gửi tiền chuyển sang gửi kỳ hạn dài hơn để giảm thiểu rủi ro kỳ hạn cho ngân hàng.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc giảm lãi suất của NHNN là không cần thiết. Đáng lẽ nhân cơ hội lãi suất thấp, thanh khoản của ngân hàng cũng khá dồi dào NHNN nên bỏ trần lãi suất để đoạn tuyệt với các biện pháp hành chính trong điều hành thị trường tiền tệ. Việc NHNN tiếp tục giảm trần lãi suất vào lúc này là không cần thiết vì nó không có tác dụng trong việc giảm lãi suất chung trên thị trường. Không những vậy, nó có thể làm cho dòng tiền rút khỏi hệ thống ngân hàng và có thể gây căng thẳng thanh khoản cho các ngân hàng nhỏ.

Thực tế, chúng ta thấy trong suốt thời gian dài lãi suất qua đêm và lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn 1 tuần đến 3 tháng đều ở mức rất thấp. Điều này cho thấy thanh khoản của hệ thống khá ổn định. Theo thông tin từ NHNN thì hệ số huy động trên cho vay của toàn hệ thống ngân hàng giảm từ mức 120% cuối năm 2011 về mức 98% cuối năm 2012, còn đến thời điểm cuối tháng năm vừa qua chỉ còn 92%. Điều này cho thấy tính an toàn của ngân hàng đã được cải thiện đáng kể.

Nhìn vào mức lãi suất niêm yết của các ngân hàng cho thấy ngoại trừ Vietcombank thì hầu hết các ngân hàng đều có mức lãi suất huy động kỳ hạn 3-6 tháng ở mức trần 7,5%. Các kỳ trên 1 năm đều có lãi suất phổ biến ở mức 10%, thậm chí, SCB còn có mức lãi suất trên 11%. Đây là một dấu hiệu cho thấy dù thanh khoản khá dồi dào nhưng các ngân hàng vẫn huy động với một lãi suất khá cao để giữ chân khách hàng.

Việc giảm của NHNN vào lúc này dường như ít có tác dụng trên thực tế vì với mức chênh lệch trước và sau khi giảm chỉ có 0,5 điểm phần trăm và chỉ áp dụng đối với kỳ hạn dưới 6 tháng. Do vậy, có thể số tiền người dân rút ra để nâng kỳ hạn được hưởng lãi suất cao hơn sẽ không nhiều. Bên cạnh đó, nó cũng không làm cho lãi suất huy động giảm được. Như vậy, một lần nữa biện pháp giảm lãi suất của NHNN chỉ có tác dụng làm giảm lòng tin trong điều hành chính sách. Việc giảm lãi suất cũng không có tác dụng gì đối với thị trường bất động sản.

Hoàng Nam
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.