Hình minh họa
Từ những dấu hiệu khả qua đó, không ít người cho rằng kinh tế đang phục hồi. Tuy nhiên, nhìn sâu xa hơn vào bản chất của nền kinh tế lại cho thấy những khó khăn thật sự vẫn đang chờ đợi phía trước.
Những điểm sáng của nền kinh tế
Theo Tổng Cục Thống kê, GDP quý 1 đã tăng 4,96%, so với cùng kỳ. Đây là mức cao nhất trong 2 năm qua. Sản xuất công nghiệp trong 4 tháng đầu năm cũng đạt 5,4% cao hơn mức 4,8% của cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó chỉ số PMI (chỉ số quản trị mua hàng) của HSBC tăng 53,1 điểm. Đây là mức cao nhất từ thời điểm chỉ số này được tính ở Việt Nam cách đây 3 năm. Đây là tháng thứ 7 liên tiếp chỉ số này ở mức trên 50 điểm, tức là nền kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi khả quan.
Một điểm tích cực khác đối với nền kinh tế đáng ghi nhận là xuất nhập khẩu hàng hóa tiếp tục duy trì khá tốt. Cụ thể, xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm đạt 45,7 tỷ USD, tăng 16,9% so với cùng kỳ; nhập khẩu đạt 45,1 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ. Như vậy, trong 4 tháng đầu năm 2014 Việt Nam đã xuất siêu 0,7 tỷ USD.
Trên thị trường tiền tệ cũng xuất hiện những điểm sáng đáng ghi nhận. Tỷ giá trong suốt gần 3 năm qua được duy trì khá ổn định. Đặc biệt, theo công bố của NHNN vào cuối tháng 4 vừa qua thì dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt 35 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay và tăng 10 tỷ USD so với đầu năm. Với mức dự trữ ngoại hối cao này thì có thể thấy Việt Nam đang có một nguồn ngoại tệ rất dồi dào và tỷ giá sẽ tiếp tục ổn định trong thời gian tới.
Trong thời gian qua lãi suất cũng dần giảm về mức khá thấp. Lãi suất cho vay hiện nay phổ biến ở mức 10-13%, còn lãi suất huy động từ 5-8%. Lãi suất hiện nay, đang mức thấp nhất trong hàng chục năm qua. Mặc dù lãi suất thấp nhưng số dư tiền gửi vẫn tăng khá mạnh trong suốt 4 tháng đầu năm với cũng tăng gần 4%.
Chỉ số vĩ mô luôn gây nên những “cơn ác mộng” cho nền kinh tế trong là lạm phát cũng gần như được khống chế hoàn toàn. Chỉ số giá tiêu dùng một trong những chỉ số thường dùng để đo lường lạm phát tháng 4 chỉ tăng 0,88% so với đầu năm và 4,45% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát hiện nay, đang tăng ở mức thấp nhất trong hàng chục năm qua.
Những chỉ số trên đây cho thấy nên kinh tế đang dần xuất hiện nhiều điểm sáng. Về cơ bản chúng ta không còn phải lo lắng quá nhiều đến lạm phát, tỷ giá, lãi suất trong khi đó tăng trưởng lại có dấu hiệu phục hồi.
Bầu trời màu xám vẫn bao trùm
Tuy có những điểm sáng trên nhưng theo đánh giá của nhiều nhà kinh tế một bầu trời màu xám vẫn bao trùm nền kinh tế trong trung và dài hạn. Quá trình cải cách, tái cơ cấu nền kinh tế vẫn đang dậm chân tại chỗ. Những rủi ro tiềm năng tích tụ trong nền kinh tế ngày càng lớn dần.
Trong Hội thảo kinh tế mùa xuân được tổ chức bởi Ủy ban Kinh tế Quốc hội diễn ra vào cuối tháng 4 tại Quảng Ninh, hầu hết chuyên gia, nhà kinh tế đều bày tỏ lo lắng trước hiện trạng kinh tế hiện nay. Vấn đề được thảo luận trong hội thảo lần này liên quan đến các vấn đề thể chế kinh tế. Đây là một trong những mắt xích quyết định đến sự phát triển dài hạn của bất kỳ một nền kinh tế nào. Xung quanh khái niệm “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” còn quá nhiều tranh luận trái chiều. Hiện vẫn chưa có một định nghĩa thống nhất về khái niệm “độc nhất vô nhị này”.
Một vấn đề khá nhiều người quan tâm khác là nợ xấu của Việt Nam. Các chuyên gia thẳng thắn nhận định nợ xấu vẫn chưa thực sự được giải quyết. Việc VAMC mua nợ xấu hay việc gia hạn, tái cấu trúc nợ chỉ là một giải pháp có tính kỹ thuật. Con số ước đoán của nhiều chuyên gia trong Hội thảo cho rằng nợ xấu Việt Nam khoảng 500 nghìn tỷ đồng, cao gấp 5 lần con số mà các tổ chức tín dụng báo cáo. Như vậy, có thể thấy nợ xấu vẫn đang là một con số rất lớn.
Bên cạnh nợ xấu thì nợ công cũng là một vấn đề đặc biệt đáng quan tâm. Con số báo theo báo cáo từ Chính phủ cho thấy nợ công đang dưới mức 60% GDP, tức là một mức an toàn. Tuy nhiên, các nhà khoa học lại cho rằng đó chỉ là con số ước tính theo tiêu chuẩn của Việt Nam. Nợ xấu tính theo tiêu chuẩn của IMF và WB, tức có tính đến nghĩa vụ trả nợ thuộc về khu vực nhà nước như nợ doanh nghiệp nhà nước thì nợ công của Việt Nam khoảng 95% GDP. Thực tế trong thời gian qua nhiều doanh nghiệp nhà nước không thể trả được nợ như Vinashin (cũ), Vinalines và rất nhiều doanh nghiệp khác nhà nước đã phải trả nợ hoặc bảo lãnh thay dù nó không được thống kê trong con số nợ công của Chính phủ.
Vấn đề nổi cộm cũng khiến nhiều người lo lắng về kinh tế Việt Nam đó chính là hiệu quả đầu tư. Mới đây 6 quan chức ngành đường sắt đã bị bắt vì liên quan đến việc hối lộ của một nhà thầu tư vấn Nhật Bản. Ai cũng biết đây chỉ là một phần rất nhỏ của những tiêu cực trong xây dựng cơ bản ở Việt Nam. Cũng liên quan đến cơ sở hạ tầng sự kiện tuyến đường sắt trên cao đoạn Cát Linh – Hà Đông đã đội chi phí xây dựng lên 60% và giá thành xây dựng gần 70 triệu USD/km khiến dư luận “nổi sóng”. Giá thành xây tuyến đường sắt này gấp 3 lần giá thành ở nhiều nơi trên thế giới. Những vấn đề đã phản ánh những nền tảng vĩ mô của Việt Nam chưa thực sự được cải thiện.
Một dấu hiệu khác cũng cho thấy kinh tế đang khó khăn là tăng trưởng tín dụng trong 4 tháng đạt chưa đến 1%. Đây là một mức thấp nhất từ trước đến nay. Như vậy, dù lãi suất hạ nhưng người dân và doanh nghiệp vẫn rất hạn chế trong việc vay tiền để đầu tư. Xu hướng thoái vốn đang diễn ra khá mạnh trong nền kinh tế.
Như vậy, những gam màu sáng tối xuất hiện trong nền kinh tế Việt Nam. Những điểm sáng dần xuất hiện trên gam màu tối nhưng để che lấp được nó chắc chắn cần một khoảng thời gian rất dài. Không chỉ có vậy, nó phụ thuộc vào những sách lược trong tái cấu trúc nền kinh tế và thay đổi thể chế cơ bản. Tuy nhiên, đây vẫn là việc vô cùng khá khăn trong bối cảnh hiện nay.