12/09/2016 10:06 AM
CafeLand – Chỉ trong vòng hơn tháng cổ phiếu DRH của Công ty CP Đầu tư Ngôi nhà Mơ ước đã giảm tức mức đỉnh 82.000 đồng/cổ phiếu (13/07) xuống mức thấp nhất 15.500 đồng/cổ phiếu (24/08/2015). DRH đã lao đốc không phanh sau khi cổ phiếu của TTF của Gỗ Trường Thành bị ngã ngựa. Nhiều người cho rằng việc DRH lao dốc chỉ là vấn đề thời gian khi mà việc tăng trưởng của DRH trong thời gian qua chủ yếu là “dream” hơn là giá trị thực tế của doanh nghiệp này.

“Đại gia” bất động sản sống nhờ phân bón

Được thành lập cách đây 10 năm với số vốn ban đầu chỉ 50 tỷ đồng, 3 năm sau (năm 2009) DRH tăng vốn lên 183 tỷ đồng và kể từ đó đến nay vốn điều lệ của doanh nghiệp này giẫm chân tại chỗ. Trên thị trường bất động sản, rất ít người biết đến cái tên “căn nhà mơ ước” bởi vì quy mô của doanh nghiệp này khá nhỏ và cũng không có dự án nổi trội. Trên thị trường chứng khoán cũng rất ít người quan tâm tới DRH bởi nó cũng giao dịch quá ít. Dù công ty không bị thua lỗ nhưng có thời điểm giá cổ phiếu DRH giảm xuống dưới 5.000 đồng/cổ phiếu, một mức giá “bèo”.

Về kết quả kinh doanh DRH trồi sụt và lợi nhuận luôn ở mức khá thấp. Liên tục trong 2 năm 2011 và 2012, DRH thua lỗ với tổng số lỗ gần 28 tỷ đồng. Năm 2015, Công ty có lợi nhuận sau thuế là 14 tỷ đồng. Đây là kết quả kinh doanh tốt nhất của doanh nghiệp này kể từ năm 2009. Tuy nhiên, con số này khá thấp so với vốn chủ sở hữu 219 tỷ đồng. Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu hàng năm của doanh nghiệp này chỉ có từ 5 đến 7%.

Các lĩnh vực kinh doanh hiện nay của DRH là môi giới bất động sản, kinh doanh dự án, cho thuê văn phòng. Ngoài ra, công ty cũng đầu tư vào loạt doanh nghiệp liên kết làm trong lĩnh vực tư vấn xây dựng. Tuy nhiên, trong thời gian qua tất cả các lĩnh vực liên quan tới bất động sản của Công ty chỉ hoạt động cầm chừng. Hiện các dự án mà DRH đang thực hiện mới chỉ trong giai đoạn sơ khai xin cấp phép đầu tư hoặc mới chỉ hoàn thành khâu giải phóng mặt bằng. Hoạt động đầu tư bất động sản của công ty cũng mang tính chất nhỏ lẻ một số căn hộ để mua đi bán lại.

Thực tế doanh thu chính mang lại cho DRH chính là buôn bán phân bón. Năm 2014, công ty đạt doanh thu 199 tỷ đồng, trong đó có tới 190 tỷ đồng là từ phân bón, chiếm tỷ lệ 95,5%. Năm 2015, công ty đạt doanh thu 185 tỷ đồng, trong đó có tới 136 tỷ đồng là từ phân bón và 45 tỷ đồng từ bất động sản. Trước năm 2014, gần như 100% doanh thu của công ty đến từ lĩnh vực phân bón. Như vậy, buôn bán phân bón vẫn là hoạt động mang lại doanh thu và lợi nhuận chính cho DRH.

Trong 6 tháng đầu năm 2016, doanh thu của DRH đạt 67 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ năm trước. Trong cơ cấu doanh thu thì doanh thu từ phân bón lên tới 41 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ năm trước. Dù vậy, doanh thu từ lĩnh vực này vẫn chiếm tới 61% doanh thu của toàn công ty. Mảng kinh doanh bất động sản của DRH bắt đầu có doanh thu nhưng chỉ là con số rất nhỏ. Dù vậy, lợi nhuận của DRH chủ yếu đến từ việc bán bất động sản, còn hoạt động kinh doanh phân bón chủ yếu tạo doanh thu chứ lợi nhuận không đáng kể.

Vẫn đang là giấc mơ

Cách đây 1 năm, giá cổ phiếu DRH chỉ giao dịch quanh mức 5.000 đồng/cổ phiếu. Từ cuối năm 2015 cổ phiếu này không ngừng tăng mạnh. Mức đỉnh của giá cổ phiếu DRH đạt được vào ngày 13/7 lên tới 82.000 đồng/cổ phiếu, tức tăng gấp 16 lần chỉ trong vòng chưa đến 1 năm. DRH được xem là một trong những cổ phiếu thần kỳ do tăng quá mạnh trong thời gian qua. Việc DRH bất ngờ tăng vọt được cho là có sự “thay máu” về cổ đông. Theo thông tin công bố từ ngày 15/10 đến ngày 13/11, ông Đặng Đức Thành, Chủ tịch HĐQT Dream House đã bán toàn bộ 5,49 triệu cổ phiếu DRH, tương đương với 29,84% vốn điều lệ. Hiện tại, gia đình cổ đông sáng lập này chỉ còn nắm giữ lượng cổ phiếu tương đương 6,12% vốn điều lệ DRH.

Cùng với sự thay đổi cổ đông thì ban lãnh đạo chủ chốt của DRH cũng thay đổi. Ông Nguyễn Trung Kiên được nhóm cổ đông sở hữu trên 51% vốn đề cử và trúng cử thành viên HĐQT. Cùng với ông Kiên, nhóm cổ đông này cũng đề cử thêm 2 thành viên HĐQT nhiệm kỳ mới 2015 – 2020 gồm ông Phan Tấn Đạt và bà Võ Diệp Cẩm Vân. Tuy nhiên, ông Đạt đã thay ông Kiên làm Tổng Giám đốc từ ngày 20/11/2015.

Sau khi “thay máu” ban lãnh đạo thì DRH đồng thời thay đổi chiến lược kinh doanh. Công ty đã đẩy mạnh đầu tư vào doanh nghiệp bất động sản, phát triển dự án và đầu tư tài chính. Một trong những quyết định gây bất ngờ cho thị trường là DRH đã bỏ ra gần 100 tỷ để sở hữu 10% Công ty CP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (KSB). Mức giá mà DRH bỏ ra mua KSB hơn 40.000 đồng/cổ phần, gấp đôi so với mức giá đầu năm của cổ phiếu này.

Trước đó cuối năm 2015, DRH cũng gây sự chú ý của thị trường khi HĐQT công ty này đã thông qua việc nhận chuyển nhượng toàn bộ dự án Cao ốc căn hộ thương mại dịch vụ An Phú Long Land 1 từ Công ty CP Địa ốc An Phú Long với giá trị dự kiến 110 tỷ đồng. Đây là dự án có quy mô tương đối nhỏ tại đường Huỳnh Tấn phát, Quận 7, TPHCM với diện tích 2.820m2 và tổng mức đầu tư dự kiến 333 tỷ đồng.

Phối cảnh dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tại xã Lộc An, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Ngoài dự án đó DRH cũng đang có kế hoạch đầu tư vào một loạt dự án khác như đầu năm 2015, HĐQT của DRH cũng đã thông qua chủ trương đầu tư vào dự án Khu căn hộ cao tầng 277 Bến Bình Đông, phường 14, quận 8, TP.HCM. Dự án có quy mô tầng cao dự kiến là 25 tầng và dân số 900 người, diện tích sử dụng đất 5.465,4 m2 với hệ số diện tích sử dụng đất 7,5 lần. Tiếp đó, DRH tiếp tục chi 120 tỷ đồng nhận chuyển nhượng dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tại xã Lộc An, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Mới đây, công ty này cũng đã công bố chỉ tiêu kinh doanh năm 2016 với tổng doanh thu đạt 553,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 67,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong báo cáo bán niên công ty này mới chỉ đạt hơn 12% kế hoạch về doanh thu và 20% kế hoạch lợi nhuận.

Việc giá cổ phiếu DRH lao dốc không phanh ngoài việc kết quả kinh doanh khá thấp so với kế hoạch còn do DRH chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi “thảm họa TTF”. Mã cổ phiếu TTF lao dốc từ mức 40.000 đồng/cổ phiếu, xuống chỉ còn 8.100 đồng/cổ phiếu chỉ trong vòng 1 tháng. Trước đó, TTF đã tăng trưởng “thần kỳ” sau khi Vingroup đầu tư và đưa người vào quản trị nhưng khi số lỗ hơn 1.000 tỷ đồng được công bố thì cổ phiếu này đã sụp đỗ hoàn toàn và người sáng lập công ty và những người liên quan đã phải ra đi.

Việc DRH, TTF cùng nhau lao dốc ắt hẳn có nguyên nhân của nó. DRH sau khi tăng vốn và gia đình ông Võ Trường Thành (cựu chủ tịch TTF) cùng đầu tư mạnh vào Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (KSB). Ngoài ra, trong đợt phát hành tăng vốn của DRH thời gian qua trong 25 cổ đông mới có những người liên quan đến KSB và TTF.

Sau khi tăng vốn điều lệ lên 490 tỷ đồng cũng khó làm cho DRH trở thành một đại gia bất động sản vì đây là số vốn khá nhỏ trong kinh doanh bất động sản. Hơn nữa những dự án mà DRH công bố thời gian qua cũng khó có thể mang lại lợi nhuận vượt trội. Sự thật “trần trụi” tại TTF khiến cho người ta không thể không liên tưởng tới câu chuyện tương tự có thể xảy ra tại DRH. Như vậy, những người kỳ vọng lớn khi đầu tư cổ phiếu của Dream House cũng có thể chỉ còn là một giấc mơ, thậm chí có thể là cơn ác mộng.

Hoàng Nam
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.