02/01/2014 3:00 PM
CafeLand - Năm 2013 là một năm khó khăn của nền kinh tế, điều này được thể hiện rất rõ bởi cảm nhận của người dân lẫn các con số thống kê. Tuy nhiên, theo số liệu vừa công bố thì GDP theo giá hiện hành bỗng dưng tăng vọt. Ngoài ra, một số chỉ tiêu của nền kinh tế kinh tế vĩ mô cũng đang vào cuộc đua thần tốc để mong cán đích êm đẹp.

Chỉ tiêu kinh tế tốt lên một cách bất thường

Vào đầu tháng 12 vừa qua, tại Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam (VDPF), Thủ tướng cho biết thu nhập bình quân đầu người năm 2013 của người dân Việt Nam khoảng 1.960 USD. Lập tức thông tin này đã gây xôn xao trong dư luận vì so với con số công bố chính thức của năm trước thì thu nhập bình quân đầu người Việt Nam tăng 23%. Đây là một mức quá cao đối nghịch với những khó khăn trong của nền kinh tế suốt thời gian qua.

Trên niêm giám thống kê, Tổng Cục Thống kê (TCTK) đã điều chỉnh tổng số giá trị GDP theo giá thực tế những năm trước đó lên mức khá cao. Chỉ riêng năm 2012, GDP đã tăng hơn 300.000 tỷ đồng, tức khoảng 15 tỷ USD so với số liệu công bố trước đó.

Vào thời điểm đó ngay cả các nhà kinh tế cũng không hiểu vì sao người dân Việt Nam “bỗng dưng giàu” lên nhanh như vậy. Cuối cùng giải đáp này cũng có phần nào câu trả lời khi ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Tài khoản quốc gia, TCTK, đã giải thích: “Trong quá trình điều tra thu thập thông tin những năm gần đây và làm việc với chuyên gia quốc tế về quy mô GDP của Việt Nam, TCTK nhận thấy một số lĩnh vực thời gian qua đã phản ánh chưa hết. Vì vậy, TCTK đã điều chỉnh tăng quy mô giá trị gia tăng của lĩnh vực ngân hàng, và khấu hao nhà tự có tự ở của dân cư”.

Cũng liên quan đến tăng trưởng kinh tế thì cũng có sự biến động rất bất thường. Cụ thể, theo TCTK thì tăng trưởng GDP quý IV đã lên đến 6,04%, trước đó quý I tăng 4,76%; quý II tăng 5,00%; quý III tăng 5,54%. Nhờ việc tăng mạnh của GDP những quý gần đây GDP cả năm tăng được 5,42%, gần chạm mốc mục tiêu 5,5%.

Thông thường do tính chu kỳ GDP càng về cuối năm tăng trưởng cao. Tuy nhiên, riêng trong năm 2013 lại có khá nhiều yếu tố bất thường vào cuối năm. Chẳng hạn, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý IV bổng tăng vọt 8%, trong khi các quý trước đó đều tăng quanh mức 5%.

Tăng trưởng lĩnh vực công nghiệp thấp hơn năm trước nhưng tăng trưởng khu vực dịch vụ lại cao hơn nhiều so với năm trước. Cụ thể, tăng trưởng khu vực dịch vụ năm 2013 lên đến 6,56%, cao hơn rất nhiều so với 2 năm trước đó.

Một bất thường khác không thể không nhắc tới là giá trị GDP theo giá hiện hành vào quý IV lại tăng rất cao. Cụ thể, GDP theo giá hiện hành quý IV lên tới 1.163,38 tỷ đồng, cao hơn 44% trung bình 3 quý trước. Đây là một mức chênh lệch rất cao so với năm trước. Mức tăng nay khác biệt so với cảm nhận thực tế của nhiều người.

Tăng trưởng GDP tính theo USD của Việt Nam đang cao hơn rất nhiều so với tăng trưởng GDP thực.

Nguồn: TCTK và tác giả

Lợi ích mang lại

Thời gian qua chúng ta chứng kiến những câu chuyện bi hài là khắp nơi người ta tranh nhau làm hộ nghèo. Thậm chí rất nhiều nơi còn xảy ra đánh nhau, kiện cáo vì không được xếp vào hộ nghèo. Câu chuyện tưởng chừng như rất vô lí này nhưng suy nghĩ kỹ lại hợp lý. Không ai thích người ta biết là mình nghèo nhưng nếu “bị nghèo” mà nhận được các quyền lợi như tiền, các chương trình ưu đãi thì mọi sỹ diện cũng chỉ là chuyện nhỏ.

Cũng tương tự câu chuyện “hộ nghèo” ở trên nhưng ở quy mô lớn hơn là câu chuyện về việc GDP các địa phương. Trong những năm qua theo báo cáo từ các tỉnh thì GDP tổng cộng tất cả các tỉnh luôn cao ngất ngưỡng và vượt xa GDP bình quân cả nước. Nguyên sân sâu xa của nó không chỉ là sai lệch trong cánh tính mà từ “bệnh thành tích” của các địa phương đã trở thành “mãn tính”. Không khó để chứng kiến chuyện hài hước là nhiều tỉnh vùng sâu vùng xa luôn báo cáo GDP tăng trưởng mỗi năm 2 con số trong nhiều năm liền. Tuy nhiên, mỗi lần “xin” ngân sách lại luôn kêu nghèo kể khổ.

Trước năm 2008, thu nhập bình quân đầu người Việt Nam dưới 1.000 USD và được xếp vào nước có thu nhập thấp. Vì vậy, Việt Nam nhận được nhiều vốn viện trợ không hoàn lại và dòng vốn vay ưu đãi (ODA) từ cộng đồng quốc tế. Kể từ sau khi chính thức có thu nhập vượt 1.000 USD/người/năm bước vào nhóm nước có thu nhập trung bình thấp thì những dòng vốn ưu đãi dần thu hẹp. Như vậy, về tâm lý mà nói khi vượt qua cái ngưỡng này thì người Việt Nam sẽ mong muốn được người ta xem là nước giàu có. Tất nhiên, con số biểu hiện sự giàu có này đương nhiên là phải qua số liệu GDP.

Trở với câu chuyện GDP Việt Nam bổng dưng tăng hơn 10% so với con số công bố trước đó do thay đổi cách tính. Tất nhiên, là TCTK có lý lẽ riêng của mình khi thực hiện sự điều chỉnh này. Tuy nhiên, việc chọn thời điểm năm 2013 và thông tin công bố một cách đột ngột và thiếu sự giải thích rõ ràng khiến dư luận không thể không bàn tán.

Với việc GDP tăng đột ngột này thì người dân cả nước và đặc biệt dân một số thành phố bỗng dưng có thu nhập tăng vọt và giàu có hơn nhưng chỉ là trên các báo cáo. Bên cạnh đó, một loạt chỉ tiêu khác cũng “đẹp hơn” chẳng hạn như tỷ lệ thâm hụt ngân sách, tỷ lệ nợ công trên GDP. Đặc biệt, rất nhiều người Việt Nam rất tự hào vì nước mình sắp thoát khỏi nước có thu nhập trung bình thấp và thu nhập sắp đuổi kịp Thái Lan, Philippines… Ngoài ra, đâu đó trong các báo cáo sẽ có những con số rất đẹp, thành tựu sáng chói để được đọc lên, tự hào, hãnh diện.

Trở lại với thực tại thì phần lớn người dân Việt Nam vẫn thấy mình nghèo và đang trong một giai đoạn hết sức khó khăn. Đặc biệt, một viễn cảnh phía trước không thực sự sáng sủa khi chưa có dấu hiệu nào cho thấy những yếu kém nội tại của nền kinh tế sẽ sớm được khắc phục. Một sự thay đổi thực sự để tiến gần hơn với các chuẩn mực quốc tế dường như vẫn chưa sẵn sàng ở Việt Nam.

Hồ Xung
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.