05/10/2018 5:43 PM
CafeLand - Tại buổi toạ đàm “Phát triển kinh tế tư nhân: Rào cản và giải pháp” diễn ra sáng 5/10 do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức, các chuyên gia kinh tế đã có những đánh giá về thực trạng cũng như vai trò của doanh nghiệp tư nhân (DNTN) trong sự phát triển kinh tế thời điểm hiện nay.

TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng tới nay vẫn còn có sự phân biệt trong nhận thức dẫn tới sự phân biệt trong đối xử giữa kinh tế tư nhân và các thành phần kinh tế khác.

Bị phân biệt đối xử

Ông Kiên cho biết, tính đến ngày 31/8/2018, cả nước có khoảng 600.000 doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa đang hoạt động, chiếm khoảng 97,5% số DN đăng ký. Tổng số vốn đăng ký chiếm 30% trong tổng số vốn của DN. Chỉ riêng trong năm 2018 cả nước đã có 87.450 DN thành lập mới với số vốn đăng ký là 878.627 tỉ đồng (tăng 2,4% về số lượng và tăng 6,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ 2017). Vốn đăng ký bình quân đạt khoảng 10 tỉ đồng/DN.

Cũng theo ông Kiên, mục tiêu từ nay đến năm 2030 sẽ xây dựng một nước Việt Nam công nghiệp hoá theo hướng hiện đại, tức là sẽ phải xoá dần ranh giới ngay từ khâu truyền thông về DNTN và DNNN, chỉ còn là DN Việt Nam và DN nước ngoài. Lúc này Nhà nước trở thành Nhà nước kiến tạo, Nhà nước phục vụ, không quản lý trực tiếp DN. Mô hình này sẽ linh hoạt hơn, nhường quyền quyết định về kinh tế vi mô cho DN để có những phản ứng kịp thời, hợp lý hơn với những diễn biến của kinh tế trong nước và quốc tế, chứ không phải bằng các quyết định hành chính.

TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội.

Luật cũng đã mở ra những hướng ưu đãi cho các DN không kể thành phần kinh tế khi tiếp nhận các tiến bộ khoa học công nghệ trên thế giới áp dụng vào Việt Nam. Đặc biệt có những điều khoản nhằm hỗ trợ trực tiếp cho các DN nhỏ và vừa có thể mua được những công nghệ phù hợp với năng lực, trình độ quản lý và sử dụng, nhưng đồng thời bảo đảm bảo vệ môi trường làm việc và môi trường sống.

Ông Kiên cho rằng, sau hơn 3 thập niên đổi mới, mặc dù kinh tế tư nhân (KTTN)đã có sự phát triển đáng khích lệ, nhưng thẳng thắn nhìn nhận thì vẫn còn nhiều hạn chế, và nếu so với các nước trong khu vực thì vẫn chưa có nhiều đột phá.

Bên cạnh yếu tố quản lý nhà nước, có nguyên nhân quan trọng là bản thân nhiều DN Việt chưa đáp ứng được 5 yếu tố quyết định, bao gồm chiến lược kinh doanh, quản trị DN, ứng dụng khoa học công nghệ, quản lý lao động và đào tạo nguồn nhân lực.

“Không ít DN Việt Nam không mấy hứng thú với cách thức phát triển bền vững, chủ yếu phát triển theo hướng “mì ăn liền”, muốn có tiền tươi thóc thật ngay, chưa phát triển theo hướng chuyên nghiệp, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Dù Chính phủ có tạo điều kiện nhiều đi nữa nhưng bản thân các doanh nhân, DN không tự làm mới mình thì cũng rất khó để chúng ta chứng kiến bước đột phá trong ngắn và trung hạn”, ông Kiên nhận xét.

Một vấn đề đặt ra không kém phần bức xúc là hiện nay dư luận xã hội vẫn có cái nhìn không mấy thiện cảm đối với đội ngũ doanh nhân và đặc biệt là khối DN tư nhân. Theo ông Kiên, tới nay vẫn còn có sự phân biệt trong nhận thức dẫn tới sự phân biệt trong đối xử giữa kinh tế tư nhân và các thành phần kinh tế khác.

“Tôi xin lấy một ví dụ nhỏ, trong Liên hoan phim tại Đà Nẵng tháng 11/2017 vừa qua, các phương tiện thông tin đại chúng đều đưa “tại liên hoan có 30 phim của DN tư nhân, không có một phim nào của DNNN”, mà chưa đổi thành “phim của DN Việt Nam” và “phim của DN có vốn đầu tư nước ngoài”. Có nghĩa là từ trong nhận thức một số người vẫn chưa từ bỏ được thói quen phân biệt DN dựa trên hình thức sở hữu”, ông Kiên dẫn chứng.

Bên cạnh đó, vấn đề xử lý mối quan hệ giữa DN và các vấn đề xã hội không được đặt thành chiến lược lâu dài của đội ngũ doanh nhân, mà chỉ coi đó là các tình huống xử lý điểm nóng, sự vụ. Nhiều DN chưa đặt vấn đề bảo vệ môi trường, bảo đảm quyền lợi cho người lao động là những yếu tố cấu thành quan trọng giúp cho DN phát triển bền vững. Tỷ lệ các DN tư nhân chưa thực hiện tốt các yêu cầu về bảo vệ môi trường, chưa chăm lo tốt cho người lao động thông qua việc mua bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội luôn chiếm tỷ trọng cao so với các loại hình DN khác.

Đánh giá lại vai trò của KTTN

Nhìn nhận về vai trò của khối KTTN trong sự phát triển nền kinh tế đất nước, Viện trưởng viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, TS. Nguyễn Đình Cung, nghi ngờ về con số thống kê GDP của khu vực này.

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương.

Theo ông, số liệu thống kê cho thấy khu vực này đóng góp 9% GDP vào nền kinh tế, con số này kéo dài từ khi có Luật doanh nghiệp đến thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, từ năm 2000, khi KTTN đã có sự bùng nổ, GDP khu vực này chỉ tăng thêm 1 điểm %.

“Do đó, cần phải đánh giá lại để thay đổi những nhận định chính trị, vì những nhận định đó là các rào cản căn bản đối với phát triển đất nước nói chung và khu vực KTTN nói riêng. Các con số doanh thu, lợi nhuận đều cao, nhưng đóng góp GDP lại thấp”, TS. Cung nhấn mạnh.

Ông Cung cho biết, từ năm 1991, Luật Doanh nghiệp tư nhân thừa nhận về mặt pháp lý sự tồn tại KTTN. Ở Việt Nam mới xuất hiện 4 tỷ phú, con số này vẫn rất nhỏ so với thế giới, và chưa có doanh nghiệp nào ngấp nghé ở top các doanh nghiệp hàng đầu. Lý do có thể tự do kinh doanh nhưng không có an toàn trong hoạt động kinh doanh.

Cụ thể, môi trường kinh doanh có nhiều rủi ro về mặt thể chế. Doanh nghiệp Việt, bên cạnh các rủi ro thông thường, phải đối mặt rủi ro pháp lý. Điều này đến từ hệ thống pháp luật không cụ thể, không rõ ràng, không minh bạch, không hiệu lực, không hiệu quả.

“Với sự áp dụng tùy ý tùy tiện, với một doanh nhân, họ không thể tính toán được lâu dài, cách tốt nhất là họ làm nhỏ và không lớn, không chính thức. Càng không chính thức ở Việt Nam, càng rủi ro”, TS. Cung nhận định.

Mặt khác, với những DN muốn lớn, họ không lớn được. Với một doanh nghiệp có ý tưởng kinh doanh tốt, họ cần nguồn lực để phát triển, nguồn lực đó không thể đến từ vốn gia đình, bạn bè hay vốn của mình. Trong khi Việt Nam phân bố nguồn lực theo cơ chế xin – cho, thay vì dựa trên tiêu chí chất lượng ai làm tốt.

Trong khi đó, ông Kiên cho rằng, bên cạnh ưu thế là giải quyết việc làm so với DNNN và DN FDI thì đóng góp của khối DNTN trong nguồn thu ngân sách vẫn còn hạn chế. Rất ít các DN thuộc loại tỷ đô của Việt Nam đi lên từ ứng dụng khoa học công nghệ mà chủ yếu là từ lĩnh vực kinh doanh bất động sản hoặc có gắn với kinh doanh bất động sản.

Chính vì thế, để giải quyết tốt mối quan hệ của tam giác phát triển gồm tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, và bảo vệ môi trường, đòi hỏi cả từ 2 phía cơ quan quản lý nhà nước và DNTN phải có tư duy đột phá để vừa thực hiện tốt việc phát triển kinh tế, đảm bảo lợi nhuận cho dòng vốn đầu tư, nhưng đồng thời cũng phải thực hiện trách nhiệm xã hội để đất nước có thể phát triển bền vững.

Còn theo ông Nguyễn Trung, chuyên gia tư vấn kinh tế của cố Thủ tướng Phan Văn Khải, phải chú trọng và tập trung giải quyết nguồn nhân lực. Trong những năm gần đây, khu vực KTTN đang phát triển rất năng động, các doanh nghiệp tự tìm kiếm, khai phá rất quyết liệt. Để phát triển nhanh và mạnh hơn nữa, bắt buộc phải có nhiều giải pháp, trong đó có về vấn đề nhân lực. “Chúng ta phải đảm bảo được cung ứng nhân lực cho nền kinh tế, đặc biệt với các DN vừa và nhỏ. Về các tập đoàn lớn, họ đã tự chủ được phần nào về vấn đề này”, ông Trung nhấn mạnh.

  • Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2018 sẽ đạt 7%

    Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2018 sẽ đạt 7%

    CafeLand – Đây là dự báo được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đưa ra tại hội nghị “Bước kế tiếp trong tạo thuận lợi thương mại tại Việt Nam” do Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng phối hợp với Liên minh tạo thuận lợi thương mại toàn cầu (GAFT) và Tổng cục Hải quan tổ chức hôm qua (10/9).

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.