Cập nhật 18/02/2016 8:40 AM
Tôi sinh ra trong một gia đình luôn gặp vấn đề về tiền bạc khi bố là thợ điện, mẹ làm nội trợ và lúc nào nhà cũng kẹt tiền.

Năm tôi hơn mười tuổi, cả hai ly thân, rồi sau đó ly dị. Việc này càng khiến họ thêm áp lực tài chính và chắc chắn chẳng đủ tiền trả học phí đại học cho tôi. Vì thế, khi tốt nghiệp một trong những trường kinh doanh danh giá nhất nước năm 1995 - trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania, tôi gánh khoản nợ học phí 40.000 USD. Khi ấy, tôi đã quyết định trong vòng 8 năm sẽ phải thoát khỏi hố đen tài chính này và có tài sản một triệu USD.

Tôi đã làm như thế này:

1. Đặt mục tiêu

Đây là phần quan trọng nhất, nhưng thường xuyên bị mọi người bỏ qua. Mục tiêu bạn đặt ra phải thật cụ thể, nêu rõ kết quả mong muốn, ngày hoàn thành và chi tiết các bước để làm điều đó.

Carol Roth hiện là cộng tác viên cho CNBC, tác giả sách và cũng là một doanh nhân. Ảnh: Carol Roth

Mục tiêu của tôi là kiếm triệu USD trước năm 30 tuổi. Tôi chọn nó vì gia đình không có nhiều tiền tiết kiệm. Tôi không muốn để tình trạng này kéo dài mãi. Tôi nhận ra rằng nếu có 1 triệu USD trong ngân hàng, tôi có thể mạo hiểm hơn, linh hoạt hơn và bớt stress.

Tuổi 30 cũng là một mốc thời gian khá thách thức, nhưng không phải là không thể. Ngày nay, công nghệ biến nhiều người thành tỷ phú từ lúc rất trẻ. Nhưng vào thời của tôi, năm 1995, tôi còn chẳng có máy nhắn tin, chứ đừng nói đến điện thoại di động. Tôi cũng không có máy tính riêng, phải dùng máy ở trường. Thế nên, 1 triệu USD là mục tiêu rất đáng.

Có mục tiêu sẽ giúp bạn có đích phấn đấu. Nó cũng là mốc chuẩn để đánh giá liệu việc này việc kia có giúp bạn hoàn thành mục tiêu hay không.

2. Chọn việc lương cao, nhiều cơ hội

Bước tiếp theo là tìm một công việc trả cho mình nhiều tiền nhất có thể, mà vẫn giúp tôi có được những kỹ năng cần thiết để thăng tiến. Hồi đó, tôi đã chọn mảng tài chính doanh nghiệp trong một ngân hàng đầu tư, với mức lương năm đầu là 85.000 USD và chỉ vài năm sau đã lên 6 chữ số.

Không chỉ chọn đúng nghề, tôi còn chọn đúng công ty nữa. Dù có thể đầu quân cho những hãng quyền lực, như Goldman Sachs, tôi lại chọn một cái tên nhỏ hơn. Vì khi ấy, tôi có cơ hội thăng tiến tốt hơn và kiếm được nhiều hơn về sau.

3. Làm việc chăm chỉ

Hồi đó, tôi đã làm việc điên cuồng. Tôi làm việc từ 16-18 giờ mỗi ngày, 6-7 ngày một tuần. Tôi thường xuyên thức đêm để học và làm nhiều nhất có thể.

4. Tự đề cử bản thân

Dĩ nhiên, tôi sẽ không để công sức của mình lãng phí vô ích. Tôi thường xuyên nói với cấp trên về việc mình đang làm và bản thân kỳ vọng điều gì. Khi cho rằng mình đang làm công việc của cấp cao hơn, tôi sẽ đề xuất việc thăng chức. Tôi được gọi là người tự đề cử. Nhưng đúng là tôi cũng được thăng chức rất nhanh. Điều này đã khiến thu nhập của tôi tăng nhanh chóng, và đến năm 25 tuổi đã là phó chủ tịch.

5. Giữ chi phí ở mức tối thiểu

Đây là điều trước giờ bố tôi luôn nhắc nhở. Khi đồng nghiệp sống trong những căn hộ 2 hoặc 3 phòng ngủ, tôi vẫn ở trong căn hộ rất nhỏ. Mà tôi cũng không thường xuyên ở đó, chủ yếu là tại cơ quan thôi. Tôi đi xe bus đến nơi làm việc, ăn tại công ty bất kỳ lúc nào có thể và không dùng truyền hình cáp. Còn khi phải ăn ngoài, tôi sẽ tính toán thực đơn cẩn thận. Việc này cho phép tôi tiết kiệm đáng kể chi phí hàng tháng và thực hiện các bước tiếp theo.

6. Trả nợ dần dần

Thời đó, lãi suất cao hơn bây giờ nhiều. Tôi không nhớ chính xác mình phải trả bao nhiêu, nhưng nó nằm trong khoảng 6-9%. Vậy nên, khi bắt đầu đi làm, tôi đã trả lần lượt từng khoản nợ học phí, và hoàn tất sau khoảng 1,5 năm.

7. Đầu tư

Khi đã trả xong nợ, thu nhập tăng dần lên, tôi vẫn giữ chi phí ở mức thấp và bắt đầu tiết kiệm. Tôi cũng trích một phần tiền tiết kiệm để đầu tư vào các quỹ hưu trí, mua cổ phiếu và trái phiếu nữa.

Khi sự nghiệp thăng tiến, tài sản của tôi cũng tăng đáng kể, tôi lại càng dễ dàng đầu tư thêm nữa. Tôi rời bỏ công việc trong ngành ngân hàng đã gắn bó 5 năm qua để mở công ty riêng và mua cổ phiếu các công ty khác. Nếu còn ở chỗ làm cũ, chắc tôi đã đạt mốc 1 triệu USD sớm hơn 1,2 năm rồi. Nhưng tôi muốn khởi nghiệp, và tôi cảm giác dù gì mình cũng vẫn đạt được mục tiêu.

8. Đừng quá để tâm đến thất bại

Dĩ nhiên, chẳng có con đường nào là bằng phẳng cả. Một trong những thất bại lớn nhất của tôi là cho một người quen của gia đình vay gần 40.000 USD năm 1997. Khi ấy, tôi mới bắt đầu tiết kiệm. Sau đó, ông ta xù nợ khi mới chỉ trả rất ít. Nhưng tôi quyết định không chú tâm vào việc đó nữa và tập trung vào tương lai, vào những thứ mình có thể kiểm soát.

Thế là, đến năm 30 tuổi, tôi đã vượt mốc 1 triệu USD. Điều khiến tôi cảm thấy hài lòng nhất là nó cho phép mình có sự linh hoạt. Hai vợ chồng tôi đã vạch ra một kế hoạch cho tương lai, với những nghề nghiệp mạo hiểm hơn. Chúng tôi không phải lo lắng về tài chính như bố mẹ tôi trước đây nữa.

Tiền bạc không phải là mục tiêu duy nhất của tôi. Nhưng cách tiếp cận mang tính công thức này cũng sẽ giúp ích cho bạn khá nhiều, bất kể bạn đang theo đuổi loại mục tiêu như thế nào.

Hà Thu (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu Việt Nam. Cung cấp thông tin bất động sản, thông tin mới nhất thị trường nhà đất và mua bán nhà đất tại Việt Nam. Network CafeLand gồm có: CafeLand Nhà Đất, CafeLand TV, CafeLand Map, CafeLand Proptech….