Cập nhật 17/02/2020 11:11 AM
Nhà đầu tư châu Âu dành nhiều thời gian hơn để phản hồi, xem xét kế hoạch kinh doanh, chiến lược phát triển... trước khi ra quyết định.

Dựa vào kinh nghiệm của nhiều startup khi gọi vốn trước các nhà đầu tư châu Âu, ông Russ Heddleston - đồng sáng lập kiêm CEO DocSend gợi ý một số xu hướng chung giúp startup chuẩn bị tốt hơn trước khi gọi vốn. Ông Russ Heddleston từng là quản lý sản phẩm của Facebook và giữ vị trí cấp cao tại Dropbox, Greystripe và Trulia.

Cần đủ tiền để sống sót trong 9-12 tháng

Khi gọi vốn tại châu Âu, bạn có thể phải chờ đến hai tuần mới nhận hồi âm. 50% số startup mà DocSend khảo sát được nhà đầu tư liên hệ trong vòng 15 ngày. Nhiều startup phải chờ đến hai tháng. Có thể do nhà đầu tư quá bận rộn, cần xem xét quá nhiều startup tiềm năng. Một phần do tâm lý nhà đầu tư châu Âu không quá gấp gáp như người Mỹ.

Dù vì lý do gì, startup cũng cần phải sống sót và đủ "khỏe mạnh" để chờ đến khi gọi được vốn. Russ Heddleston khuyên doanh nghiệp nên có đủ vốn để hoạt động trong 6 tháng, tốt nhất là cho 9-12 tháng, để tránh tâm lý gấp gáp và khiến bạn rơi vào "cửa dưới" khi thương lượng.

Trong khi đó tại Mỹ, nhà đầu tư thường phản hồi nhanh chóng hơn. 50% startup chỉ chờ khoảng 9 ngày. Nhà đầu tư Mỹ cũng thoải mái hơn với việc "đốt tiền". Nhiều quỹ chỉ quan tâm những dự án tăng trưởng lợi nhuận hàng trăm lần để nhanh chóng hồi vốn và có lãi. Do đó nếu vững tin vào khả năng tăng trưởng nhanh, "đốt" nhiều tiền, startup có thể tìm đến VC Mỹ thay vì châu Âu.

Những nhà đầu tư châu Âu tích cực tham gia vòng hạt giống trong năm 2019. Nguồn: Crunchbase.

Nhà đầu tư đọc rất kỹ bài thuyết trình

Tương tự, nhà đầu tư châu Âu cũng dành rất nhiều thời gian để xem xét tài liệu mà startup gửi đến. Theo khảo sát của DocSend, hai năm qua, trong khi số trang thuyết trình giữ nguyên khoảng 19-20 trang, nhà đầu tư dành nhiều hơn 20 giây để đọc bài thuyết trình. Đồng nghĩa họ cân nhắc kỹ hơn vào những chi tiết quan trọng mà startup chọn để đưa vào tài liệu.

Để đạt hiệu quả tốt nhất, Russ Heddleston khuyên startup đầu tư kỹ cho bài thuyết trình này. Chọn những con số "biết nói", thể hiện tốt nhất thành tựu của startup, đảm bảo thông điệp được hiểu đúng, đủ và rõ ràng trong từng trang. Đồng thời, đừng tham thông tin, cần chọn lọc và sắp xếp thông tin theo thứ tự ưu tiên. Hãy nhớ bài thuyết trình ban đầu chỉ mang mục đích duy nhất là gặp trực tiếp nhà đầu tư. Do đó không cần thiết bao hàm toàn bộ chi tiết, chỉ cần đảm bảo bài thuyết trình dễ hiểu và ấn tượng.

Cạnh tranh gay gắt mới gặp được nhà đầu tư

DocSend chứng kiến dòng vốn đầu tư mạo hiểm tăng nhanh trong những năm qua. Tuy nhiên sức hút của các "kỳ lân" khiến các quy mô đầu tư không đa dạng. Dòng tiền có xu hướng tập trung vào một vài tên tuổi nổi trội. Điều này khiến startup thuộc tầm trung cạnh tranh gay gắt hơn để lọt vào "mắt xanh" của nhà đầu tư.

Mặt khác, số lượng nhà đầu tư tại châu Âu trong năm 2019 tăng 56% so với 2018 trên nền tảng kết nối của DocSend. Trong khi đó mức tăng tại Mỹ là 35%. Nhiều nhà đầu tư hơn đồng nghĩa nhiều cơ hội gọi vốn hơn. Tuy nhiên số lượt gọi vốn lại giảm trong năm qua. Nguyên nhân được cho đến từ chất lượng startup gia tăng, dẫn đến bão hòa cơ hội. Với hơn 250 tổ chức tăng tốc khởi nghiệp tại châu Âu, không khó để nhận ra nguồn lực ở khắp mợi nơi. Điều đó lại tạo ra tâm lý khắt khe hơn khi các nhà đầu tư xem xét bỏ vốn vào các startup thuộc giai đoạn sau.

Nhìn chung, nhà đầu tư châu Âu dành nhiều thời gian hơn để xem xét tính khả thi của dự án khởi nghiệp. Một khi đã chú ý một dự án, họ cũng xem xét kỹ lưỡng trước khi ra quyết định. Do đó nếu đang cần vốn nhanh, startup có thể gọi vốn tại Mỹ. Còn nếu muốn một cuộc chơi an toàn và đi đường dài, nhà đầu tư châu Âu là lựa chọn phù hợp hơn.

Theo Enternews
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.