Cập nhật 13/07/2020 4:06 PM
Sự bùng phát của đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng đến tình hình kinh tế thế giới và sẽ mất rất nhiều thời gian để các doanh nghiệp phục hồi hoặc một số startup sẽ không bao giờ phục hồi.

Đây là giai đoạn khó khăn cho các startup, đặc biệt là các startup còn non trẻ, chưa có lợi nhuận. Tuy nhiên, trong thách thức sẽ luôn có cả cơ hội, nếu startup biết tận dụng.

Trong một phỏng vấn với tờ Doanh nhân Châu Á – Thái Bình Dương (Entrepreneur Asia-Pacific), Rajan Anandan, Giám đốc điều hành của Quỹ đầu tư Sequoia Capital India LLP, nói rằng trong khi các ngành như di lịch quốc tế, khách sạn sẽ mất rất nhiều thời gian để hồi phục thì đại dịch cũng mở ra cơ hội cho những ngành như: công nghệ y tế, y tế số, các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và vệ sinh, thương mại điện tử,… Ông cũng chia sẻ về chương trình tăng tốc khởi nghiệp Surge của Quỹ nhằm giúp đỡ các công ty có thể phát triển ra toàn cầu. Mời bạn đọc cùng theo dõi nội dung bài phỏng vấn.

Ông Rajan Anandan, Giám đốc điều hành của Quỹ đầu tư Sequoia Capital India LLP

Ông Rajan Anandan, Giám đốc điều hành của Quỹ đầu tư Sequoia Capital India LLP

- Đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh kế toàn cầu và đặc biệt là các startup. Theo ông, các startup trong lĩnh vực nào sẽ được lợi từ hoàn cảnh này và startup nào sẽ không thể vực dậy trong tương lai?

Rất nhiều ngành dọc có tiềm năng phát triển nếu họ có thể tái cấu trúc. Trong chỉ vài tháng qua, Chúng ta đã chứng kiến hành vi người tiêu dùng thay đổi một cách chóng mặt, một việc đòi hỏi nhiều năm mới thực hiện được nay chỉ cần vài tháng. Công nghệ giáo dục là một ví dụ nơi mà không chỉ số lượng người sử dụng phương pháp giáo dục trực tuyến đã tăng lên gấp đôi thành 90 triệu người ở Ấn Độ mà số lượng người dùng trả tiền cũng tăng gấp đôi. Điều này thực sự là chưa hề có tiền lệ.

Trong một thời gian ngắn, chúng ta chứng kiến một số ngành có sự tăng trưởng vượt bậc như công nghệ giáo dục, y tế số, sản phẩm y tế và vệ sinh, thương mại điện tử đặc biệt là những ngành mà chuỗi cung ứng không hề bị gián đoạn như là công cụ làm việc từ xa và phương tiện kết nối..

COVID-19 cũng khiến cho các ngành số hóa nhanh hơn. Các doanh nghiệp lớn tăng gấp đôi sau khi số hóa. Việc số hóa của các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng được đẩy nhanh ở Ấn Độ và các nước Đông Nam Á và Surge rất hào hứng được chứng kiến sự thay đổi này ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Các ngành khác như du lịch quốc tế và khách sạn sẽ mất một thời gian lâu nữa mới hồi phục và những ngành như bán lẻ và nhà hàng cũng sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều. Sẽ khó hơn cho các startup trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nền này hồi phục trong giai đoạn tới. Mặc dù còn nhiều khó khăn trong một số ngành song chúng tôi rất lạc quan về tương lai lâu dài. Các startup nếu tồn tại được trong 12-18 tháng tới sẽ mạnh hơn gấp 10 lần và họ sẽ xem đây là cơ hội để tái cấu trúc doanh nghiệp..

- Sau thời kỳ COVID-19, việc đầu tư sẽ thay đổi như thế nào, cả về đầu tư giai đoạn đầu và giai đoạn cuối?

Mặc dù Sequoia Ấn Độ và vài quỹ khác vẫn tiếp tục tìm kiếm đầu tư vào các startup, tuy nhiên tôi nghĩ tốc độ đầu tư sẽ chậm hơn trong vài tháng tới.

Tuy nhiên, việc đầu tư sẽ dồn vào các công ty tốt nhất có thể giải quyết các vấn đề thách thức của thế giới trên diện rộng. Thế giới hậu COVID-19, chúng tôi tin rằng sẽ chỉ có các startup cung cấp các giải pháp và sản phẩm thiết thực, làm cho khách hàng yêu thích và có mô hình kinh doanh với lợi nhuận khả thi mới nhận được đầu tư. Chúng tôi nhận thấy các hoạt động nổi bật trong vòng hạt giống và Series A và đặc biệt là gọi vốn vòng hạt giống sẽ phục hồi nhanh chóng.

Các vòng gọi vốn giai đoạn sau vẫn tiếp tục nhưng sẽ có nhiều rào cản hơn. Kỷ nguyên của tăng trưởng thay vì lợi nhuận đã kết thúc. Các nhà đầu tư giai đoạn sau sẽ muốn tìm kiếm những cỗ máy kiếm tiền, các startup có lợi nhuận thay vì chỉ mở rộng và tăng trưởng nóng.

- Ông có thể dự đoán trước cách một vài startup hợp tác để tìm ra giải pháp để đối phó với các vấn đề hậu COVID-19? Liệu các startup này đã bắt đầu?

Họ đã làm rồi. Ví dụ, một vài công ty đã phải cho các nhân viên nghỉ phép. Trong lúc đó, một số công ty cần người để thực hiện các dự án nhưng không thể trả tiền để họ làm fulltime được sẽ tuyển dụng những người này. Tại Sequoia Ấn Độ, các công ty cùng nhau chia sẻ nhân sự và đội ngũ kỹ sư trong thời gian ngắn. Chúng tôi có 80 công ty và 250 kỹ sư tham gia chương trình này.

Trong số các công ty của Surge, Qoala (Surge đợt 01) và BukuKas (Surge đợt 03) đã hợp tác với nhau để cung cấp bảo hiểm Covid cho các kỹ sư người Indonesia.

Không chỉ các startup, chúng tôi cũng nhận thấy sự hợp tác trong hệ sinh thái giữa các công ty và các ngành để vượt qua các thách thức liên quan đến Covid.

Ở Ấn Độ, một vài người từ các startup và quỹ đầu tư đã họp lại với nhau để thành lập Đội Hành động Covid (Action Covid Team – ACT). ACT đưa ra các giải pháp sáng tạo để vượt qua đại dịch, đây cũng là tổ chức đầu tiên trên thế giới thực hiện nhiệm vụ này.

Chúng tôi cũng nhận thấy một vài công ty ở Surge và Sequoia Ấn Độ đang cộng tác cùng với một số cơ quan và chính phủ để giải quyết các vấn đề Covid.

- Theo ông, các startup phải thích nghi với “trạng thái bình thường mới” như thế nào?

Cuộc khủng hoảng hiện nay là chưa từng có tiền lệ, chúng ta không thể chắc chắn sẽ ra sao trong thời gian tới và còn quá sớm để biết trạng thái bình thường mới cuối cùng sẽ là gì? Hãy cùng chờ xem các tháng tới sẽ ra sao đã.

Trên quy mô toàn cầu, các ngành công nghiệp và các doanh nghiệp sẽ thay đổi cách họ tương tác, bán hàng, giao tiếp và định hướng hệ sinh thái của mình – và các founder và các nhà lãnh đạo cần phải nhanh chóng đưa ra các quyết định mang tính then chốt để tồn tại và cuối cùng là sống sót trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Mọi doanh nghiệp đều cần phải chuẩn bị cho các kịch bản khác nhau và sẵn sàng để tái cấu trúc công ty mình có lẽ là vĩnh viễn.

- Thị trường bán lẻ xuyên biên giới sẽ thay đổi thế nào sau COVID-19 với sự xuất hiện của Jio-Facebook?

Thị trường bán lẻ trực tuyến là những doanh nghiệp được hưởng lợi nhiều nhất trong đại dịch. Với việc nhiều người không thể ra ngoài thì nhu cầu mua các nhu yếu phẩm qua mạng càng tăng cao. Một số ngành cũng nhận thấy sự thay đổi thói quen của người tiêu dùng. Cuộc khủng hoảng hiện nay đã tạo ra sự bùng nổ cho các startup bán lẻ trực tuyến và là cơ hội ngoài tưởng tượng để số hóa 13 triệu cửa hàng bán lẻ của Ấn Độ. Chúng tôi nhận thấy tiềm năng lớn để thúc đẩy số hóa các cửa hàng nhỏ lẻ và tạo ra một nền tảng thương mại điện tử khổng lồ.

- Chương trình tăng tốc khởi nghiệp Surge đợt ba có rất nhiều startup Ấn Độ gây ấn tượng. Họ đã thay đổi thế nào trong những năm qua?

Ở Ấn Độ, hệ sinh thái khởi nghiệp giai đoạn đầu đã phát triển theo những cách mà chúng tôi không hề ngờ tới. Hiện tại chúng tôi có các công ty Ấn Độ đang phát triển thành các công ty toàn cầu từ giai đoạn đầu. Thập kỷ vừa qua, chúng tôi cũng chứng kiến hệ sinh thái khởi nghiệp từ giai đoạn “thai nghén” trở thành hệ sinh thái lớn thứ ba trên thế giới. Năm 2010, Ấn Độ có hơn 1.000 startup, không có kỳ lân nào và rất ít quỹ đầu tư mạo hiểm. Năm 2019, Ấn Độ có hơn 40.000 startup, 30 kỳ lân và các thương vụ đầu tư mạo hiểm trị giá hơn 14,5 tỷ USD.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng hiện nay cũng tạo ra những thách thức đối với việc đầu tư và xem xét các nhu cầu thị trường. Cần phải hành động nhanh chóng và tìm một lối thoát. Hầu hết các sáng lập viên đều đang tập trung để tồn tại. Chúng tôi rất ấn tượng với cách mà các founder hành động nhanh chóng và quyết đoán để chăm lo cho các nhân viên và công ty của mình. Hiện tại họ cũng đã trải qua 3 tháng của cuộc khủng hoảng và chúng tôi nhận thấy nhiều founder của Surge đang tập trung để tái cấu trúc doanh nghiệp và đặt nền tảng cho tăng trưởng.

- Chúng ta có thể kỳ vọng gì ở thế hệ thứ ba vừa bắt đầu?

Thế hệ hiện tại của Surge là thế hệ được phát triển trong thời kỳ khó khăn nhất của lịch sử. Đối với hầu hết các startup này, đây chính là lửa thử vàng. Nhưng đây cũng là lúc mà họ chứng tỏ bản thân mình để trở thành một thế hệ vàng có tầm nhìn 10-20 năm tới và không giới hạn bản thân chỉ bởi các khó khăn trước mắt. Một vài công ty lớn trên thế giới đã được hình thành trong suy thoái và chúng tôi tự tin là sẽ có những công ty như vậy trong thế hệ Surge đợt 3 này.

Từ quan điểm của chương trình, chúng tôi đã đi được một nửa đường của chương trình tăng tốc Surge đợt 3 và cũng là lần đầu tiên mà chương trình được thực hiện hoàn toàn trực tuyến. Các phiên làm việc trọn ngày được tổ chức mỗi tuần một lần, kéo dài trong 16 tuần, bao gồm các hội thảo trực tuyến về xây dựng công ty, các thảo luận nhóm nhỏ và những buổi trò chuyện tương tác bên lề với các cố vấn của Surge như William Tanuwijaya, sáng lập viên kiêm Giám đốc điều hành của Tokopedia; Doug Leone, Đối tác Quản lý toàn cầu; Sequoia Capital và nhiều nhà sáng lập cùng các nhà đầu tư dày dạn kinh nghiệm khác từ Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ và Mỹ. Tất cả các nội dung, diễn giả và nhà lãnh đạo toàn cầu tham gia và các công ty hỗ trợ sẽ vẫn như trước, không thay đổi.

Ngoài ra cũng có một app của chương trình cho phép các thành viên tương tác với nhau. Thật tuyệt khi thấy các founder giúp đỡ lẫn nhau, chia sẻ nguồn tài nguyên và hợp tác. Đây chính là cộng đồng khởi nghiệp mà Surge khơi gợi cảm hứng để hình thành trong những ngày đầu và đến bây giờ cũng không thay đổi.

- Ông có muốn chia sẻ thêm điều gì khác không?

Không bao giờ quá muộn để tham gia chương trình tăng tốc Surge. Chúng tôi rất mong được giúp đỡ các thế hệ founder mới ở Ấn Độ và Đông Nam Á tạo ra những công ty toàn cầu.

Theo khampha
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu Việt Nam. Cung cấp thông tin bất động sản, thông tin mới nhất thị trường nhà đất và mua bán nhà đất tại Việt Nam. Network CafeLand gồm có: CafeLand Nhà Đất, CafeLand TV, CafeLand Map, CafeLand Proptech….