Theo các thống kê, có tới 90% startup sẽ mất đi trong khoảng từ 3 - 5 năm. Các quốc gia đều hình dung startup là tương lai của tăng trưởng, nhưng đây là hoạt động rất rủi ro.
Tại hội thảo “Cơ hội đột phá tăng trưởng kinh doanh”, vấn đề khởi nghiệp (startup) lại được đề cập sôi nổi khi chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành, nhấn mạnh rằng: Ý nghĩa của startup, đối với doanh nghiệp Việt, là làm thế nào sáng tạo hơn, chơi hay hơn, có cách kinh doanh mới hơn, sản phầm lạ hơn và kiếm được nhiều lợi nhuận hơn.
Giáo sư Nguyễn Đức Khương, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho biết, thực nghiệm tại quốc gia khởi nghiệp Israel cho thấy khả năng huy động vốn của 8.000 startupvào năm 2015 đạt tới 3,4 tỷ USD, nhưng tại Pháp có 10.000 startup thì lại chỉ huy động được 1,8 tỷ USD thôi.
Theo ông, startup trước tiên phải là một tinh thần, nhưng đồng thời rất cần năng lực.
Các quốc gia đều hình dung startup là tương lai của tăng trưởng, nhưng đây là hoạt động rất rủi ro. 90% sẽ mất đi trong khoảng từ 3 - 5 năm.
Vấn đề là nếu nói tới khát vọng và tinh thần, thì người Việt Nam không phải không đủ giỏi.
"Đến Israel tôi thấy sự khác biệt là với bất kỳ điều gì, ngườI Israel luôn hỏi tại sao? Còn văn hoá Việt Nam là thích ứng. Người Việt không hỏi tại sao để thay đổi mà hỏi làm gì để thích ứng. Chẳng hạn, ở khách sạn 5 sao cũng được, mà nằm chiếu cói cũng được…", GS. Khương nói.
Vẫn theo ông, đối với startup thì quan trọng là phải có quyết tâm và đi đến cùng sự việc.
TS. Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam cho rằng startup trong nông nghiệp hiện chỉ mới hình thành ở một số địa phương, trong số các địa phương đó thì chỉ ở một số địa bàn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang hình thành đề án để hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp nông nghiệp, ông Tuấn nói.
Theo ông, đối với khởi nghiệp, cần đi từ khâu đào tạo, phần ươm tạo phải có doanh nghiệp lớn tham gia và cần có sự kết nối doanh nghiệp lớn với doanh nghiệp khởi nghiệp.
"Nếu 1 doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp mà lại hỗ trợ, giúp cho 10 doanh nghiệp khởi nghiệp thì [nhà nước] cần phải có hỗ trợ cho doanh nghiệp lớn đó", ông Tuấn nói.
Theo ông Nguyễn Duy, COO của SVF và CEO của Kova Trading, Đề án 844 về “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo quốc gia đến năm 2025” tại Việt Nam đã được triển khai xuống các địa phương.
Hiện nay, các doanh nghiệp khởi nghiệp quan tâm nhiều đến các chính sách của chính phủ trong lĩnh vực này. Vừa rồi, chính phủ đã có nghị định về đầu tư cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, điều này cho thấy chính phủ đã có hỗ trợ và ủng hộ các startup.
Tuy nhiên, vẫn theo ông Duy, Đề án 844 chỉ nói đến có bao nhiêu startup mà chưa nói đến việc đổi mới, sáng tạo...
Một vấn đề lớn là việc bảo vệ sở hữu trí tuệ ở Việt Nam vẫn còn yếu. "Câu hỏi đặt ra, tôi nghiên cứu cái mới nhưng ngày mai tôi bị đánh cắp, ai bảo vệ chúng tôi?", ông Duy nói.
Hoàng Anh (BizLive)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.