Cập nhật 16/01/2014 3:21 PM
Accidental Wine Company chuyên giúp các hãng sản xuất bán những lô hàng bị lỗi với giá rẻ. Còn IP Factory tìm kiếm nhân lực phát triển và thương mại hóa những ý tưởng kinh doanh bị bỏ dở.

1. Hộp các tông cũ

Hộp các tông đã qua sử dụng thường được các công ty tái chế hoặc bỏ đi. Tuy nhiên, với Used Cardboard Boxes, những sản phẩm này lại rất có giá trị. Các trung tâm phân phối của họ tại địa phương sẽ thu mua, phân loại và bán lại chúng với giá rẻ hơn hộp bìa thông thường. Cách làm của họ được quảng cáo thân thiện hơn với môi trường so với tái chế hay vứt bỏ.

Đây là ý tưởng từ năm 11 tuổi của Marty Metro - CEO Used Cardboard Boxes. Thời đó, ông đã bắt đầu mua và bán lại các hộp bìa cũ cho các nhà xung quanh.

2. Sản phẩm đóng chai bị lỗi

Ba cha con David, Micah và Kelly Forbes quen một người bán hàng thỉnh thoảng lại phải giảm giá rượu 50%, chỉ vì nhãn chai bị xước, lỗi đánh máy hay dây bẩn. Khi người hàng xóm không kinh doanh nữa, nhà Forbes đã đề nghị anh này hợp tác thành lập hãng thương mại điện tử Accidental Wine Company năm 2007. Họ giúp các nhà máy rượu và hãng phân phối tiêu thụ các mặt hàng bị lỗi trước khi lô sản phẩm mới được tung ra thị trường.

Tuy nhiên, để tránh làm phật lòng đối tác, họ phải giữ bí mật đã bán giảm giá bao nhiêu % cho người tiêu dùng. David cho biết ông thường trao đổi giá cả với khách hàng qua email hoặc trực tiếp tại công ty. "Những nhà phân phối và hãng rượu không cảm thấy gì khi bán sản phẩm cho chúng tôi với giá rẻ. Nhưng bán trực tiếp cho khách hàng thì họ ngại lắm", ông nói.

3. Ý tưởng kinh doanh bị bỏ dở

Giải quyết sản phẩm cũ đã khó, tiếp quản dịch vụ cũ được đánh giá còn nan giải hơn nhiều. Đó là lý do Carlson mở trung tâm tư vấn IP Factory. Công ty của anh sẽ hợp tác với các hãng có dự án hoặc bản quyền sản phẩm bị bỏ dở. Sau đó, anh tìm các chuyên gia, sinh viên đã ra trường và nhà khởi nghiệp để phát triển và thương mại hóa những ý tưởng trên. Carlson cho biết trên Entrepreneur: "Tôi tìm kiếm các ý tưởng đã được khơi ra nhưng lại bị bỏ dở. Đây là mỏ vàng cho những người thích kinh doanh".

4. Kẹo dẻo bị lỗi

Không phải tất cả các lô kẹo dẻo đều hoàn hảo, một số sản xuất xong có hình vuông, số khác mất logo công ty hoặc mùi vị giống hệt nhau dù loại khác nhau. Vì thế, từ thập niên 90, hãng sản xuất kẹo dẻo nổi tiếng Jelly Belly đã bắt đầu lọc ra các lô kẹo sai hình dạng và bán lại với giá bằng một nửa. Gần đây, họ còn bán qua mạng Internet.

Tomi Holt, người phát ngôn của Jelly Belly cho biết: "Môi trường bán lẻ đã thay đổi rất nhiều trong 20 năm qua. Các nhà bán lẻ phi truyền thống cũng nắm bắt rất nhiều cơ hội để kiếm lời. Thỉnh thoảng, chúng tôi còn thấy những viên kẹo hình dáng ngộ nghĩnh được đem ra đấu giá trên eBay nữa".

Hà Thu (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.