Cập nhật 07/05/2018 1:24 PM
Với những thiết bị đeo đầu nhỏ xinh do công ty Emotiv sản xuất, việc kiểm tra mọi thứ bằng ý nghĩ không còn là chuyện trên serie phim Dị nhân hay trong phòng thí nghiệm.

Tan Le, CEO Emotiv Inc.

Tan Le có thể là cái tên được ít người Việt biết nhưng trên bình diện thế giới thì ngược lại.

Tên tiếng Việt của Tan Le là Lê Thị Thái Tần, sinh ra ở miền Nam Việt Nam, cùng với gia đình đến Úc năm 1982. Năm 1998, khi mới 21 tuổi, Tan Le vừa tốt nghiệp bằng cử nhân luật kinh tế vừa được nước Úc bầu chọn là Người trẻ tiêu biểu của năm. Sau khi Công ty Emotiv do Tan Le sáng lập vang danh thế giới, cô còn có biệt danh "cô gái biết đọc suy nghĩ".

Năm 2003, cùng 3 người bạn, Tan Le thành lập Công ty Emotiv System tại Úc, kết quả của lần hợp tác này là sự ra đời phiên bản đầu tiên của thiết bị đeo đầu (headset) đo điện từ về cách thức não bộ hoạt động (EEG) tên EPOC năm 2009, đây là một trong những thiết bị EEG có sẵn đầu tiên được bán trên thị trường.

Năm 2010, Tan Le đã chia tay các cộng sự, rời Úc đến Mỹ mở Công ty Emotiv Lifesciences Inc tại Thung lũng Silicon với mong muốn Emotiv có thể vươn lên tầm thế giới. Năm 2013, Emotiv Lifesciences Inc chính thức đổi tên thành Emotiv Inc.

Tan Le và một cộng sự hồi đầu mới thành lập Emotiv System

Emotiv Inc hiện là công ty dùng công nghệ EEG để sản xuất các sản phẩm thiết bị đeo đầu, phần mềm, mobile app, sản xuất dữ liệu… Các sản phẩm của Emotiv đều nhỏ gọn, có thể dễ dàng mang về nhà hoặc văn phòng. Emotiv Inc có 3 văn phòng đại diện tại Sydney (Úc), Hà Nội và TP. HCM.

Năm 2009, Tan Le từng là Nhà lãnh đạo trẻ của Diễn dàn kinh tế thế giới, năm 2011 được Forbes bình chọn vào danh sách 50 người mà bạn cần biết.

Trong sự kiện vinh danh 30 Under 30 (những người dưới 30 tuổi có ảnh hưởng nhất trong năm) của Forbes Việt Nam cuối tháng 4 vừa qua, Tan Le đã có một bài nói chuyện đầy cảm xúc về thế giới tương lai, nơi máy móc giúp não bộ con người phát huy nhiều khả năng không tưởng.

Trí tuệ nhân tạo đang chiếm lĩnh thế giới, theo số liệu của Diễn đàn kinh tế năm 2016, đã có 35% công việc tại Mỹ đã được thay thế bằng máy móc sử dụng trí tuệ nhân tạo. Dự báo, năm 2025 con số này sẽ tăng lên mức đáng báo động khoảng 60%.

Câu hỏi đặt ra là: Chúng ta phải làm gì để đảm bảo nguồn thu nhập cơ bản của con người, giúp con người có chỗ đứng tốt trên thị trường lao động và đặc biệt, môi trường tự động hóa không tách bạch với chúng ta?

"Theo tôi, đánh thuế lên robot hay đào tạo lại đều không phải là các giải pháp tối ưu. Thay vì đầu hàng, chúng ta hãy nghĩ theo hướng khác: khiến máy móc giúp chúng ta nâng cao tiềm năng, phát huy hơn nữa tính sáng tạo và khéo léo mà chỉ con người mới có được. Với suy nghĩ đó, năm 2003, tôi cùng 3 cộng sự nữa đã sáng lập ra Emotiv", Tan Le chia sẻ.

Lịch sử nhiều lần chứng minh, khả năng con người chưa bao giờ là tĩnh, chúng ta đã không ngừng phát minh ra các loại máy móc mới nhằm nâng vật nặng hơn, cải thiện khả năng học tập của con người…

Emotiv chuyên khám phá các khả năng tiềm ẩn của não bộ với tham vọng tạo ra một cuộc cách mạng về não bộ, cụ thể: giúp nâng cao khả năng tư duy, cải thiện cách suy nghĩ, cách phản ứng hoặc chúng ta phải làm như thế nào để hiệu quả nhất, trao khả năng tốt hơn cho bộ não con người.

Thiết bị EPOC

Sau khi đeo các headset của Emotiv, tín hiệu điện từ sẽ truyền từ não qua máy, từ đó các nhà khoa học có thể nhanh chóng nghiên cứu tìm ra quy trình hoạt động của não bộ. Khi chúng ta lặp lại một điều càng nhiều lần, tín hiệu điện từ cũng sẽ rõ nét hơn, giúp chúng ta hình dung được cách hành động, suy nghĩ, phán đoán từ não bộ lúc tạo ra một thói quen tốt hoặc xấu.

Ví dụ: từ những điện từ đo được trong quá trình những người thành công xử lý áp lực, chúng ta có thể tìm ra được cách giúp tất cả người bình thường đều có thể xử lý áp lực hiệu quả. Hay sau khi đo điện từ của cầu thủ bóng bầu dục hàng đầu thế giới, chúng ta có thể biết được phương cách xử lý tình huống một cách tối ưu nhất trong khi chơi bóng, rồi dạy cho các cầu thủ bình thường khác. Cơ chế hoạt động chính là: sao chép và áp dụng.

Emotiv hiện có sản phẩm tên là Emotiv Insight, ra mắt năm 2015, được thiết kế giành riêng cho khách hàng có nhu cầu tìm hiểu và cải thiện bộ não của mình.

"Một trong những ứng dụng ấn tượng khác của các headset với công nghệ EEG là khả năng phiên dịch ý nghĩ và hành động ra bên ngoài, dùng não để điều khiển và nhúng bản thân mình với môi trường xung quanh", Tan Le cho biết.

Các headsets của Emotiv sẽ phát huy hết hiệu quả của mình khi Internet vạn vật (IoT) phổ biến toàn thế giới, lúc đó, mọi thứ sẽ được tự động hóa, thế giới tương lai sẽ được kiểm soát chỉ bằng ý nghĩ; kiểm soát và phản hồi sẽ trở thành một vòng liền mạch, mọi thứ sẽ được thao tác cực kỳ nhanh.

Ví dụ: một công nhân sẽ điều khiển rất nhiều máy móc sử dụng trí tuệ nhân tạo trong nhà máy/phân xưởng chỉ bằng ý nghĩ, không phải thao tác bằng tay như hiện tại. Hoặc khi chúng ta nghĩ đến việc đọc sách, đèn trong phòng đọc sách sẽ tự động bật sáng, nghĩ đến chuyện uống cà phê, máy pha cà phê sẽ tự động bật chế độ hoạt động.

"Tất cả những nền tảng công nghệ cho ước mơ điều khiển toàn bộ thế giới bằng ý nghĩ đã có: hệ thống xử lý data, tự động hóa, trí thông minh nhân tạo, thực tế ảo mở rộng, thực tế ảo tăng cường… Giờ điều chúng ta cần chỉ là thời gian mà thôi", CEO Emotiv nhấn mạnh.

Mặc dù những gì nữ doanh nhân sinh năm 1977 này đang thực hiện còn khá trừu tượng đối với nhiều người, song mục đích của Tan Le khi dấn thân vào mảng công nghệ này ngược lại: mang chúng đến cho tất cả mọi người, dân chủ hóa công nghệ, giúp cho tất cả mọi người đều được hưởng lợi.

Bởi, nếu công nghệ tiên tiến rơi vào tay một số ít người ở tầng lớp trên, thì khoảng cách bất bình đẳng xã hội càng lớn, Tan Le nhìn nhận.

Quỳnh Như (The Leader)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu Việt Nam. Cung cấp thông tin bất động sản, thông tin mới nhất thị trường nhà đất và mua bán nhà đất tại Việt Nam. Network CafeLand gồm có: CafeLand Nhà Đất, CafeLand TV, CafeLand Map, CafeLand Proptech….