Cập nhật 16/10/2015 8:28 AM
Didi Dache là đối thủ chính của Uber ở Trung Quốc và vừa được chính thức cấp phép hoạt động ở Thượng Hải, trở thành ứng dụng gọi xe kiểu Uber lớn nhất và hợp pháp đầu tiên trên thị trường 750 triệu thị dân này.
Cũng như Jack Ma của Alibaba, Robin Li của Baidu, Cheng Wei - người sáng lập ra Didi giờ đây là nhân vật thu hút sự chú ý trên thị trường startup khổng lồ của Trung Quốc. Anh là một điển hình của những doanh nhân khởi nghiệp Trung Quốc nổi lên nhờ rập khuôn thành công những mô hình kinh doanh nổi tiếng xuất phát từ Thung lũng Silicon.
Trưởng thành từ Alibaba của Jack Ma
Sinh năm 1983, Cheng Wei tốt nghiệp ngành Công nghệ Hóa học của Đại học Bắc Kinh. Sau đó anh làm việc 8 năm cho Alibaba với các chức danh Giám Đốc Vùng mảng Dịch vụ B2B của Alibaba sau đó là Phó Giám Đốc Dịch Vụ B2C của Ali-pay trước khi thành lập Công ty Beijing Xiaoju Keji năm 2012 và ra mắt ứng dụng gọi taxi Didi Dache ở Trung Quan Thôn, nơi được mệnh danh là Thung Lũng Silicon của Trung Quốc.
Công ty đã lớn mạnh từ dịch vụ gọi taxi thành một trong những mạng lưới vận tải một cửa lớn nhất thế giới, cung cấp cùng lúc nhiều phương tiện vận tải như taxi, đi chung xe, xe bus và dịch vụ tài xế.
Độc chiếm thị trường và “lấy cảm hứng” từ Uber
Tháng 2/2015, Didi sáp nhập với đối thủ nội địa lớn nhất của mình, Kuaidi trong một thương vụ trị giá 6 tỷ USD nhằm cắt giảm chi phí cạnh tranh và trở thành ứng dụng kiểu Uber lớn nhất Trung Quốc, vẫn hoạt động trên 2 ứng dụng Didi và Kuaidi độc lập.
Theo hãng nghiên cứu thị trường Analysys International, đến cuối tháng 6/2015, Didi Kuaidi chiếm 80% thị phần chia sẻ xe tại Trung Quốc tính theo số lượt đi, trong khi Uber chỉ chiếm 15%.
Cheng Wei đã có cuộc gặp khá thẳng thắn với CEO của Uber – Travis Kalanick trong một lần đi thực địa của Kalanick đến thị trường khổng lồ này năm 2014, theo một người phát ngôn của Uber, anh đã nói thẳng với CEO đối thủ rằng Uber chính là cảm hứng của anh.
Sau đó, Cheng Wei trả lời báo giới Trung Quốc rằng Uber ngỏ lời đầu tư vào Didi và anh xem đó như một lời đề nghị thâu tóm. Câu trả lời của anh là Uber có thể nhanh chân hơn trên thị trường toàn cầu, nhưng ở Trung Quốc, Didi sẽ vượt mặt Uber.
Uber đã gọi vốn 1 tỷ USD để tấn công thị trường Trung Quốc vào tháng 8 năm nay, trong khi trước đó 1 tháng Didi Kuaidi đã huy động được 2 tỷ USD.
Cuộc chiến pháp lý
Ứng dụng chia sẻ xe được xem là bất hợp pháp tại Trung Quốc. Tháng 7 vừa qua, chính quyền thành phố Bắc Kinh đã lên tiếng cho rằng Uber và Didi Kuaidi góp phần gây tắc nghẽn giao thông, có dấu hiệu kinh doanh taxi trái phép và trốn thuế.
Theo Tân Hoa Xã, hơn 170 tài xế Uber và 1.200 tài xế Didi Kuaidi đã bị xử phạt trong năm nay và hai công ty đã chịu những khoản phạt trên. Chính quyền thành phố Bắc Kinh thể hiện sự ưu tiên cho dịch vụ giao thông công cộng, nhưng cả hai công ty đều cam kết rằng ứng dụng chia sẻ của họ có thể giải quyết tình trạng kẹt xe.
Trong cuộc chiến pháp lý này, Didi hiện đang dẫn trước một bước với giấy phép của thành phố Thượng Hải cấp ngày 8/10 nhờ lợi thế là công ty nội địa và sự hậu thuẫn từ hai người khổng lồ Alibaba và Tencent nhưng Uber cũng không chịu thua kém.
CEO Kalanick đã đến thăm Trung Quốc và quyết định đặt trung tâm dữ liệu của Uber Trung Quốc ngay tại nước này, dưới sự kiểm soát của Bắc Kinh nhằm tìm kiếm một thái độ nhẹ nhàng hơn từ chính quyền. Uber cũng tuyển dụng nhiều cựu công chức vào các vị trí quan trọng, bao gồm Huang Xue - Giám đốc Cục Quản Lý Nhà Nước về Phát Thanh, Điện Ảnh và Truyền Hình Trung Quốc.
Uber là một công ty lão luyện với các cuộc chiến pháp lý trên toàn cầu, trận đấu sẽ vẫn tiếp diễn, nhưng nhìn vào giá trị 16 tỷ USD hiện tại của Didi Kuaidi, thị phần 80% và năm sinh 1983, có thể nói Cheng Wei là tiêu biểu cho một thế hệ doanh nhân khởi nghiệp mới của Trung Quốc.
Trí thức trẻ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.