Dù đang ở Mỹ xa xôi, tôi cũng muốn góp câu chuyện tìm việc kỳ công của mình hi vọng sẽ động viên ít nhiều các bạn trẻ đang tơ vò bối rối trước cánh cửa vào đời. Tôi nhận ra rằng dù ở xã hội nào, bối cảnh nào, người đi tìm việc cũng cần "lòng quyết tâm sắt đá".

Sinh viên đăng ký tìm việc

Lúc ở Việt Nam tôi đã tốt nghiệp ĐH Ngoại thương và ĐH Mở TP.HCM ngành tiếng Anh, sau đó tôi đi làm 7-8 năm lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng đồ gỗ nội thất. Sếp của tôi là người Mỹ/người Úc, cho nên tôi có cơ hội sử dụng tiếng Anh mỗi ngày. Năm 2006 gia đình bảo lãnh hai vợ chồng tôi qua Mỹ, thế nhưng thứ tiếng Anh mà tôi sử dụng ở VN và tiếng Anh ở Mỹ lại là hai thứ tiếng hoàn toàn khác nhau, hầu hết chẳng ai hiểu tôi nói gì.

Chị tôi là bác sĩ nhãn khoa có phòng mạch riêng nhận tôi vào giúp việc ở phòng khám. Ban đầu tôi bị khách hàng than phiền tiếng Anh liên tục, tôi phải cố gắng nhẫn nại và tiếp thu nhanh nên vài tháng sau trình độ nghe/nói tiếng Anh cũng khá hơn. Lúc đó tôi đã ngoài 30 tuổi rồi, hai vợ chồng cưới nhau được gần hai năm. Làm công việc này tuy lương không cao nhưng cũng tạm coi là ổn định (so với người vừa qua Mỹ như tôi), và vài người khuyên chúng tôi nên sinh con để có thể hưởng trợ cấp của Chính phủ Mỹ.

Ở Mỹ, nếu như bạn có thu nhập thấp và sinh con thì chính phủ sẽ trợ cấp hết các chi phí y tế, cho tiền ăn mỗi tháng... Chính vì vậy có nhiều người chọn con đường đi làm thợ nail, cắt tóc, buôn bán, cắt cỏ hay những nghề tạo ra thu nhập nhưng không nhất thiết phải khai thuế (vì chính phủ đâu thể kiểm soát mỗi tháng họ làm được bao nhiêu), để họ được liệt vào “hộ nghèo” và lãnh thêm tiền trợ cấp của chính phủ

Nhưng hai vợ chồng tôi suy nghĩ nếu không tự nuôi con của mình được thì sinh chúng ra để làm gì?

Chúng tôi muốn mình phải chuẩn bị sẵn sàng, ổn định kinh tế rồi mới sinh con. Và tôi xác định công việc ở phòng khám của chị tôi chỉ là công việc tạm thời, dù chị tôi rất tốt nhưng chị chỉ có một phòng khám nhỏ và chỉ có thể trả tôi mức lương đúng với mức mà công việc này đòi hỏi thôi. Tôi rất biết ơn chị đã cho tôi cơ hội làm việc này, nhưng tôi không cho phép mình lợi dụng lòng tốt của chị quá lâu.

Vì vậy vừa làm việc ở phòng khám, tôi vừa tích cực gửi đơn xin việc khắp nơi. Chỗ nào tôi cũng gửi đơn, xa hay gần, kể cả những tiểu bang lạnh giá ít người muốn sinh sống. Vợ chồng tôi quyết định sẽ dọn tới bất cứ chỗ nào có công việc thích hợp. Tôi gửi tổng cộng cũng phải hơn 200 lá đơn xin việc đi khắp nơi trên nước Mỹ. Mỗi nơi tôi gửi đến, tôi đều phải chỉnh sửa hồ sơ xin việc (CV) chút xíu và lập hồ sơ lưu lại (để sau này lỡ được kêu phỏng vấn mình còn nhớ đã viết gì trong đó chứ).

Tất cả những thông tin tôi ghi trên CV đều là sự thật, nhưng tùy đặc điểm của vị trí họ cần tuyển, tôi “xào nấu” lại cái CV, nhấn mạnh những điểm này và bỏ bớt chi tiết khác để “tô bóng” thêm cho mình.

Với hơn 200 đơn gửi đi, tôi chỉ nhận được đâu 7-8 cuộc phỏng vấn qua điện thoại và 4-5 cuộc phỏng vấn trực tiếp. Tôi ở Bắc Cali nhưng có lần anh rể tôi phải chạy xe tổng cộng 12 giờ (đi-về trong ngày) để đưa tôi đi phỏng vấn tại một công ty ở Nam Cali (lúc đó tôi còn chưa có bằng lái xe). Xa nhất là lần tôi phải bay qua tận Seattle để dự phỏng vấn. Ở mỗi cuộc phỏng vấn, dù không được nhận vào làm nhưng sẽ giúp tôi nhìn ra những điểm mạnh và điểm yếu của mình và rút kinh nghiệm cho lần sau.

Có lần phỏng vấn ở Seattle mặc dù bị từ chối nhưng người ta đã khuyên tôi một câu là : “Với kinh nghiệm và tính cách của bạn, tôi nghĩ sẽ rất thích hợp để làm việc ở ngành logistics”. Nhờ lời khuyên này, tôi mở rộng lĩnh vực nộp đơn sang ngành logistics (trước đó tôi chỉ xin vào những công ty xuất nhập khẩu/hay công ty liên quan đến đồ gỗ nội thất..).

Sau khoảng chín tháng từ khi đặt chân qua Mỹ, cuối cùng tôi được nhận vào làm việc toàn thời gian ở một đại lý hãng tàu. Khỏi phải nói cũng biết tôi đã vui mừng biết chừng nào. Mặc dù tôi chỉ nhận lương bằng mức sinh viên mới tốt nghiệp ĐH ở Mỹ, tức chưa có kinh nghiệm gì cả (trong khi tôi đã có tám năm kinh nghiệm làm việc) nhưng đối với tôi đây là một cơ hội tuyệt vời.

Chỉ trong tuần đầu tiên, sếp của tôi đã phải công nhận việc thuê được tôi là một “món hời”. Ông đã tự động đề nghị trả thêm tiền chi phí đi lại cho tôi (vì tôi đi làm bằng xe lửa). Ba tuần sau, nhân dịp Giáng sinh, công ty tặng tôi một cái check 1.000 USD. Dù lúc làm ở VN tôi từng nhận tiền thưởng nhiều hơn, nhưng tôi luôn nhớ đến món tiền này vì nó giống như một sự công nhận về khả năng làm việc của tôi tại Mỹ. Một năm sau, sếp tự động nâng lương tôi theo cái mức như họ trả cho nhân viên có nhiều năm kinh nghiệm như tôi và còn thuê cho tôi hai phụ tá.

Vậy đó, bây giờ có ai hỏi sao tôi kiếm được việc làm ở Mỹ đúng với nghề nghiệp của mình, trong khi tôi chỉ có bằng ĐH tại VN và chẳng trải qua trường lớp chính thống nào ở Mỹ thì tôi chỉ trả lời chắc là do tôi đã biết đi “gõ cửa” cộng thêm một chút may mắn.

Tâm sự câu chuyện của mình, tôi nghĩ ở Việt Nam hay ở đâu cũng vậy, nếu muốn thay đổi công việc hay muốn tìm cho mình một việc như ý, hãy đi gõ cửa khắp nơi, đừng ngại xa xôi cách trở. Trong nước hay ngoài nước gì cũng được, cơ hội ở chỗ nào hãy nhào tới đó. Có cánh cửa sẽ đóng im ỉm khi bạn gõ, nhưng cũng có cái sẽ mở he hé, và chỉ cho bạn đến chỗ khác để gõ hay ít ra sẽ cho bạn thấy mình thiếu cái gì.

Nếu bạn may mắn như tôi thì sau khi gõ hơn 200 cái cửa, sẽ có một cái mở toang ra chào đón, còn nếu bạn ít may mắn hơn thì cứ đi gõ tiếp, 300 cái, 400 cái… thế nào cũng phải có cánh cửa nào đó đang chờ chúng ta. Chỉ sợ mình không dám chứ không sợ trên thế gian này... thiếu cửa, tôi chắc vậy.

Nguyễn Thu Hiền (Tuổi trẻ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.