14/06/2023 1:04 PM
Theo xếp hạng Chi phí Sinh hoạt năm 2023 của ECA International về danh sách 20 thành phố đắt đỏ nhất thế giới với người nước ngoài, châu Á có 8 đại diện, trong đó Hong Kong vẫn là thành phố đắt đỏ nhất tại châu Á.

Theo báo cáo, tính trên toàn cầu Hong Kong tụt hạng trong bảng xếp hạng của ECA do mức tăng trong chi phí hàng hóa và dịch vụ hàng ngày đã được kiềm chế phần nào bởi chi phí nhà ở trong thành phố giảm. Tuy nhiên, Hong Kong vẫn giữ vị trí là địa điểm đắt đỏ nhất ở châu Á đối với người ngoại quốc.

Chuyến công tác trung bình tới Hong Kong tiêu tốn tổng cộng 520 USD mỗi ngày. Đây là mức giảm nhỏ 4 USD so với tổng số của năm ngoái.

Vị trí đắt đỏ thứ hai ở châu Á là Singapore, tăng 8 bậc so với bảng xếp hạng năm ngoái. Tính trên toàn cầu, Singapore cũng là địa điểm đắt đỏ thứ năm, đánh dấu lần đầu tiên quốc gia này lọt vào top 5 của bảng xếp hạng.

Chi phí trung bình hàng ngày cho một chuyến công tác, ở mức 515 USD, hiện chỉ rẻ hơn một chút so với Hong Kong. Một báo cáo gần đây từ Trung tâm Nhà ở Châu Á - Thái Bình Dương của Viện Đất đai Đô thị (ULI) cho thấy giá nhà cho thuê tư nhân hàng tháng tại Singapore đạt mức cao nhất trong khu vực, ở mức 2.600 USD.

Theo ECA, chi phí này tăng là do chi phí cho nơi cư trú tăng nhanh. Việc nới lỏng các hạn chế phòng dịch Covid-19 trước đó ở Singapore đã thúc đẩy nhu cầu thuê chỗ ở tăng cao trong khi nguồn cung không tăng tương xứng. Song Singapore là một trong số ít địa điểm ở châu Á thăng hạng trong năm nay. ECA cho hay gần như tất cả các địa điểm châu Á được khảo sát đều tụt hạng, với lý do “tỷ lệ lạm phát thấp hơn so với các khu vực khác”. Điều này chỉ ra rằng người nước ngoài thấy cuộc sống ở các thành phố châu Á tương đối rẻ hơn so với phần còn lại của thế giới trong năm qua.

Vị trí tiếp theo là Tokyo, đã tụt hạng từ thành phố đắt đỏ thứ 2 châu Á xuống vị trí thứ 3, dù chi phí hàng ngày với khách công tác cũng tăng 5% tính bằng nội tệ. Với chi phí trung bình hàng ngày là 424 USD/ngày ở Tokyo, đi công tác tại thành phố này hiện rẻ hơn gần 20% so với Hong Kong.

Ở những nơi khác ở châu Á, lạm phát ở nhiều địa điểm đã góp phần làm tăng đáng kể chi phí đi công tác tính theo đồng nội tệ mặc dù nhu cầu đi công tác vẫn chưa hồi phục sau đại dịch Covid-19.

Top 10 thành phố đắt đỏ nhất châu Á năm 2023. Nguồn: ECA

Chi phí tăng nhiều nhất ở các quốc gia như Sri Lanka, Lào, Pakistan và Kazakhstan nhưng thực tế lại giảm ở một số thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải. Những thành phố của Trung Quốc đại lục như Thượng Hải và Quảng Châu đã rớt khỏi top 10 toàn cầu và hiện xếp hạng 13 và 14 thành phố đắt đỏ nhất thế giới với người nước ngoài do tác động của đồng Nhân dân tệ yếu và lạm phát thấp hơn so với các quốc gia khác.

Top 10 thành phố đắt đỏ nhất thế giới năm 2023. Nguồn: ECA

Tính trên toàn cầu, New York (Mỹ) được xếp là nơi đắt đỏ nhất thế giới cho các chuyến công tác của người nước ngoài. Theo ECA, chi phí trung bình hàng ngày cho một chuyến công tác ở New York hiện là 796 USD.

Các thành phố khác của Mỹ cũng thống trị trong top 10 địa điểm đắt đỏ nhất thế giới cho đi công tác, như Washington D.C, San Francisco và Los Angeles. Có 3 điểm đến ở châu Âu lọt vào danh sách này, trong đó có 2 thành phố ở Thụy Sĩ là Geneva và Zurich. Thành phố thứ 3 ở châu Âu trong top 10 là Paris (Pháp).

Phương Vũ (ECA International)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.